| Hotline: 0983.970.780

Những đoàn xe thiện nguyện nối đuôi nhau chở nước về vùng hạn mặn

Thứ Năm 25/04/2024 , 18:43 (GMT+7)

Mỗi ngày các địa phương ven biển ĐBSCL, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… tiếp nhận hàng chục, hàng trăm chuyến xe và nhiều sà lan mang theo những giọt nước nghĩa tình.

Hiện nay, nước ngọt cho người dân vùng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các nơi: Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, TP.HCM, Vĩnh Long… chảy về vùng ven biển ĐBSCL trên những chuyến xe, chuyến tàu thiện nguyện.

Những chuyến xe thiện nguyện tiến về vùng khô khát ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Những chuyến xe thiện nguyện tiến về vùng khô khát ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Những đoàn xe thẳng tiến về vùng khô khát

Tại vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang có nhiều xã ven biển: Tân Phước, Gia Thuận, Tân Tây, Kiểng Phước, Bình Ân, Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và toàn huyện cù lao Tân Phú Đông đang bị hạn mặn gay gắt, nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt gia đình đã cạn kiệt. Nhiều tổ chức tôn giáo và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh Tiền Giang như: Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Doanh nhân cựu chiến binh Tiền Giang... tổ chức đưa bình nước đến ủng hộ người dân Gò Công bằng cả trái tim.

Ghi nhận của Báo NNVN ngày 24/4, mới 6 giờ sáng, nhiều đoàn xe chở nước “nghĩa tình” trên quốc lộ 50 thẳng tiến về vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Những người làm việc thiện này mong sớm được đưa nước đến hỗ trợ cho người dân vùng khan hiếm nước sinh hoạt.

Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tỉnh Tiền Giang tặng quà cho bà con xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tỉnh Tiền Giang tặng quà cho bà con xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Thường trực Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tỉnh Tiền Giang cũng tổ chức nhiều xe chở quà gồm: gạo, các nhu yếu phẩm và các lốc nước lọc đến tặng cho 300 hộ dân nghèo tại xã Bình Ân, Tân Điền (huyện Gò Công Đông) và Tân Phú, Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) với trị giá mỗi phần quà gần 400.000 đồng.

Giáo hữu Ngọc Dũng Thanh, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Ban đại diện đã liên hệ các mạnh thường quân ở tỉnh Tây Ninh chở nước về để cung cấp cho người dân đang gặp khó khăn. Đồng thời, kêu gọi các Ban Cai quản trong tỉnh nhà đóng góp của ít lòng nhiều để mua những phần quà giúp cho bà con.

Trong giai đoạn nước cạn kiệt, đồng khô cỏ cháy đa số người dân ở vùng ven biển Gò Công gặp khó do không có thu nhập từ ruộng vườn nên những phần quà, thùng nước ngọt mà nhà hảo tâm hỗ trợ rất đáng trân quý, thể hiện nghĩa tình, tính nhân văn sâu sắc. Bà con nhận quà của nhà từ thiện rất phấn khởi vì đã giảm bớt khó khăn trong mùa khô hạn.

Một hộ dân ở xã Tân Điền có hoàn cảnh khó khăn, bị bướu hai mắt được người dân dẫn đến nhận quà của nhà tài trợ. Ảnh: Minh Đảm.

Một hộ dân ở xã Tân Điền có hoàn cảnh khó khăn, bị bướu hai mắt được người dân dẫn đến nhận quà của nhà tài trợ. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Cao Thị Bứt ở ấp 5, xã Bình Ân nói, nước để ăn uống đã được hỗ trợ 3 lần nên đã đủ dùng. Riêng nước giặt giũ, bà lấy nước dưới kênh lên lóng phèn, được một hồ. “Đoàn từ thiện cho như vầy thấy rất vui, mừng rớt nước mắt”, bà Bứt chia sẻ.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Công Đông, đến thời điểm này đã có hơn 300 tổ chức, cá nhân đến huyện Gò Công Đông thực hiện chương trình thiện nguyện, tài trợ cho bà con vùng hạn mặn Gò Công Đông. Phần quà chủ yếu là nước sinh hoạt, nước uống bồn và can chứa nước, gạo, nhu yếu phẩm… Qua đây, góp phần cùng địa phương san sẻ khó khăn mùa hạn mặn.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty TNHH TIGERWOOD tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty TNHH TIGERWOOD tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.

Những ngày này, nhiều đoàn xe chở nước ngọt, nước sạch từ các nơi vượt qua cầu Rạch Miễu tiến về tỉnh Bến Tre đến các huyện khó khăn nhất là Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành.

Những chiếc sà lan đầy ắp "giọt" nghĩa tình

Sáng 25/4, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty TNHH TIGERWOOD cùng mạnh thường quân từ tỉnh Bình Dương và thành phố Hà Nội tổ chức trao bình nước tinh khiết cho hội viên, nông dân nghèo, khó khăn tại tỉnh Bến Tre.

Theo đó, đoàn đã tổ chức trao bình nước tinh khiết cho 400 hộ dân là hội viên, nông dân khó khăn tại xã Hưng Phong (huyện Giồng Trôm), mỗi hộ 3 bình 19 lít và 200 hội viên, nông dân tại xã Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc), mỗi hộ 4 bình. Tổng cộng, mạnh thường quân hỗ trợ 2 địa phương 2.000 bình nước ngọt, trị giá trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, tại mỗi địa phương, đoàn còn tổ chức thăm 1 hộ nông dân nghèo, tặng suất quà trị giá 1 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Các mạnh thường quân vận chuyển nước uống đến với người dân vùng hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Các mạnh thường quân vận chuyển nước uống đến với người dân vùng hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

 

Còn tại huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), bên cạnh những chuyến xe nghĩa tình, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với ông Lê Quốc Tuấn – thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre vận động nhóm Thiện nguyện G9 - Vì nụ cười trẻ thơ (TP.HCM) và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã tài trợ trên 10 chuyến sà lan chở trên 14.000 m3 nước ngọt để bổ cấp cho 3 nhà máy nước Tân Hào (10.000 m3), Phước Long (2.000m3) và Lương Phú (2.000m3). Qua đó, các nhà máy đã truyền tải hàng nghìn m3 nước ngọt đến tận nhà của trên 9.000 hộ dân.

Mạnh thường quân hỗ trợ nước ngọt bằng sà lan cấp bổ cho các nhà máy để xử lý truyền tải đến cho các hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Mạnh thường quân hỗ trợ nước ngọt bằng sà lan cấp bổ cho các nhà máy để xử lý truyền tải đến cho các hộ dân. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hào cho biết: “Nhà máy nước Tân Hào cung cấp nước cho 4.300 hộ tại 6 xã: Tân Hào, Thạnh Phú Đông, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh và một phần của hai xã Hưng Lễ, Tân Thanh. Qua triển khai từ ngày 20/4 đến nay, người dân rất phấn khởi vì nước ngọt về liên tục. Mỗi hộ dân hứng chứa được vài trăm lít đến 1-2 khối nước. Qua nắm tình hình, các xã lân cận cũng đã bắt đầu tiếp cận được nguồn nước ngọt từ Nhà máy Tân Hào để sử dụng. Mong rằng với mô hình này các mạnh thường quân tiếp tục ủng hộ để tất cả người dân đều có thể tiếp cận nước sinh hoạt trong mùa khô hạn này”.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm