Trước tiên là Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường Hà Nội. Nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm TP Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) mà lũy kế đến nay Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia cho 3.519 cơ sở là các HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 13.995 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP) lên hệ thống.
Duy trì hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP trên địa bàn qua hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS. Duy trì hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản. Duy trì hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Trong giai đoạn Tết Trung thu có 472 người tham gia kiểm tra đánh giá kiến thức ATTP, trong đó 468 người đạt, 4 người không đạt.
Duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đồng thời tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn.
Thành phố còn xây dựng, vận hành 52 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong sản xuất rau với diện tích trên 2.000 ha. Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan như: người tiêu dùng - công ty phân phối - cơ quan quản lý nhà nước. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc sở như Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả như: Mô hình thâm canh bưởi theo VietGAP quy mô 13 ha tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ và Đan Phượng với trên 40 hộ tham gia, ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững, đáp ứng các yêu cầu về ATTP và bảo vệ môi trường.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Mê Linh với 338 hộ tham gia trên quy mô 50 ha/vụ. Mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP quy mô 25 ha, được triển khai tại các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên và Thanh Oai. Qua đó tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm và nâng cao được giá trị sản xuất, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn.
Hà Nội cũng đang phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đảm bảo ATTP với trên 5.000 ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích trên 1.700 ha. Duy trì trên 1.300 ha VietGAP rau, quả, chè, 181 ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 40 ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Tiếp tục hỗ trợ chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai xây dựng các quy chế, quy trình, thủ tục đảm bảo ATTP.