| Hotline: 0983.970.780

Người dân bất an vì nguy cơ sạt lở của mỏ sắt Tương Lai

Thứ Ba 14/03/2023 , 12:07 (GMT+7)

Đây là tình trạng xảy ra tại mỏ sắt Tương Lai ở xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên do HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công quản lý, khai thác.

2

Bãi đất đá và quặng của mỏ Tương Lai có nguy cơ sạt lở bất cứ khi nào xuống nhà dân phía dưới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mở sắt “treo” trên nóc nhà dân

Người lạ khi đi vào xóm Phúc Thành, xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ sẽ không khỏi giật mình trước cảnh đất đá và quặng đổ tràn ở trên cao ngay phía sau nhà một số hộ dân. Có cảm giác như chỉ cần 1 tác động nhỏ hoặc một trận mưa là hàng chục ngàn mét khối đất đá sẽ tràn xuống san phẳng những nhà dân ở bên dưới.

Ông Phạm Trọng Khánh, người dân đang sinh sống giáp ranh với mỏ sắt Tương Lai thông tin, phía mỏ đổ đất quặng cao hơn phần đất đồi phía sau nhà hàng chục mét, nếu họ đổ tiếp thì nguy cơ đất tràn xuống sẽ rất cao, đặc biệt vào những khi thời tiết mưa dầm. Khi mỏ hoạt động, rất bụi nên gia đình phải mua lưới về căng chắn bụi và đất cát. 

Cũng theo ông Khánh, mỏ sắt Tương Lai cũng đã gây thiệt hại cho người dân của xóm Phúc Thành, một số nhà dân cũng đã bị đất đá tràn vào đất vườn nhà. Ngoài ra, vào tháng 6/2022, đất đá cũng đã tràn xuống ruộng của khoảng 10 hộ dân, sau đó được công ty đến thoả thuận bồi thường. Bị ảnh hưởng về môi trường, người dân cũng đã có những kiến nghị lên xóm, xã và cũng đã được doanh nghiệp cử người về giải quyết.

42

Ông Phạm Trọng Khánh chỉ phần đất thải phía bên trên (khoanh đỏ) ngay sau nhà cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nguy cơ bị đất sạt lở vào nhà cao nhất là gia đình bà Hồng và đã có một phần đất đá tràn vào diện tích đất của gia đình. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy bãi đất đá cao hơn nóc nhà nhiều lần và chỉ cách ngôi nhà đang ở khoảng cách hơn 10m.

Thông tin từ những người sống giáp ranh mỏ Tương Lai, trong thời gian vừa qua HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công ít có hoạt động khai thác mỏ, mà có dấu hiệu chở quặng ở nơi khác về đây tuyển rửa. Diện tích mỏ được người dân ước chừng đã mở rộng gấp 2 lần so với thời gian bắt đầu triển khai khai thác vào năm 2009.

1

Mỏ sắt Tương lai có diện tích được người dân khẳng định là rộng hơn nhiều so với khi mới tiến hành khai thác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ để đặt vấn đề về nguy cơ sạt lở của mỏ Tương Lai. Ông Bảy cho biết: “Đây là vấn đề quản lý chung, việc sạt lở theo thiết kế khai thác do các sở, ngành của tỉnh có chuyên môn quản lý. Còn huyện chỉ quản lý giám sát, nắm bắt thông tin và hiện nay chưa nhận được thông tin liên quan đến mỏ ấy (mỏ sắt Tương Lai)”.

Theo tài liệu của UBND xã Hoá Trung, mỏ sắt Tương Lai nằm chủ yếu trên địa bàn của xóm Trung Thần và một phần của xóm Phúc Thành, có tổng diện tích là gần 12 ha. HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công là đơn vị được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác lộ thiên theo Quyết định số 1233, ngày 03/06/2009.

3

Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Trung làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TN.

Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Trung cũng thừa nhận là có tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng tới đất nông nghiệp, nhưng cũng đã được giải quyết do doanh nghiệp và người dân tự thoả thuận đền bù. Phía doanh nghiệp cũng cam kết sẽ hỗ trợ, đền bù nếu xảy ra tình trạng sản lượng kém, mất mùa. Do mới tiếp quản vị trí Phó Chủ tịch UBND xã, nên không nắm được có tất cả bao nhiêu hộ dân nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở và phải di dời tới nơi ở mới.

Ông Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Trung lại không nắm được việc mốc ranh giới mỏ đến nay như nào, mà chỉ quản lý bằng hồ sơ do doanh nghiệp gửi từ lúc bắt đầu tiến hành khai thác mỏ. Về phần đất mở rộng diện tích mỏ do HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công tự thoả thuận mua với người dân, thì UBND xã Hoá Trung chỉ nắm được là doanh nghiệp đang làm hồ sơ, còn làm như nào thì thẩm quyền thuộc về  chuyên môn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.