| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư khẩn cấp cho hơn 2.300 hộ dân vùng thiên tai: Khó trăm bề!

Thứ Năm 11/05/2023 , 09:08 (GMT+7)

Quảng Nam Số hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai rất lớn trong khi quỹ đất, nguồn vốn hạn chế, việc sắp xếp tái định cư cho người dân gặp khó khăn.

2.330 hộ cần di dời khẩn cấp

Những năm gần đây, thiên tai gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản cho người dân tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là khu vực các huyện miền núi.

Từ năm 2019 đến nay, các loại hình thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét liên tục xảy ra đã vùi lấp hàng trăm ngôi nhà và cướp đi tính mạng của hàng chục người dân địa phương.

Do vậy hàng năm, khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão, các hộ dân sinh sống dưới triền núi, dọc các bờ sông, bờ suối tại tỉnh này lại nơm nớp lo sợ.

Nhiều khu tái định cư ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã được hình thành sau khi di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều khu tái định cư ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã được hình thành sau khi di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lê Khánh.

Từ thực tế này, tháng 7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 23 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Trong số các nội dung của Nghị quyết này, tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ di dời các gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, có nguy cơ bị sạt lở.

Theo đó, mục tiêu mà tỉnh là tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Từ đó, từng bước ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ di dời hơn 2.330 hộ thuộc diện khẩn cấp do thiên tai ở 9 huyện miền núi là Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn và Hiệp Đức.

Mỗi hộ dân sau khi di dời sẽ được bố trí 150m2 đất ở theo quy hoạch khu dân cư mới. Kinh phí hỗ trợ thực hiện các hạng mục như di chuyển nhà, san lấp nền, nước sinh hoạt, đường bê tông, vật liệu làm nhà khoảng gần 125 triệu đồng/hộ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam), trong năm 2022, tỉnh đã di dời được 457 hộ ở vùng nguy cơ thiên tai khẩn cấp. Dự kiến trong năm 2023 sẽ di dời gần 970 hộ.

Đến thời điểm này, công tác di dời mới chỉ đạt khoảng 4 - 5% so với kế hoạch. Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ trước khi mùa mưa bão bắt đầu sau vài tháng nữa.

Người dân di dời, dựng nhà cửa ở vùng tái định cư. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân di dời, dựng nhà cửa ở vùng tái định cư. Ảnh: Lê Khánh.

Theo chính sách hỗ trợ, từ tháng 11/2022, 51 hộ dân ở làng Tak Tố (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã lần lượt di dời đến nơi ở mới tại khu vực được cơ quan chức năng khoan thăm dò địa chất ít bị sạt lở cách làng 300m.

Đến nay, một số hộ đã ổn định chỗ ở, những hộ khác đang gấp rút dựng nhà mới với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Một ngôi làng mới đã từng bước hình thành.

“Năm 2020, chứng kiến ngọn đồi phía sau làng bị sạt lở cùng với nhiều xã lân cận có nhiều người chết do đất đá vùi lấp sau đợt mưa bão nên chúng tôi rất lo sợ. Thấy vậy, khi biết thông tin cả làng được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn, mọi người đều đồng tình thực hiện. Bây giờ về nơi ở mới này chúng tôi cũng cảm thấy đỡ lo lắng mỗi khi mưa bão và yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất”, anh Đinh Ngọc Vũ (trú tại làng Tak Tố, xã Trà Don) chia sẻ.

Còn nhiều vướng mắc

Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là việc sắp xếp, bố trí dân cư phải gắn với đất sản xuất. Các hộ mất nhà ở, chỗ ở và có nguy cơ bị tác động bởi thiên tai cao sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Việc sắp xếp này phải dựa trên nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh cũng như môi trường sinh thái.

Ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, qua quá trình thực hiện sắp xếp dân cư thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế.

Kết quả thực hiện trong năm 2022 vừa qua chưa cao khi tỷ lệ giải ngân vốn của các huyện chỉ đạt hơn 66%. Nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức triển khai thực hiện cơ chế ở một số địa phương chưa quyết liệt. Việc đầu tư các khu tái định cư tập trung để bố trí dân cư ở một số địa phương chưa đảm bảo tiến độ.

“Hiện nay, quỹ đất bố trí dân cư miền núi ngày càng hạn chế do điều kiện địa hình miền núi phức tạp, độ dốc lớn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hiện tượng sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến việc lựa chọn địa điểm để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn trong mùa mưa bão rất khó khăn.

Nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Ảnh: Lê Khánh.

Ngoài ra, việc tạo quỹ đất từ các khu tái định cư tập trung để bố trí dân cư ở các huyện miền núi thấp rất khó khăn, do không thể lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Nguồn vốn năm 2021, năm 2022 giao thấp gây áp lực về thực hiện sắp xếp dân cư trong những năm tiếp theo”, ông Noa nói.

Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới đây, để thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp, bố trí dân cư, thì các huyện miền núi cần chỉ đạo UBND các xã liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn.

Đồng thời chỉ đạo các phòng chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã trong thực hiện việc rà soát quỹ đất, lựa chọn địa điểm bố trí tái định cư, nhất là các điểm bố trí tập trung nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sạt lở đất khi mưa lũ xảy ra.

Ngoài ra, cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác sắp xếp dân cư.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác sắp xếp dân cư đối với các huyện miền núi thấp (Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn) nằm ngoài phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những kiếp người sống chui: [Bài 2] Sống 'mòn' giữa lòng thành phố

Mặc dù được sống ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, nhưng không ít phận người vẫn ngày ngày phải 'ra luồn vào cúi' trong chính căn nhà của mình.