Lai tạo nhiều giống lúa mới
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng BĐKH và phát triển bền vững, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có đặc tính nổi trội như: Giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, ít sâu bệnh, chống chịu yếu tố bất lợi của thời tiết, phù hợp điều kiện sản xuất và khí hậu của địa phương.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Việc lai tạo giống lúa mới được xác định với mục tiêu hướng đến chọn giống chịu phèn, mặn vùng tôm – lúa. Những giống có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn cho vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Đối với vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm ưu tiên chọn giống lúa thơm, gạo dẻo làm thương hiệu cho gạo Bạc Liêu. Riêng các giống lúa mùa địa phương có những đặc tính tốt như Một bụi đỏ, Tài Nguyên thì lai tạo với các giống lúa ngắn ngày đã thích nghi với sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh để tìm chọn ra giống lai có các đặc tính mong muốn.
Sau quá trình nghiên cứu lai tạo giống, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chọn tạo được 2 giống lúa là BLR103, BLR105, có khả năng chịu mặn khá cao. Hai giống lúa BLR103 và BLR105, có nguồn gốc từ tổ hợp lai Một bụi đỏ (huyện Hồng Dân) và giống OM263 của Viện Lúa ĐBSCL. Sau khi thử nghiệm cả hai giống lúa trên đều thích nghi với vùng tôm - lúa của tỉnh Bạc Liêu.
Đồng thời, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng đã cho trồng khảo nghiệm tại 3 vùng tôm - lúa ở thị xã Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trong 3 vụ của 2 năm liên tục. Kết quả cho thấy, hai giống lúa BLR103 và BLR105 này thích nghi cao với vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh Bạc Liêu. Thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, thấp cây, thân cứng, có hàm lượng amylose trung bình 23% và hàm lượng protein cao 8,25 - 8,3%, cơm mềm, có vị ngọt đặc trưng của giống Một bụi đỏ.
Đặc biệt là ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn. Khả năng chịu mặn ở giai đoạn trổ chín của giống BLR103 là 4‰, BLR105 là 5‰, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, hai giống lúa này còn chịu được hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã chọn tạo 2 giống BLR203, BLR312 có năng suất cao. Hai giống lúa BLR413, BLR404 có phẩm chất tốt. Gửi khảo nghiệm quốc gia 3 giống BLR103, BLR105 và BLR413.
Nhân rộng 3 vùng sinh thái
Sau khi hoàn thành quá trình chọn tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã tổ chức sản xuất trình diễn đối với 2 giống BLR103 và BLR105 trên vùng đất tôm - lúa của tỉnh.
Trong đó, điển hình là hộ ông Lê Phước Tồn (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thực hiện trên diện tích 2ha. Qua đánh giá, các giống lúa chịu được mặn, sinh trưởng tốt, năng suất đạt 7 tấn/ha, rạ phân hủy rất nhanh, thuận lợi cho việc cải tạo vuông để nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Trực (ấp Ninh Điền, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết: Đối với giống lúa BLR413 so với các giống lúa tại địa phương thì nhảy chồi tốt, ít nhiễm sâu bệnh, lúa trổ bông đồng đều, năng suất đạt từ 6 – 7 tấn/ha.
Nói về giống lúa BLR413, ông Đặng Văn Dậu (ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) cho biết: Gia đình canh tác 1.000m2 đất, lần đầu tiên thử nghiệm giống lúa BLR413 thấy giống lúa này có dùng phân thuốc nhiều hơn các giống lúa khác, nhưng bù lại ít bị nhiễm bệnh, trổ bông đồng loạt, năng suất đạt ngang bằng với một số lúa thơm khác.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đánh giá: Qua sản xuất trình diễn ở các điểm, ngành chức năng đánh giá hai giống lúa BLR103 và BLR105 có thời gian sản xuất ngắn (95 ngày). Khả năng chịu mặn khá, kiểu hình thấp, dạng hình đẹp, cứng cây, năng suất 6 – 7,5 tấn/ha. Lúa ít nhiễm sâu bệnh, có phẩm chất gạo khá, thích hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh.
Riêng giống BLR413 rất phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ lúa, thời gian sản xuất 95 ngày, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, có tiềm năng cho năng suất khá. Đặc biệt phẩm chất gạo thơm, ngon, dẻo, phù hợp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đề nghị Sở NN-PTNT tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đưa giống lúa BLR413 thành giống mang thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất các giống lúa chịu mặn vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.
Kỹ sư Dương Văn Ngô, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu, cho biết: Trung tâm đã triển khai trồng thử nghiệm 3 giống lúa BLR103, BLR105 và BLR413 trên 3 vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia. Trong đó, đặc tính sinh học của hai giống lúa BLR103 và BLR105 khá nổi trội, có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày.
Thứ nhất, đây là thành công bước đầu về mặt thời gian, so với giống bố mẹ là 135 ngày. Thứ hai là cây cứng không đổ ngã, thấp cây, đây cũng là khắc phục nhược điểm của cây bố mẹ (quá dài và cao cây, dễ đổ ngã). Thứ ba là năng suất rất cao, tại vùng sinh thái từ 6 - 7,5 tấn/ha. Tùy theo tính chất đất ở vùng tôm lúa tốt hay xấu.