| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 07/11/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 07/11/2017

Những lỗ hổng cần bít ngay trong Luật Phòng chống tham nhũng!

Không thể truy nguyên nguồn gốc tài sản của những thân nhân các quan chức, vì luật không cho phép, trừ khi bản thân họ phạm tội, và nguồn gốc những tài sản của người thân của họ bị cơ quan điều tra chứng minh...

Ảnh minh họa: Báo Dân trí

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 3/11/2017, khi được báo chí đặt câu hỏi về việc xử lý biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, đã trả lời “Biệt phủ đó đứng tên bà Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý. Luật chưa có quy định về việc truy nguyên nguồn gốc tài sản của vợ con, vì vậy chúng ta chưa truy nguyên nguồn gốc tài sản của bà Huệ được”.

Một câu trả lời ngắn gọn, nhưng bộc lộ một lỗ hổng rất lớn của Luật phòng chống tham nhũng. 

Cách đây mấy ngày, dư luận đã xôn xao trước việc con gái nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới 22 tuổi nhưng đã sở hữu biệt phủ rộng tới trên 2.000 m2 đất ở TP Hồ Chí Minh, và con gái một thứ trưởng chưa đến 30 tuổi, cũng sở hữu khối tài sản trị giá trên 200 tỷ đồng. Trước đó nữa, 6 biệt phủ tại khu đất đắc địa nhất ở TP Lào Cai, mỗi biệt phủ trị giá nhiều chục tỷ đồng, cũng do vợ, con các vị Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh... đứng tên sở hữu. Rồi mẹ nguyên Thứ trưởng Bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa sở hữu lượng cổ phiếu ở Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang trị giá tới 78 tỷ đồng, rồi Giang Văn Hiển, bố Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng của Vinashin, cũng đứng tên sở hữu hàng chục bất động sản, cái nào cũng trị giá tiền tỷ.

Vì sao những người trẻ tuổi hay già cả, không kinh doanh, buôn bán gì, mà lại sở hữu một số tài sản khổng lồ như vậy? Nguồn gốc của chúng từ đâu? Tất cả những người đã dẫn ở trên đều thuộc diện phải kê khai tài sản. Nhưng những bản kê khai của họ đều rất "đúng quy trình”, “đúng quy định”, rất sạch sẽ và thơm tho, chúng chẳng đáng giá bao nhiêu, chứng tỏ cuộc đời làm quan của họ rất thanh bạch. Những tài sản khủng đều là của vợ, của con, của bố của mẹ họ.

Nhưng cả xã hội đều biết những khối tài sản khủng do người thân của quan chức sở hữu, có nguồn gốc từ đâu. Có thể nói đó chính là một dạng tẩu tán tài sản có được do tham nhũng một cách phổ biến nhất. Không thể truy nguyên nguồn gốc tài sản của những thân nhân các quan chức, vì luật không cho phép, trừ khi bản thân họ phạm tội, và nguồn gốc những tài sản của người thân của họ bị cơ quan điều tra chứng minh là có được từ hành vi phạm tội của họ, như trường hợp Giang Kim Đạt. Còn lại, không ai được đụng tới những khối tài sản khổng lồ đó. Và đó cũng chính là lỗ hổng lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng. Thế nên, vơ vét, và chuyển được tài sản cho người thân rồi, là quan chức có thể xoa tay, yên chí tận hưởng hết đời mình đến đời con, đời cháu, có cách chức, giáng chức, cũng chẳng sao, vì cái hầu bao đã đầy căng rồi.

Chừng nào lỗ hổng này chưa được bít lại, tài sản của thân nhân quan chức chưa bị truy nguyên nguồn gốc, thì tham nhũng vẫn còn thách thức xã hội.