| Hotline: 0983.970.780

Những loại cây giúp bà con vùng hạn giảm nghèo

Thứ Năm 07/12/2023 , 10:52 (GMT+7)

Xã Cao Sơn được ví như vùng đất bán hoang mạc vì thiếu nước, đất đai khô cằn. Đây cũng là xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn).

Đến Cao Sơn mùa này, dọc hai bên đường ruộng lúa nứt nẻ, sông suối khô cạn cùng với đó là cái lạnh thấu xương vào sáng sớm. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng khiến cuộc sống người dân nơi đây khó khăn trăm bề.

Thiếu nước, ruộng lúa ở Cao Sơn chủ yếu làm được 1 vụ, vụ còn lại nếu trời mưa bà con trồng ngô, nếu khô hạn cực điểm đất đai bỏ hoang. Những tháng cuối năm, trên đồng ruộng ở Cao Sơn khó tìm thấy bóng dáng người dân sản xuất. Xa xa phía chân đồi, lác đác vài người đang thu hoạch lạc.

Chị Hoàng Thị Loan cho biết, do đất đai khô cằn nên người dân phải thích ứng tìm những cây trồng phù hợp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Hoàng Thị Loan cho biết, do đất đai khô cằn nên người dân phải thích ứng tìm những cây trồng phù hợp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Hoàng Thị Loan, thôn Thôm Khoan (xã Cao Sơn) tay thoăn thoắt tách từng hạt lạc, miệng vẫn không ngớt thúc giục 2 người đến hộ làm nhanh kẻo trời tối. Với chị Loan, trồng lạc dù chả thu được bao nhiều nhưng ở mảnh đất khô cằn này, ngoài cây lạc cũng chẳng trồng được cây gì.

Chị Loan nhẩm tính, mỗi cân lạc bán được hơn 15.000 đồng, với gần 1.000m2 cũng phụ được gia đình có đồng ra đồng vào. Những ngày cuối năm đám cỗ nhiều, không đi làm thuê được, tiền bán lạc cũng đủ trang trải phần nào.

“Ruộng chỉ có 1.000m2, cộng với hơn 1.000m2 trồng ngô, nhưng đất đai cằn cỗi cố gắng mới đủ ăn. Gia đình làm đủ thứ để có thu nhập, mùa màng làm nông, hết vụ đi làm thuê, năm ngoái gia đình cũng thoát được hộ nghèo”, chị Loan tâm sự.

Miệng nói, tay làm, chỉ mới 2 ngày chị Lục Thị Đẹp đã thu hoạch gần xong đồi trồng lạc của gia đình. Với chị Đẹp, trồng lạc cũng là cơ duyên, vài tháng trước thấy xã triển khai dự án trồng lạc, dù không thuộc diện tham gia dự án nhưng chị vẫn tham gia. Vụ lạc năm nay được mùa, giá bán cũng khá, gia đình có thêm thu nhập.

Chị Lục Thị Đẹp (ngoài cùng bên phải) phấn khởi vì vụ lạc năm nay được mùa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Lục Thị Đẹp (ngoài cùng bên phải) phấn khởi vì vụ lạc năm nay được mùa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nói về cái khó của vùng đất này, bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, xã có diện tích tự nhiên hơn 6.357ha, nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 61ha, trong đó chỉ có hơn 3ha chủ động được nguồn nước, còn lại trông chờ trời mưa.

Biết điều kiện tự nhiên khó khăn nên những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã luôn tìm hướng để bà con thoát nghèo. Đất đai khô cằn, thiếu nước xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mấy năm nay, có hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia xã thực hiện dự án trồng cây lạc đỏ. Đây là loại cây chịu hạn tốt, năng suất đạt khá, giá bán cao. Thấy có hiệu quả nhiều hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cũng tham gia nên dần trở thành cây trồng chính của địa phương.

Tận dụng khí hậu mát mẻ, những năm gần đây, chuỗi liên kết trồng cây thuốc lá cũng mang lại hiệu quả cao. Diện tích trồng hàng năm đạt gần 11ha, người dân được doanh nghiệp cung cứng phân bón trả chậm, bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm cây thuốc lá đem lại 1,3 tỷ đồng cho người dân địa phương. Đây cũng là cây trồng mang lại giá trị cao nhất trên địa bàn xã hiện nay.

Với người dân xã Cao Sơn, khó khăn vì đất đai khô cằn cũng buộc họ tìm hướng sản xuất nông nghiệp phù hợp. Trong đó chuỗi liên kết trồng cây dong riềng là minh chứng sống động về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đất soi bãi ven đồi, những chân ruộng cao cây dong riềng phát triển tốt, năng suất khá cao.

Những ngày này, người trồng dong riềng ở Cao Sơn rất phấn khởi vì củ dong được giá. Nếu như mọi năm một kg củ dong chỉ bán được 1.500 đồng đến 1.800 đồng thì năm nay giá bán đã lên tới 2.500 đồng/kg. Với giá thu mua này một ha trồng dong riềng có thể thu về trên dưới 100 triệu đồng. Phấn khởi hơn nữa, doanh nghiệp đến thu mua tận nơi, bà con không lo đầu ra.

Dong riềng đang trở thành cây giảm nghèo ở Cao Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dong riềng đang trở thành cây giảm nghèo ở Cao Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, ngoài trồng trọt, xã cũng đang triển khai dự án hỗ trợ chăn nuôi từ nguồn vốn giảm nghèo. Theo đó, năm nay xã đã hỗ trợ 15 hộ nghèo, cận nghèo nuôi dê sinh sản, mỗi hộ được hỗ trợ 7 con. Ngoài ra xã cũng triển khai thêm dự án hỗ trợ nuôi vịt siêu trứng.

“Dù còn khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm theo từng năm. Hiện nay toàn xã có 223 hộ, dân số hơn 900 người. Nếu như năm 2022 toàn xã còn 56 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo thì đến hết năm 2023, sau khi rà soát sơ bộ, số hộ nghèo chỉ còn 42 hộ, cận nghèo 39 hộ”, bà Hằng cho biết thêm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.