| Hotline: 0983.970.780

Những tỷ phú trồng rừng trên rẻo cao

Thứ Ba 06/12/2022 , 06:08 (GMT+7)

Ở trên những rẻo cao, trồng rừng không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành bệ phóng giúp nhiều người trở thành tỷ phú.

Anh Lục Văn Bạn bên đồi cây keo của gia đình. Ảnh Ngọc Tú.

Anh Lục Văn Bạn bên đồi cây keo của gia đình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người tiên phong trồng rừng ở Bản Khúa

Gần hai chục năm trước, người dân Bản Khúa, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) chỉ biết phát nương làm rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn, đói nghèo bủa vây, trẻ con thất học. Cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, anh Lục Văn Bạn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Nhận thấy lợi thế của địa phương đất đai rộng, dân cư thưa thớt phù hợp để trồng rừng nên anh đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng kinh tế. Ban đầu, anh trồng 1ha cây keo, sau vài năm thấy cây phát triển tốt anh mở rộng dần diện tích.

Là người tiên phong trồng rừng kinh tế, lúc đầu ông Bạn cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhưng nhờ ham học hỏi, đến nay anh đã trở thành chuyên gia tư vấn trồng rừng cho bà con trong bản.

Anh Bạn tâm sự, lúc đầu mình mới trồng rừng, vợ con, hàng xóm không tin tưởng, bỏ nhiều công sức nhưng vài năm đầu chưa mang lại đồng nào. Nhưng mình phải kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, cái gì không biết mình cố gắng tìm tòi trên mạng, nhờ cán bộ khuyến nông hỗ trợ.

Từ chỗ chỉ có 1ha keo ban đầu, năm 2008 gia đình tiếp tục trồng 15ha keo, đến nay gia đình anh đã có gần 30ha rừng trồng gồm cây mỡ, keo, quế và lát. Khi những lứa rừng trồng đầu tiên cho khai thác, anh Bạn có thu nhập để tiếp tục tái đầu tư. Trong đợt khai thác gỗ năm 2022, gia đình anh đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Từ chỗ gia cảnh khó khăn, đến nay anh Bạn đã trở thành tỷ phú ở Bản Khúa.

Theo anh Bạn, trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh Ngọc Tú.

Theo anh Bạn, trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Ngọc Tú.

Anh Bạn cho biết, trồng rừng chẳng khác gì mình tích cóp tiền trong nhiều năm, mình ngủ nhưng cây không ngủ mà nó cứ thế lớn dần. Hiện 1ha cây keo có tuổi đời từ 7 đến 8 năm khi khai thác mang lại khoảng 80 triệu đồng, nếu đồi cây mọc đẹp, cây to đều có thể thu về 100 triệu đồng/1ha. Trong khi đó, 1ha cây mỡ hơn 10 năm tuổi có thể lãi 150 triệu đồng, 1ha cây quế đến tuổi khai thác có thể mang lại thu nhập 400 đến 450 triệu/1ha.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhận thấy hiệu quả trồng rừng gỗ lớn, anh Bạn còn tích cực vận động bà con trong thôn tham gia. Để việc trồng rừng không manh mún, tự phát, anh Bạn đã khuyến khích người dân trong bản cùng liên kết thành lập Hợp tác xã Vạn Xuân.

Đến nay, HTX này đang thu hút hơn 10 thành viên đầu tư vào trồng rừng. Không chỉ trồng cây keo, cây mỡ, các thành viên HTX đã mạnh dạn trồng thêm cây hồi để lấy tinh dầu. Nhờ có sự bàn bạc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong HTX, nhiều mô hình trồng rừng hiệu quả đã xuất hiện. Bản Khúa giờ đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế lâm nghiệp ở xã Bằng Thành.

Ông Lục Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm chia sẻ, mô hình trồng rừng của anh Bạn là điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã. Bà con học hỏi được rất nhiều từ anh Bạn, bản thân anh ấy cũng là người làm công tác dân vận rất tốt, nhờ đó cả xã có hơn 200 hộ trồng rừng, diện tích lên đến hơn 1 nghìn ha. Có thu nhập từ rừng, nhiều hộ vươn lên khá giả, hộ nghèo giảm nhanh.

Ông Nguyễn Đức Chức, Phó hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm đánh giá, thôn Bản Khúa nói riêng và xã Bằng Thành nói chung thực hiện khá hiệu quả công tác phát triển rừng, trong đó mô hình của anh Bạn là điển hình, tạo sức hút rất lớn trong thôn bản.

Từ chỗ bà con lúc đầu còn bỡ ngỡ, không dám nhận đất nhận rừng nhiều, sau này người dân thấy được hiệu quả nên trồng rừng đã trở thành phong trào mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Xã nghèo vươn lên nhờ trồng rừng

Trước đây, Lương Bằng là xã rất khó khăn của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), nhưng những năm gần đây đời sống kinh tế của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực nhờ thu nhập từ trồng rừng.

chi yen

Chị Yến chăm sóc đồi cây đã chuẩn bị khai thác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gia đình chị Hoàng Thị Yến là một trong những hộ dân có diện tích trồng rừng lớn ở thôn Nà Lếch với hơn 10 ha. Do có quỹ đất rừng nên vào năm 2010, gia đình chị Yến bắt đầu tự bỏ vốn đầu tư trồng cây mỡ. Sau đó, gia đình chị tiếp tục mở rộng diện tích dần theo các năm.

Việc chăm sóc cây mỡ chủ yếu vất vả trong 3 năm đầu tiên, từ năm thứ 4 trở đi, khi cây bắt đầu khép tán thì công sức chăm sóc không nhiều. Đến nay, rừng mỡ của gia đình chị Yến đã có thể khai thác với giá trị thu về khoảng 100 triệu đồng/1ha. Nếu bán hết 10 ha cũng thu về gần 1 tỷ đồng.

Chị Yến cho biết, khi khai thác tư thương họ đến mua tận nơi, rất thuận tiện, nếu được giá sau khi trừ chi phí cũng thu lợi nhuận khá cao. Trước đây, khó khăn nhất là việc vận chuyển cây con, phân bón, nhưng nay đã có đường lâm nghiệp nên kể cả việc khai thác cũng thuận lợi hơn rất nhiều, lợi nhuận vì thế cũng tăng lên đáng kể.

Bây giờ, đến xã Lương Bằng, chuyện có những gia đình thu tiền tỷ từ trồng rừng đã không còn quá lạ lẫm. Hiện nay xã Lương Bằng đang có trên 500 ha rừng trồng, nhiều cánh rừng đã cho khai thác. Hệ thống đường giao thông đến xã, đến thôn được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường lâm nghiệp đã được mở nên việc khai thác và tiêu thụ rừng trồng khá thuận lợi.

Để trồng rừng đạt kết quả cao, xã  Lương Bằng đã chủ động tìm nguồn giống cây chất lượng tốt để hỗ trợ cho người dân, đồng thời cử cán bộ trực tiếp về các bản vùng sâu để động viên, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho bà con.

Trồng rừng đang trở thành hướng đi mũi nhọn, giúp nhiều gia đình khá giả. Ảnh Ngọc Tú.

Trồng rừng đang trở thành hướng đi mũi nhọn, giúp nhiều gia đình khá giả. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Ma Thế Quốc, Chủ tịch UBND xã Lương Bằng (huyện Chợ Đồn) cho biết: Nhân dân trên địa bàn xã rất tích cực trồng rừng, hầu hết hộ nào cũng tham gia, hộ ít thì 1ha, hộ nhiều hàng chục ha. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng khi khai thác rừng ngày càng nhiều. Là xã miền núi, thu ngân sách của xã cũng chủ yếu thu từ phí khai thác rừng trồng, hàng năm số thu ngày càng tăng cũng chứng tỏ thu nhập từ rừng của người dân cũng ngày càng lớn.

Để trồng rừng tiếp tục trở thành “bệ phóng” giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, xã Lương Bằng đang vận động người dân chuyển đổi những diện tích hiệu quả thấp sang trồng rừng gỗ lớn, đồng thời thực hiện tốt mô hình trồng rừng xen canh. Xã cũng tăng cường thu hút các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ đến địa phương để đảm bảo đầu ra, gia tăng giá trị cho gỗ rừng trồng, từ đó đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

“Xã Lương Bằng có trục quốc lộ đi qua nên rất thuận tiện thu hút đầu tư, hiện nay xã cũng đã có một số cơ sở chế biến gỗ, chủ yếu là gỗ bóc, một số xã lân cận cũng có nhà máy chế biến gỗ, đũa để xuất khẩu nên việc tiêu thụ gỗ rừng trồng khá thuận lợi. Trong thời gian tới xã xác định, trồng rừng vẫn là hướng phát triển kinh tế chủ đạo của người dân”, ông Ma Thế Quốc chia sẻ thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.