Ít ai ngờ là chỉ với lượng bón chỉ “bằng cái dúm tay” như nông dân vẫn thường nói đùa về phân hữu cơ nano nhưng cây lúa lại phát triển cân đối, đẹp được đến như thế trong mô hình quy mô 50 ha thuộc 2 huyện Thanh Oai và Phúc Thọ.
Cụ thể, khi sử dụng phân bón hữu cơ Nano UPLML kết hợp với phân hữu cơ sinh học để bón cho lúa đã giúp giảm 50% lượng phân bón vô cơ, tạo thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, thúc đẩy bộ rễ phát triển, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây, từ đó tạo ra lúa gạo an toàn, chất lượng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Vụ xuân cho năng suất đạt từ 62,5 – 63,9 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 8,0 – 9,2 triệu đồng/ha (cao hơn đối chứng từ 1,5 – 3,0 triệu đồng/ha), vụ mùa cho năng suất từ 57,8 – 58,3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ 14,6 – 15,5 triệu đồng/ha (cao hơn đối chứng từ 3,6 – 4,3 triệu đồng/ha).
Thay vì hình ảnh còng lưng đi cấy giờ ở mô hình phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy của khuyến nông đã giải phóng sức lao động nặng nhọc cho nông dân Thủ đô. Với quy mô 65.000 khay mạ, cấy máy cho 260 ha lúa/2 vụ, chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay truyền thống từ 3,5 – 7.6 triệu đồng/ha.
Đồng thời áp dụng gieo mạ khay cấy máy, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, năng suất lúa cao hơn so với cấy theo truyền thống từ 3 – 15%, cho lợi nhuận từ 9 – 29 triệu đồng/ha. Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp, thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Trong khi trên thị trường giá bưởi đang bèo bọt đến mức cho không đắt nhưng “bưởi khuyến nông” vẫn bán được giá cao nhờ thâm canh theo hướng VietGAP trên diện tích 12 ha tại 3 điểm thuộc huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất.
Do cây được cắt tỉa thường xuyên, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật và được bao quả nên đã hạn chế được sâu bệnh, mẫu mã quả đều và đẹp, tỉ lệ quả loại 1 cao; năng suất đạt từ 20 – 25 tấn quả/ha, giá bán 20.000 – 25.000 đồng/quả loại 1 và từ 10.000 – 12.000 đồng quả loại 2, cao hơn từ 2.000 – 5.000 đồng/quả, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 16% – 40% so với ngoài mô hình, được nhiều thương lái đến đặt mua.
Ngoài ra, mô hình còn giúp nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc thực hiện quy trình sản xuất bưởi theo hướng VietGAP, tạo thói quen ghi chép nhật ký sản xuất cho người nông dân để thuận lợi trong cho việc truy xuất nguồn gốc.
Dăm bảy năm gần đây, nếu ai đi qua thị xã Sơn Tây thì hầu như không quên mua cho mình ít sữa chua dê hay vài lạng thịt dê về làm quà. Đi theo hướng đặc sản ấy, khuyến nông có mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt (năm 2021 – 2022) với quy mô 132 con bằng giống lai Bách Thảo.
Sau 12 tháng thực hiện (mô hình nghiệm thu tháng 5/2022) đàn dê đã sinh sản được 189 dê con và có 65 con dê tiếp tục chửa lứa 2. Tính hiệu quả kinh tế với quy mô 20 dê cái và 2 dê đực/hộ, cho sinh sản từ 40 – 60 con/năm, thời gian nuôi dê con 7 tháng xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 25 kg/con, cho lợi nhuận từ 50 – 100 triệu đồng/hộ/năm.
Tiếp nối thành công đó, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt quy mô 220 con tại 4 điểm thuộc 2 huyện Thạch Thất và Sóc Sơn góp phần tạo vùng nguyên liệu cung cấp thịt dê sạch cho thủ đô và tạo điều kiện cho các hộ vùng núi, đồi gò, bán sơn địa có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương
Và khi được tình cờ thưởng thức món cá chép nuôi trong mô hình cá – lúa ở huyện Thanh Oai tôi đã giật mình vì nó quá thơm ngon, khác biệt với loại thịt cá bở bùng bục, nhạt nhẽo ở ngoài chợ. Với quy mô 15 ha, thực hiện tại 7 điểm thuộc 5 huyện Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai việc nuôi kết hợp cá - lúa khai thác tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích.
Kết quả cho thấy, với mối quan hệ tương hỗ, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thưc ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, tiêu diệt các sâu bọ hại lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa; đem lại nhiều lợi ích và năng suất lúa cao hơn. Cá sinh trưởng phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình trên 0,9 kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống...
Những mô hình tiêu biểu kể trên là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ khuyến nông Hà Nội, ngay cả giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hồi đầu năm, họ vẫn kết nối với người dân thông qua trực tuyến trên thiết bị điện thoại bằng Zalo nhóm, Zoom…để chuyển tải thông tin sản xuất, giá thị trường, thời vụ... chỉ đạo hướng dẫn mô hình, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho kịp thời.
Mục tiêu năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng; phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, tập huấn cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất. Góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng “Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc”.