| Hotline: 0983.970.780

Thử nghiệm bón phân hữu cơ nano trên lúa Bắc thơm 7

Thứ Tư 02/11/2022 , 09:05 (GMT+7)

HÀ NỘI Mô hình thử nghiệm bón phân hữu cơ nano, giảm 50% lượng phân bón hữu cơ ở Hà Nội kết quả bước đầu khả quan về năng suất, cải thiện môi trường sinh thái…

Hạn chế việc lạm dụng 100% phân hóa học    

Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ về giống cùng với các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa ở Hà Nội như các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Đông Anh... Năng suất, chất lượng và đặc biệt là hiệu quả kinh tế của lúa hàng hóa cao hơn từ 15 đến 20% so với lúa thông thường. Một số gạo Japonica (gạo giống Nhật) đã được xuất khẩu tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc…

Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón cho lúa hiện nay chủ yếu là lạm dụng các chất vô cơ (đạm, lân, kali, NPK), hầu như không sử dụng hữu cơ kiểu phân xanh, phân chuồng. Hậu quả là độ phì của đất ngày càng giảm, kết cấu bị phá vỡ, chai cứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Đồng thời, đây là tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường, sâu bệnh gia tăng, phải phun nhiều thuốc BVTV hóa học, khiến sản phẩm nông sản cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến chất lượng, sức khỏe cộng đồng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhằm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ nano trên diện tích 20ha lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá ở xã Thanh Văn và Thị trấn Kim Bài của huyện Thanh Oai. Đây cũng được kỳ vọng sẽ là nơi tham quan, học tập cho các địa phương để từng bước mở rộng diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ.

Empty

Một nông dân ngoại thành đang làm đất để chuẩn bị vụ mới. Ảnh: NNVN.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón (25.000kg phân hữu cơ sinh học Bảo Lâm SC90, 350gram phân hữu cơ nano UPMLM), 50% thuốc BVTV sinh học, còn lại nông dân đối ứng. Các hộ tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ trước khi thực hiện và phải ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, so sánh đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa qua các thời kỳ giữa bón phân hữu cơ nano với bón theo tập quán của địa phương làm đối chứng.

Cụ thể, cách bón ở mô hình sử dụng phân hữu cơ nano giảm 50% lượng phân bón vô cơ, lượng bón phân hữu cơ sinh học 90kg/sào (2.500kg/ha), phân hữu cơ nano 1,25gr/sào (35gr/ha), đạm ure 2kg/sào (56kg/ha), kali clorua 3kg/sào (84kg/ha). Bón lót 100% phân hữu cơ sinh học, bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ, bắt đầu đẻ nhánh 2kg đạm + 1kg kali, kết hợp phun phân hữu cơ nano lần 1. Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái, bắt đầu phân hóa đòng 2kg kali còn lại, kết hợp phun phân hữu cơ nano lần 2. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh ở mô hình tương tự như ngoài đại trà của bà con...

Khoảng 20 năm nay, người dân miền Bắc vẫn ưa chuộng giống lúa thuần Bắc thơm 7 được nhập nội từ Trung Quốc và ở nhiều vùng còn gọi nó là “lúa tám ngắn ngày” bởi rất ngon cơm. Tuy nhiên qua thời gian, giống lúa này đã dần trở nên mẫn cảm với bệnh bạc lá khiến gần đây các công ty phải cấy gen kháng vào. So sánh giữa giống lúa Bắc Thơm 7 có gen kháng bạc lá và Bắc thơm 7 thường, qua quan sát, theo dõi tại đồng ruộng cho thấy giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt hơn, cây cứng hơn, chịu thâm canh hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá hơn, chống đổ khá hơn và đặc biệt là tỷ lệ bệnh bạc lá thấp hơn hẳn.

So sánh giữa sử dụng phân hữu cơ nano, giảm 50% phân bón vô cơ với đối chứng sử dụng hoàn toàn phân hóa học cho thấy qua đo đếm thực tế, mặc dù ở mô hình bà con sử dụng phân hữu cơ nano chưa đúng với quy trình khuyến cáo cần phun ít nhất 3 lần/vụ (thực tế chỉ phun 2 lần/vụ), song lúa bón phân nano vẫn cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Lúa đẻ nhánh sớm và tập trung hơn, lá lúa có màu xanh sáng, dày và cứng hơn, cây cao hơn, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn, khả năng chống đổ tốt hơn, trỗ tập trung hơn, chiều dài bông, số bông/khóm và tỷ lệ hạt chắc đều cao hơn.

DSC_4649

Nên hạn chế bón 100% phân hóa học. Ảnh: NNVN.

Về năng suất, trên cùng một giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá, năng suất lúa bón phân nano đạt 57,3 tạ/ha, năng suất lúa không sử dụng phân hữu cơ nano đạt 52,5 tạ/ha. Như vậy, sử dụng phân hữu cơ nano cho năng suất cao hơn đối chứng 4,8 tạ/ha (9,14%). Về hiệu quả kinh tế, do mới là năm đầu sử dụng phân hữu cơ nano, đơn vị thực hiện chưa đưa gạo đi phân tích chất lượng, giá bán chưa cao hơn so với lúa gạo sản xuất đại trà vì người tiêu dùng còn chưa biết đến nên hiệu quả vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, lúa trong mô hình vẫn kinh tế hơn so với lúa đại trà làm đối chứng. Cụ thể, sử dụng phân hữu cơ nano, giảm 50% phân vô cơ lợi nhuận đạt 14.558.0000đ/ha, cao hơn đối chứng không sử dụng phân hữu cơ nano, bón 100% phân vô cơ là 2.872.000đ/ha.

Hiệu quả lớn hơn, không đo đếm được là sử dụng phân hữu cơ nano, bớt 50% phân bón vô cơ đã góp phần giảm độ chai cứng đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu sử dụng nhiều vụ liên tục sẽ giảm được 100% phân bón vô cơ, tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị của hạt gạo chắc chắn sẽ cao hơn.

Một số khó khăn, tồn tại

Qua thực tế thực hiện mô hình khuyến nông ở huyện Thanh Oai cũng cho thấy một số khó khăn tồn tại, nguyên nhân và bài học rút ra. Thứ nhất là sử dụng phân hữu cơ nano làm thay đổi hẳn tập quán sản xuất của người dân, do đó một số hộ còn bỡ ngỡ, chưa thực sự tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới, chưa tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, bón thêm phân vô cơ, dẫn đến phát sinh thêm sâu bệnh gây hại và khả năng chống đổ cho lúa kém hơn. Sử dụng phân hữu cơ nano bắt buộc phải tổ chức phun tập trung do lượng bón rất nhỏ (tính bằng gram), không thể cấp cho hộ dân được, gây khó khăn cho các HTX trong công tác tổ chức phun.

Do chi phí sử dụng phân hữu cơ nano cao hơn so với bón theo tập quán, hoàn toàn bằng phân hóa học, quy trình kỹ thuật lại phức tạp hơn, trong khi giá bán lúa gạo chưa cao hơn, gây khó khăn cho việc tuyên truyền mở rộng diện tích. Đưa giống lúa mới Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá vào sản xuất, người dân sợ ảnh hưởng đến chất lượng gạo, không bán được giá như Bắc thơm số 7 thường nên một số hộ không dám cấy giống lúa mới...

Empty

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: NNVN.

Đây mới là năm đầu đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nên chưa thể đánh giá hết được hiệu quả của mô hình. Bởi vậy huyện Thanh Oai đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình hình “Trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu” trên địa bàn trong những vụ tiếp theo để có được những kết luận chính xác nhất.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai nhận định trong thời gian không xa, chỉ vài năm nữa, nhiều hộ nông dân ngoại thành Hà Nội sẽ không sử dụng phân vô cơ nữa mà chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ hoặc kết hợp với một phần phân hóa học, vi sinh.

Cách chăm sóc này sẽ giúp cho cây trồng khỏe, chất lượng nông sản tốt và an toàn cho sức khỏe con người; môi trường đất, nước, không khí đều được cải thiện, bền vững hơn. Bởi thế, những kinh nghiệm từ mô hình khuyến nông bón phân hữu cơ nano trên lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá vụ vừa qua và những vụ tới sẽ là tiền đề để có thể mở rộng diện tích lúa canh tác an toàn trong tương lai.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm