| Hotline: 0983.970.780

Những nghệ nhân chắp cánh cho văn hóa Mường Lò

Thứ Năm 08/02/2024 , 09:30 (GMT+7)

YÊN BÁI Mùa xuân đã gõ cửa vùng ‘gạo trắng nước trong’ Mường Lò. Các chàng trai, cô gái Thái với những điệu xòe, điệu khắp rộn vang trong các bản làng làm mê đắm lòng người.

Nhiều nghệ nhân cao tuổi ở thị xã Nghĩa Lộ đã gìn giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái ở Mường Lò. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều nghệ nhân cao tuổi ở thị xã Nghĩa Lộ đã gìn giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái ở Mường Lò. Ảnh: Thanh Tiến.

Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai vùng Tây Bắc, ở thị xã Nghĩa Lộ ( tỉnh Yên Bái), nơi đây được coi là cái nôi của người Thái đen. Những năm qua, nét văn hóa đậm đà bản sắc của người dân tộc Thái đã được khôi phục, phát triển. Kết quả này có sự đóng góp của những nghệ nhân hàng ngày vẫn lặng thầm sưu tầm, gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Người hát gọi mùa xuân

Ở tuổi ngoài thất thập nhưng hàng ngày, nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng (người dân tộc Thái) ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ vẫn nhiệt tình truyền dạy những làn điệu dân ca và điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ. Người dân trong bản Đêu, thường gọi bà Xiêng với cái tên thân thuộc là “người hát gọi mùa xuân”. Tiếng hát của người phụ nữ ấy bao năm vẫn thế, nay đã 74 tuổi nhưng vẫn rất truyền cảm, ấm áp. Các bài khắp Thái qua giọng hát vang vọng của bà Xiêng như gọi hát thóc nảy mầm, cây cối đâm chồi nảy lộc.

Bà Xiêng sinh ra ở một bản Thái cổ và lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và những câu khắp thiết tha của các bậc tiền nhân. 5 tuổi bà Xiêng đã biết khắp, 8 tuổi đã đi biểu diễn và đến 15 tuổi thì đã nổi tiếng khắp vùng. Mỗi khi tham gia hội diễn nghệ thuật các dân tộc thiểu số toàn quốc hay các hội diễn địa phương, giọng khắp của bà đều được trao huy chương vàng.

Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng truyền dạy văn hóa Thái cho các em nhỏ.

Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng truyền dạy văn hóa Thái cho các em nhỏ.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng chia sẻ, với mong muốn những điệu khắp không bị mai một, bà đã tập hợp các cháu thiếu nhi để truyền dạy, hướng dẫn tỉ mỉ cho các cháu thuộc từng lời hát và phân tích những cái hay, cái đẹp trong văn hoá dân tộc mình. Bên cạnh dạy khắp, bà Xiêng còn dạy các cháu thiếu nhi những điệu xoè cổ và các điệu dân vũ Thái.

“Một bộ phận giới trẻ bây giờ ít quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình, bởi vậy tôi muốn truyền dạy cho các cháu những làn điệu dân ca nhằm góp phần khơi dậy, vun đắp tình cảm, lòng tự hào đối với văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Đều đặn vào mỗi tối thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần, các học viên lại tập trung tại nhà tôi để học hát dân ca. Lúc đầu lớp học chỉ có một vài người cùng sở thích tham gia, nhưng hiện nay đã duy trì thường xuyên từ 13 - 16 em nhỏ. Qua các lớp học nhiều em nhỏ đã có thể biểu diễn các điệu dân ca Thái trong dịp khai giảng năm học mới hay các Tết và lễ hội...”, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng bộc bạch.

Dành trọn cuộc đời để gìn giữ, truyền dạy văn hóa Thái

Mường Lò chính là đất tổ của người Thái, là quê hương của 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn ba mươi điệu xòe của người Thái. Từ thời trai trẻ, Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ đã đam mê và ấp ủ mong muốn truyền lại những điệu xòe cho các thế hệ sau. Thế rồi, ông đã miệt mài đi khắp các bản của người Thái ở Tây Bắc để học hỏi, tìm kiếm sự ủng hộ và chung tay của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người dân.

Qua nhiều năm tháng, chị em trong trong các bản người Thái lại tạm gác lại những lo toan đồng áng, gia đình để thắt lưng ong, mặc áo cóm, quấn dây xà tích sẵn sàng cho buổi tập xòe. Hàng năm cứ vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, khi mùa vụ đã gặt xong cây ngô đông phủ màu xanh trên các thửa ruộng là khi thị xã Nghĩa Lộ mở hội Xoè. Năm 2021, Di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở tuổi ngoài 90, Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến đã dành trọn cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các điệu xòe cổ. Ông vẫn luôn sẵn sàng truyền dạy những hiểu biết của mình về các điệu xòe và các nét văn hóa đặc sắc, trò chơi dân gian truyền thống cho những tập thể, cá nhân tìm đến. Thị xã Nghĩa Lộ phát huy được các điệu xòe và nhiều nét văn hóa đặc sắc có công rất lớn của người nghệ nhân đầy tâm huyết này.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến cho biết, từ năm 1995 ông bắt đầu đi truyền dạy Xòe cổ cho dân bản. Ngày trước đi lại khó khăn, ông phải vượt núi băng rừng, với đôi bàn chân dẻo dai và trái tim nhiệt huyết để đi khắp các bản làng, truyền dạy cho mọi người.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến đã dành cả cuộc đời đề sưu tầm, học hỏi và truyền dạy văn hóa Thái. Ảnh: Thanh Tiến.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến đã dành cả cuộc đời đề sưu tầm, học hỏi và truyền dạy văn hóa Thái. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ việc nhiều người không nắm hết được những tinh hoa trong các điệu xòe, đến nay không khí của xòe đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp đập Mường Lò. Bây giờ làng nào, bản nào cũng có 3 - 4 đội xòe của thiếu nhi, thanh niên, trung niên và cả những người già. Khi âm nhạc cất lên, không chỉ những nam thanh, nữ tú rạng ngời mà ngay cả những người già cũng đều muốn bước vào vòng xòe với niềm vui không dứt…

Mang điệu xòe tiếp khách, đón xuân

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết, đồng bào dân tộc Thái Mường Lò có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc trong đời sống hàng ngày và được thể hiện sinh động hơn trong dịp lễ hội và những ngày Tết cổ truyền (người Thái gọi là Bươn Chiêng).

Trong những ngày Tết, anh em trong gia đình đến chúc tụng, làm các thủ tục thờ, cúng ông bà, tổ tiên. Nhà nào cũng chuẩn bị rất nhiều mâm cỗ với các món ngon để tiếp đón khách. Ai đến nhà cũng phải uống 1 chút rượu, tượng trưng cho những lời chúc tụng, sự tôn trọng của khách đối với chủ nhà. Từ mùng 3 tết trở đi, các bản làng bắt đầu tổ chức các lễ hội cho bà con vui Xuân; các xã, phường tổ chức lễ hội với các nghi lễ xên bản; xên Mường (nghi lễ cúng ma bản, ma mường); các trò chơi dân gian như: leo cột mỡ, ném còn, kéo co, đẩy gậy, tó mác lẹ... Bên cạnh đó là các hội thi múa xòe, hát dân ca thu hút rất đông người dân tham gia.

Trong dịp đầu xuân năm mới, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức rất nhiều hoạt động lễ hội để gìn giữ văn hóa và đón tiếp du khách. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong dịp đầu xuân năm mới, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức rất nhiều hoạt động lễ hội để gìn giữ văn hóa và đón tiếp du khách. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hoạt động lễ hội dịp Tết đến xuân về là dịp để người dân giao lưu, là cơ hội để các nam thanh, nữ tú gặp gỡ tìm hiểu và dựng vợ gả chồng. Đây cũng là dịp để người dân và du khách biết đến những bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của người Thái. Mùa xuân này, khi đến đây du khách còn được hòa mình với thiên nhiên trời đất, được đắm mình trong bầu không khí lễ hội hay đơn giản chỉ là để cảm nhận sự nồng ấm, mến khách trong những bữa cơm đậm đà dấu ấn của đồng bào Thái vùng cao Yên Bái.

Không chỉ có những nghệ nhân như Điêu Thị Xiêng, Lò Văn Biến, giờ đây ở thị xã Nghĩa Lộ tại các bản làng còn rất nhiều bậc cao niên am hiểu sâu về văn hóa của dân tộc Thái, từ chữ viết đến dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ẩm thực, các trò chơi dân gian truyền thống... Họ đang dành nhiều tâm huyết để lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo. Chính họ là những người đã gìn giữ, phát huy và chắp cánh cho các nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Thái Mường Lò nói riêng và người Thái vùng Tây Bắc nói chung ngày càng phổ biến trong cộng đồng.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Tính chuyện đột phá, vật Việt Nam tìm đến chuyên gia Mỹ

Nhằm tạo đột phá về thành tích và phương pháp huấn luyện, đội tuyển vật Việt Nam đang hướng đến chuyên gia người Mỹ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.