| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ đất Tây Nguyên

Những 'nông dân sinh thái' đang hồi sinh cho hồ tiêu

Thứ Tư 13/04/2022 , 09:50 (GMT+7)

Thay đổi tư duy để phát triển bền vững, ngày càng có nhiều nông dân ở Tây Nguyên lựa chọn giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Đặng Tấn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận. Ảnh: Minh Quý.

Ông Đặng Tấn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận. Ảnh: Minh Quý.

Trả lại cho đất

Từ nhiều năm trước, có rất nhiều vùng hồ tiêu nức tiếng ở khu vực Tây Nguyên lâm vào cảnh thê thảm, khốn cùng. Giá tiêu lúc được lúc không, cây trồng liên tục đổ bệnh rồi chết đồng loạt, từ chỗ giàu có nhờ hồ tiêu không ít gia đình lâm cảnh ly tán, phải bán hết nhà cửa, trang trại, bỏ xứ mà đi. Có người nói, đó là hậu quả tất yếu của một thời gian dài vì ham lợi nhuận mà bóc lột đất đai quá mức, con người đầu độc đất đai bằng vô số phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để đổi lấy năng suất và hậu quả là đất bị đầu độc, cây trồng bệnh tật rồi chết như một quy luật tất yếu.

Đi dọc những Đắk Song, Cư Jút (Đắk Nông), Chư Sê (Gia Lai), Cư Kuin (Đăk Lăk) bắt gặp không ít cảnh những vườn hồ tiêu vốn bạt ngàn bây giờ bỏ hoang hệt như vườn vô chủ. Người ta ví von cây trồng từng là nữ hoàng gia vị, mang nhiều khát vọng giàu có, đổi đời ở vùng đất Tây Nguyên cuối cùng chỉ gieo rắc nỗi buồn lên hàng vạn hộ nông dân.

Bất lực và chán chường nhưng không hẳn là không lối thoát. Giữa những thủ phủ hồ tiêu vẫn có những khu vườn miễn nhiễm với dịch bệnh, vẫn có những nông dân ung dung ngồi bán hồ tiêu giá cao bất chấp những biến động của thị trường. Họ chính là những người trồng hồ tiêu hữu cơ, mặc dù với tỷ lệ đang còn hết sức khiêm tốn nhưng sẽ là cứu cánh hồi sinh hồ tiêu ở Tây Nguyên.

Không riêng gì xã Nhân Cơ, thủ phủ hồ tiêu thuộc huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông mà với cả cộng đồng trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên, ông Đặng Tấn Huynh là một người cực kỳ nổi tiếng. Một quái kiệt trồng hồ tiêu chưa bao giờ thất bại, một lão nông có thể “chém gió” cả tiếng đồng hồ về cây hồ tiêu ngay trong những cuộc hội nghị hội thảo có đầy đủ các nhà khoa học hàng đầu. Nổi tiếng đến mức nhiều người còn phong cho ông là người trồng hồ tiêu hữu cơ sớm nhất ở Tây Nguyên và từ lâu trong cộng đồng trồng hồ tiêu ở trên cao nguyên này cái tên “ông Huynh tiêu hữu cơ” đã trở nên cực kỳ thân thuộc.

Quê ông Huynh ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, miền núi Ấn sông Trà. Vốn là hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quê nhưng khi chứng kiến cha mình, một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp mắc phải căn bệnh ung thư, hậu quả của những năm tháng tăng gia sản xuất, sống chung với quá nhiều thuốc BVTV và phân bón hóa học, chứng kiến những người nông dân quanh làng vẫn thường ngất xỉu bên các thửa ruộng vào mỗi bận phun thuốc trừ sâu, ông đã bỏ việc.

Mình không đi dạy thì đã có người khác, nhưng nếu mình không thay đổi cách làm nông nghiệp, hậu quả sẽ khôn lường, có khi còn dai dẳng đến muôn đời sau. Nỗi sợ hãi về cách làm nông nghiệp quá lạm dụng hóa chất thôi thúc ông suy nghĩ. Ông bà mình xưa có hóa chất gì đâu mà vẫn làm nông nghiệp được thì hà cớ gì bây giờ người nông dân lại phụ thuộc quá nhiều vào thuốc BVTV, phân bón hóa học đến như vậy?

Dùng cá làm phân đạm bón cho hồ tiêu ở Đắk Nông. Ảnh: Minh Quý.

Dùng cá làm phân đạm bón cho hồ tiêu ở Đắk Nông. Ảnh: Minh Quý.

Ban đầu khi lên Tây Nguyên với khát vọng thay đổi tư duy làm nông nghiệp, những tưởng đại ngàn trù phú, đất đai tươi tốt sẽ dễ bề làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp không hóa chất, nhưng ông nhầm. Nói nhiều chẳng ai nghe. Có những cuộc họp xã viên hợp tác xã, ông cố tuyên truyền việc bà con mình sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu vô tội vạ đương nhiên cỏ chết, sâu bọ chết nhưng con người cũng sẽ chết, nghe thế không ít người đứng lên chửi bới rồi quảy đít đi về. Hóa ra ông nói chúng tôi độc ác à, nói chúng tôi giết người à? Thậm chí có người còn vu cho ông chống chế độ. Chỉ thị trên xuống bảo phải phun như thế để bảo vệ cây trồng mà ông này lại bàn bà con không phun là đi ngược chủ trương, là chống chế độ rồi còn gì?

“Cả một thời kỳ dài, ở đâu cũng thế, người nông dân xem thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón hóa học như thần dược. Thần dược để chữa bệnh đói nghèo, thần dược để cứu cây trồng, để tăng năng suất, để chạy đua với cuộc sống trước mắt mà không nghĩ được rằng chính thứ thần dược đó dẫn đến hậu quả là đất đai bị đầu độc, môi trường bị đầu độc và con người bị đầu độc. Hoặc giả sử họ cũng biết đấy nhưng vì miếng cơm manh áo trước mắt, vì công cuộc mưu sinh mà bắt buộc họ phải đánh đổi, kể cả sức khỏe, tính mạng của mình”, ông Huynh kể.

Phải mất đến hàng chục năm trời, khi những hậu quả, hệ lụy của tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV vô tội vạ khiến đất đai, cây trồng, môi trường sống đều bị biến đổi thì người ta mới thấy hóa ra ông Huynh này không phải người phản động. Nhất là vào những thời điểm cả vùng tiêu Nhân Cơ tự nhiên úa vàng rồi chết trụi hết, chỉ duy nhất vườn hồ tiêu ông Huynh vẫn cứ xanh mươn mướt, vẫn thu trái đều thì họ mới tin rằng hóa ra phân, thuốc hóa học cũng không hẳn là thần dược.

Hồi sinh những vườn tiêu ở Tây Nguyên bằng giải pháp hữu cơ. Ảnh: Minh Quý.

Hồi sinh những vườn tiêu ở Tây Nguyên bằng giải pháp hữu cơ. Ảnh: Minh Quý.

Bây giờ ông Đặng Tấn Huynh là Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận với 17 thành viên và diện tích khoảng 80ha. Hẳn nhiên là còn quá ít, nhưng như ông Huynh nói, cùng với Đắk Song (Đắk Nông) hay Cư Kuin (Đăk Lăk), Chư Sê (Gia Lai) và nhiều vùng hồ tiêu khác ở Tây Nguyên, cộng đồng trồng hồ tiêu hữu cơ đang ngày một lan tỏa và thu hút thêm rất nhiều hộ nông dân tham gia.

“Đó là một công cuộc trả lại màu cho đất, trả lại cho đất những thứ mà con người vì cơm áo đã lấy đi suốt mấy chục năm qua. Điều đáng mừng là phong trào ngày càng lan rộng và chắc chắn sẽ là con đường bắt buộc để hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững”, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Đồng Thuận chia sẻ, thuyết phục người nông dân thay đổi không có gì hiệu quả bằng việc hạch toán thật rõ ràng bài toán kinh tế và phải cho họ thấy hiệu quả thực sự.

Vườn hồ tiêu rộng khoảng 10ha của gia đình ông Huynh trồng xen canh với mít, bơ, sầu riêng... Dù đã xếp vào hàng vườn tiêu cổ thụ trên dưới 20 năm nhưng mỗi năm gia đình ông vẫn thu khoảng tầm 20 - 30 tấn, kiếm vài tỷ đồng không có gì là vất vả.

“Trồng tiêu hữu cơ không khó. Nhiều người lầm tưởng cứ phải dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học mới trị sâu, trị bệnh, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chỉ cần đất khỏe thì cây khỏe và tự thân đã có thể kháng sâu bệnh rất tốt, bằng chứng là những người trồng hồ tiêu hữu cơ như chúng tôi chưa thất bại bao giờ”, ông Huynh vẫn thường nói với người trồng hồ tiêu trong mỗi dịp được mời đi trao đổi kinh nghiệm như vậy.  

Đó là khu vườn tuyệt đối không hóa chất. Phân bón được dùng từ phân chuồng với bánh dầu làm từ bã đậu phộng, vỏ cà phê, kết hợp với men vi sinh, vôi và ủ tầm 6 tháng rồi đem bón cho cây. Thuốc BVTV cũng được làm từ những nguyên liệu sẵn trong vườn như gừng, tỏi, ớt nhưng hy hữu lắm mới cần phải dùng đến. Nhờ kiểu canh tác như thế mà từ những năm 2014, khi Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tìm các nông hộ để liên kết trồng tiêu hữu cơ, họ đến vườn ông Huynh và dẫn theo đại diện Tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union để lấy mẫu đất mang đi thử và kết quả an toàn tuyệt đối.

Bằng con đường liên kết, hồ tiêu của ông Huynh và nhiều gia đình khác ở Nhân Cơ nhanh chóng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ. Vừa được tư vấn kỹ thuật để trồng tiêu bền vững, vừa đảm bảo đầu ra cao hơn thị trường từ 25 - 30%, nên ai nói người trồng tiêu khó khăn là nói bậy, chẳng qua là do làm chưa đúng cách mà thôi.

Những vườn hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh.

Những vườn hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh.

Những nông dân sinh thái

Gia đình ông Đặng Tân Huynh là một trong 4 hộ nông dân liên kết đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên khi Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà bắt đầu thực hiện chương trình liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững ở khu vực này, tầm khoảng năm 2014.

Hà Bách Tân, Quản lý dự án hồ tiêu của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà chia sẻ, đó là thời điểm về cơ bản rất nhiều người trồng tiêu ở Tây Nguyên chưa thể hình dung hữu cơ là gì và để tìm được 4 hộ dân đồng ý liên kết họ đã phải mất rất nhiều tháng trời vận động.

Năng suất đang 10 tấn/ha thì tại sao phải chuyển đổi? Giá tiêu đang 200 nghìn đồng/kg thì chuyển đổi để làm gì? Chúng tôi không có nhu cầu... Đó là những câu trả lời của nông dân khi đại diện công ty đến đặt vấn đề chuyển đổi. Mark Andew Barnett, người sáng lập Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, một người Mỹ gốc Do Thái, dù đã có nhiều năm trước đó lang thang ở Tây Nguyên để tìm hiểu vùng nguyên liệu cũng không thể hình dung hành trình liên kết trồng tiêu hữu cơ lại gian nan đến vậy.  

Cũng chính Mark Andew Barnett là người nhìn ra những vấn đề, những nguy cơ của hồ tiêu Tây Nguyên ngay từ những ngày tháng “nữ hoàng gia vị” huy hoàng nhất.

“Ông ấy luôn nói với chúng tôi, nếu người nông dân cứ tiếp tục bóc lột đất đai như vậy, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV vô tội vạ như vậy chắc chắn hậu quả sẽ đến sớm. Đất đai sẽ thoái hóa, cây trồng sẽ thoái hóa, bệnh tật, cả về sản lượng lẫn chất lượng đều lao dốc và chính người nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả đó. Vì vậy các anh phải vận động họ thay đổi, bằng mọi giá”, Hà Bách Tân nhớ lại.

Và quả thật đúng như những gì Mark Andew Barnett nói, hậu quả đến với các thủ phủ hồ tiêu ở Tây Nguyên rất nhanh. Không chỉ là vấn đề hồ tiêu chết hàng loạt, không chỉ là những lô hàng bị trả về do dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép mà là vấn đề đất đai đã bị thoái hóa nhanh chóng và cực kỳ nghiêm trọng.

Khoảng năm 2015, khi đất ở những vườn hồ tiêu của 4 hộ dân liên kết bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục nhờ được nghỉ ngơi và tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ thì những vườn hồ tiêu lân cận đã bị thoái hóa quá mức. Về mặt cơ lý, chỉ cần lấy cây xăm xuống đất có thể phân biệt rõ, đất vườn hữu cơ có thể xiên sâu xuống tầm 50 - 60cm, trong khi đó những vườn hồ tiêu canh tác thông thường, đất đai chai cằn quá mức, cắm được khoảng 20cm thì gãy. Rất nhiều khu vườn đã bị đầu độc quá nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón hóa học, sau khi tiêu chết, bỏ hoang nhiều năm vẫn chưa hết dư lượng hóa học trong đó.

Người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên không có con đường nào khác là phải thay đổi. 4 hộ thành 18 hộ rồi 60 hộ, đến bây giờ ở Tây Nguyên đang có khoảng 150 nông hộ, 300ha liên kết trực tiếp trồng tiêu hữu cơ với Công ty Sơn Hà và hàng ngàn hộ vệ tinh khác với diện tích lên đến mấy ngàn ha.

Mỗi một hộ dân trồng tiêu hữu cơ đều phải tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Việc đầu tiên là ngưng sử dụng các sản phẩm phân, thuốc hóa học. Quá trình chuyển đổi kéo dài 3 năm và trải qua những lần test thử hết sức nghiêm ngặt từ Tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union. Khi đạt tiêu chuẩn, mỗi hộ dân được cấp Giấy chứng nhận Hộ nông dân sinh thái và được phía doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, với mức cộng thưởng 25 - 30% so với giá thị trường.

Ông Sáu Lục, một hộ nông dân sinh thái ở thủ phủ hồ tiêu xã Nâm N'Jang. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Sáu Lục, một hộ nông dân sinh thái ở thủ phủ hồ tiêu xã Nâm N'Jang. Ảnh: Hoàng Anh.

Lão nông Nguyễn Thành Trung (Sáu Lục), một Hộ nông dân sinh thái ở thủ phủ hồ tiêu xã Nâm N'Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Mất 3 - 4 năm mới đáp ứng được tiêu chuẩn tiêu hữu cơ đấy, khó nhưng không có con đường nào khác. Giờ nghĩ lại những năm tháng dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học mới thấy mình có tội với đất đai nhiều quá. Nhiều người nói trồng tiêu hữu cơ kinh tế thấp hơn nhưng không phải. Nếu hạch toán chi tiết, mỗi ha trồng tiêu hữu cơ luôn đảm bảo mức lợi nhuận ít nhất là 50 triệu đồng/ha”.  

Ông Sáu Lục dẫn chúng tôi đi dọc những vườn tiêu hữu cơ xanh mướt và cả những đang xanh lại từng ngày nói, chỉ cần giải được độc cho đất thì cây hồ tiêu chắc chắn sẽ hồi sinh.

Từ những hộ mô hình hạt nhân liên kết với doanh nghiệp dần lan tỏa thành các hợp tác xã, những cộng đồng trồng tiêu hữu cơ.  

“Trong chiến lược phát triển của chúng tôi, đến khoảng năm 2025 sẽ hình thành các liên minh hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ với cộng đồng hồ tiêu hữu cơ hàng nghìn hộ liên kết. Nếu việc liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp được tổ chức bài bản thì những nỗi lo về giá cả, sản lượng, chất lượng hồ tiêu Tây Nguyên chắc chắn sẽ không còn. Đất đai vùng hồ tiêu hữu cơ Tây Nguyên chắc chắn sẽ hồi sinh”, Hà Bách Tân nói.

Mấy năm gần đây ở Đắk Song số hộ liên kết trồng tiêu hữu cơ với các doanh nghiệp đã bắt đầu nhiều dần. Sau Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã có thêm nhiều doanh nghiệp khác vào liên kết với người trồng tiêu theo quy trình hữu cơ như Tập đoàn Trân Châu, Công ty Hồ tiêu Việt, Công ty O Lam...

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xác cá voi nặng khoảng 300kg trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị

Xác cá voi, dài khoảng 4m, nặng 300kg vừa được phát hiện tại bờ biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong tình trạng phân hủy nặng.