| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử khi ĐBSCL không có lũ

Những tác động ảnh hưởng đến lũ

Chủ Nhật 23/08/2020 , 09:19 (GMT+7)

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết, mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các quốc gia phía trên trong lưu vực Mekong. Cụ thể, phần Trung Quốc đóng góp 16% tổng lượng nước hàng năm, Myanmar 2%, Lào 36%, Đông bắc Thái Lan 18%, Campuchia 18%, Tây Nguyên và mưa tại chỗ ĐBSCL 11%.

Tuy nhiên, trong mùa mưa, các chi lưu ở phía tả ngạn, tức phía tây Trường Sơn ở Lào ảnh hưởng lớn đến mực nước mùa lũ ĐBSCL. Có hai vùng mưa quan trọng chúng ta cần quan tâm đó là vùng mưa ở Bắc Lào ở vùng Vientiane sang Nghệ An và vùng mưa ở Nam Lào thuộc tỉnh Champaksak sang Quảng Nam, Kon Tum. Khi nào cả hai vùng này mưa nhiều thì gần như chắc chắn lũ sẽ về nhiều ở ĐBSCL.

Các năm gần đây gần như không còn lũ lớn và dự báo của các cơ quan chuyên môn cho biết năm nay tiếp tục lũ thấp, nguyên nhân vì sao và tác động thế nào?

Tình hình đỉnh lũ thấp ở ĐBSCL các năm vừa qua chủ yếu do: Nguyên nhân chính là hiện tượng El Nino cực đoan gây mưa ít, sông thiếu nước.

Về thủy điện, bản thân thủy điện không tiêu thụ nước, nhưng có 3 tình huống xảy ra. Vào những năm bình thường, thủy điện ít ảnh hưởng đến lượng nước về phia hạ lưu.

Vào những năm mưa nhiều, thủy điện tích nước đến khi quá nhiều, xả ra thì gây lũ chồng lũ. Vào những năm khô hạn, thủy điện tích nước cho đủ độ sâu trong lòng hồ rồi mới xả để chạy turbine. Đập trên tích thì đập dưới chờ. Nếu có một chuỗi đập thì nước đi qua rất lâu. Do đó, khi khô hạn thì thủy điện làm trầm trọng thêm tình hình.

Ngoài ra, trong thập niên vừa qua có nhiều hồ thủy điện mới đưa vào vận hành và tích nước trong thời gian đầu cũng làm giảm lượng nước về hạ lưu. Từ đầu năm tới nay, lượng mưa ở lưu vực Mekong thấp do El Nino.

Thêm vào đó, do mùa khô đầu năm nay hạn cực đoan, các hồ chứa thủy điện thiếu nước nên khi bắt đầu có mưa thì các hồ sẽ giữ lại đến đầy mới xả ra, do đó cũng làm chậm nước về phía hạ lưu.

Như vậy có khả năng năm nay lũ không về?

Tình hình hiện nay theo dự báo của cơ quan khí tượng Hoa Kỳ thì từ tháng 9 sẽ có 65% khả năng xuất hiện La Nina, khi đó sẽ có mưa nhiều đến cuối năm. Trong tình hình này, chúng ta cần tiếp tục theo dõi đỉnh lũ vào tháng 10.

Dù sao, mùa khô 2021 cũng không hạn, mặn gay gắt như mùa khô 2020 vừa qua. Không thể đinh ninh rằng ĐBSCL không còn mùa nước nổi. Như trên đã phân tích, mực nước lũ ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các vùng phía trên.

Lượng mưa ở các vùng này lại phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Bình thường thì lượng mưa các vùng này biến động lên, xuống khoảng 15% giữa các năm, nhưng giữa thập kỷ này với thập kỷ kia có thể chênh lệch nhau 30%.

Những năm El Nino hoặc La Nina cực đoan thì biến động lớn hơn, mưa rất nhiều gây lũ lớn hoặc mưa rất ít gây hạn cực đoan.

Dự báo năm 2020 ĐBSCL lũ thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự báo năm 2020 ĐBSCL lũ thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh đó, vào những năm bình thường thì thủy điện ít ảnh hưởng lượng nước, nhưng khi gặp tình huống cực đoan thì thủy điện làm gia tăng cực đoan.

Do đó, chúng ta không nên chỉ say sưa với câu chuyện hạn, mặn mà cần thấy cả 3 tình huống: Đa số các năm sẽ là bình thường, các năm mưa ít thủy điện làm gia tăng cực đoan hạn mặn, các năm mưa nhiều thủy điện làm gia tăng cực đoan lũ.

Lũ nhỏ, các hoạt động sản xuất và đời sống dân sinh của gần 20 triệu dân ở ĐBSCL cần có cách ứng xử như thế nào cho phù hợp?

Tôi cho rằng chiến lược thích ứng cần chia làm 2 loại. Để phát triển lâu dài thì cần dựa trên tình hình chung của các năm bình thường và chiến lược ứng phó cho các năm cực đoan (lũ và hạn). Phát triển lâu dài mà xây dựng trên nền tảng các năm cực đoan thì sẽ quá đà.

Đối với những năm cực đoan lũ cao, chúng ta cần nhiều không gian mở để hấp thu lũ. Trong tình huống này, càng nhiều đê bao thì nước càng thiếu không gian, gia tăng ngập nơi khác và cuối cùng là “tức nước vỡ bờ”.

Đối với những năm khô hạn cực đoan thì né vụ vẫn là biện pháp tốt nhất vì trong bối cảnh thiếu nước bên trong, ngăn mặn từ ngoài vào chỉ có tác dụng vào đầu mùa khô. Càng sát ra biển thì tác dụng ngăn mặn càng kém hiệu quả.

Do đó, không nên tiếp tục xây dựng các vùng ngọt hóa để “lấn ngọt vào vùng mặn” để canh tác nước ngọt như trước đây vì các vùng này chắc chắn sẽ “thất thủ” trong những năm hạn, mặn cực đoan. Các vùng kiểm soát mặn cần có đủ độ lùi sâu vào đất liền mới có thể giữ vững đến hết mùa khô.

Các công trình ngăn mặn lại có tác dụng phụ rất nghiêm trọng là làm sông ngòi yếu hoặc chảy lờ đờ, thiếu oxy, mất khả năng tự làm sạch và dễ trở thành những “dòng sông đen”. Vấn đề cần ưu tiên là nước ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển và phải tách riêng việc này ra khỏi các công trình ngăn mặn. Đó là vì nước ở các công trình ngăn mặn tích tụ ô nhiễm trong mùa khô, không thể sử dụng cho sinh hoạt được.

Nhưng trong điều kiện lũ nhỏ, nước ít sẽ tác động đến hệ thống canh tác trong sản xuất nông nghiệp?

Nước lũ nhỏ gây ra nhiều khó khăn cho ĐBSCL. Trong mùa nước, bà con nuôi thủy sản trên đồng, tận dụng lợi thế mùa lũ sẽ gặp khó. Cái khó là bà con đã chuẩn bị con giống từ mấy tháng trước trong ao, chờ lũ lên thì mở cửa cho cá lên đồng. Nếu lũ không về thì lỗ vốn. Lũ thấp thì cá sông Mekong không sinh sản dồi dào, giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Những năm lũ nhỏ, vụ thu đông (trong mùa lũ) sẽ ít ảnh hưởng hơn. Nhưng với lượng nước lũ ít ỏi, càng canh tác vụ thu đông trong đê bao khép kín, không cho đồng ruộng hấp thu nước lũ, thì càng làm cho vụ hè thu thiếu nước hơn. Lũ ít thì phù sa cũng ít. Càng canh tác nhiều vụ thì đất mau cạn kiệt.

Phân bón, về lâu dài, không thể thay thế được phù sa để duy trì độ màu mỡ của đất. Lũ về yếu thì lượng cát về ở đáy sông cũng ít, gây gia tăng sạt lở do thiếu hụt cát.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.