| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử khi ĐBSCL không có lũ

Nóng chuyện dân xin không xả lũ để trồng lúa thu đông ở Phú Tân

Thứ Ba 25/08/2020 , 14:10 (GMT+7)

Việc nông dân xin không xả lũ, tiếp tục sản xuất vụ thu đông, ngày 24/8, UBND huyện Phú Tân (An Giang) có văn bản về việc tăng cường tuyên truyền, giải thích...

LTS: Các năm gần đây ĐBSCL gần như không xuất hiện lũ lớn. Năm nay dự báo tiếp tục là một năm lũ nhỏ. Lũ không về, sản xuất từ nông nghiệp đến thủy sản buộc phải thay đổi. Sự thay đổi nên như thế nào? Báo Nông nghiệp Niệt Nam mở chuyên đề “Ứng xử khi ĐBSCL không có lũ”, lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và thực tế ở các địa phương, chủ đề này.
Năm nay vụ lúa thu đông ở ĐBSCL được xem là cơ hội làm giàu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nay vụ lúa thu đông ở ĐBSCL được xem là cơ hội làm giàu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ “3 năm 8 vụ” thành “2 năm 5 vụ”

Văn bản của UBND huyện Phú Tân nêu rõ, thời gian gần đây, UBND huyện nhận được một số đơn kiến nghị ký tập thể của đại diện nông dân một số xã Phú Long, Tân Hòa, Phú Hưng, Hiệp Xương, Phú Hiệp... về việc xin không xả lũ, tiếp tục sản xuất vụ thu đông năm 2020. Sau khi đối thoại, tìm hiểu nguyên nhân, chủ yếu là nông dân chưa nắm rõ chủ trương mục đích và ý nghĩa của việc chuyển đổi chu kỳ sản xuất từ “3 năm 8 vụ” thành “2 năm 5 vụ”. 

-----------------------------------------------------

Đã sẵn kịch bản xả lũ

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh đã có kịch bản thực hiện xả lũ 19.300ha, bằng với năm 2019 để lấy phù sa vào đồng ruộng. Đối với vụ thu đông năm 2020, thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 15/7 - 31/8. Đợt 1, xuống giống từ 15/7 - 22/7 khoảng 40.000ha để né rầy. Đợt 2, xuống giống từ 7/8 - 15/8 khoảng 50.000ha để né rầy. Diện tích còn lại sẽ xuống giống trong khung cứng lịch thời vụ thu đông từ ngày 15/7 - 31/8.

-----------------------------------------------------

Nhằm tạo sự đồng thuận cao của nông dân trong sản xuất đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời thực hiện đồng bộ trong huyện về chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận về tinh thần nhất quán thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm 5 vụ” theo chủ trương chung của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện để đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện toàn huyện. 

Cụ thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho nông dân về lợi ích của việc phát triển nông nghiệp bền vững, lý do chuyển đổi chu kỳ sản xuất “2 năm 5 vụ” với các yếu tố chủ yếu sau: Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường. Yêu cầu sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ. Sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng, sạch, an toàn và để điều chỉnh quy mô sản xuất. Đồng thời, UBND xã, thị trấn chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích lợi ích của việc thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm 5 vụ” theo đúng chủ trương.

Một số nơi ở huyện An Phú, An Giang nông dân để đất trống không làm lúa thu đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số nơi ở huyện An Phú, An Giang nông dân để đất trống không làm lúa thu đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phú Tân (An Giang), tình hình sản xuất 3 vụ liên tục bộc lộ một số bất lợi như đất đai ngày càng bị suy thoái, giảm dần độ màu mỡ do lượng phù sa bồi đắp ít, tăng chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vì một số sâu bệnh thứ yếu trở thành chính yếu như rầy nâu, muỗi hành, vàng lùn và lùn xoắn lá. Các yếu tố trên dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp và không đảm bảo tính bền vững trong canh tác.

Trao đổi với NNVN về vấn đề vụ lúa thu đông năm nay, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thu đông đang được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc trong năm. Tuy nhiên, tỉnh khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở những ô bao đảm bảo an toàn. Hiện nay, tỉnh An Giang có tổng số 643 tiểu vùng, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha. Theo kế hoạch, diện tích xuống giống vụ thu đông năm 2020 toàn tỉnh gần 180.000ha, ước năng suất đạt 6,2 tấn/ha.

Cơ cấu giống lúa vụ thu đông thực hiện theo chỉ đạo về cơ cấu giống lúa của Bộ NN-PTNT trong những năm qua. Theo đó, mỗi địa phương xác định cơ cấu gồm 4 đến 5 giống chủ lực, 4 đến 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới. Tuy nhiên, cơ cấu một giống không vượt quá 20% diện tích và sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Các giống lúa chủ lực trong vụ thu đông gồm OM 9577, OM 9582, Đài Thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18. 

Khó có thể xem vụ thu đông là vụ chính mặc dầu trong năm 2020 là điển hình. Nhưng về lâu dài thì chưa hẳn vì diện tích vụ thu đông không lớn và nguy cơ có những lúc lũ chụp bất ngờ nếu cuối năm có xuất hiện mưa bão dồn dập không tiên đoán trước được, lúc đó các hồ chứa vùng trên xả nước ào ạt để tránh vỡ đập. Hiện nay, tất cả các tiểu vùng đều cần trữ nước cả, nhưng vùng ven biển và một phần vùng giữa có yêu cầu cấp bách hơn. Vùng trên ít thiếu nước nhưng có thể bị lũ chụp nếu có những bất thường thời tiết và thiên tai.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ

Cống Bắc Vàm Nao ở Phú Tân, tỉnh An Giang một phần để ngăn lũ. Ảnh: Hương Huệ.

Cống Bắc Vàm Nao ở Phú Tân, tỉnh An Giang một phần để ngăn lũ. Ảnh: Hương Huệ.

Không nên ăn xổi

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL đã có ý kiến chia sẻ với NNVN từ góc nhìn khoa học tác động mùa lũ đến hệ thống canh tác nông nghiệp thích ứng ở ĐBSCL.

Ông Thiện cho rằng, dù những năm lũ thấp vụ thu đông có vẻ là lợi thế, nhưng chúng ta không nên ăn xổi khi chỉ thấy lợi trước mắt. Chúng ta không nên xem vụ thu đông là vụ chính. Vì nếu tiếp tục canh tác vụ thu đông thì tự chúng ta triệt tiêu mùa lũ. Làm mất không gian hấp thu nước lũ sang mùa khô sẽ càng thiếu nước hơn. 

Canh tác vụ thu đông trong đê bao khép kín tức là từ chối phù sa vào để bồi bổ đất đai, không rửa được độc chất trong đất và làm mất nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trong tình hình này chúng ta càng phải biết trân trọng giá trị của nước lũ hơn. Canh tác 3 vụ một năm liên tục thì hoàn toàn trái quy luật tự nhiên, không thể kéo dài mãi mãi được. Do đó, ở các vùng đầu nguồn nên có giải pháp thích ứng bằng cách canh tác trong đê bao lửng. Mùa lũ thì hấp thu lũ vào (dù là lũ thấp) và thực hiện các mô hình tận dụng lợi thế mùa lũ và giúp giảm hạn cho mùa khô.

Xin nhắc lại, đê bao khép kín chống lũ triệt để sẽ làm chúng ta dễ bị tổn thương hơn đối với lũ cực đoan (tức nước vỡ bờ), và hạn cực đoan vì chúng ta đã tự triệt tiêu mùa lũ.

Nông dân Cần Thơ vẫn tăng mạnh lúa thu đông 

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

Trong mấy năm qua mực nước lũ về ĐBSCL thấp. Ở TP Cần Thơ vụ lúa thu đông SX hằng năm không còn bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Hơn nữa, do đầu tư đáp ứng điều kiện hạ tầng thủy lợi tương đối đảm bảo nhằm phục vụ SX lúa. Kênh, đê bao bảo vệ vùng lúa thu đông ở các địa phương vùng ven phía bắc thành phố thường chịu tác động lũ trước đây như huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt nay đã được đáp ứng. Theo dự báo đỉnh lũ năm 2020 xuất hiện vào cuối tháng 9. Vụ lúa thu đông 2020, theo lịch thời vụ tại TP Cần Thơ đến 30/9 cơ bản sẽ thu hoạch dứt điểm nên không ảnh hưởng nếu lũ lên bất ngờ.

Thành phố chủ trương không tăng SX lúa thu đông (vụ 3) để cho một số diện tích đất nghỉ, hoặc chuyển đổi linh hoạt ở những vùng có điều kiện nhằm gia tăng lợi tức như trồng rau màu, bắp, mè. Tuy nhiên, việc sản xuất còn căn cứ vào điều kiện thời tiết và thị trường. Vụ lúa thu đông 2020, theo kế hoạch SX khoảng 59.000 ha, nhưng thực tế do lúa có giá nông dân giảm bớt trồng màu tăng SX lúa vụ này lên tới trên 68.700 ha, tăng 16% so kế hoạch.

(Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.