Thừa nhận thiếu sót
Năm 2016 Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An. Đề án có tổng kinh phía 120 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ được áp dụng tại bản Đửa, xã Lượng Minh và bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương). Đầu năm 2019, thời điểm các bên chuẩn bị xắn tay vào cuộc thì bỗng dưng xuất hiện sự cố trời ơi đất hỡi khi nhận thấy không có bất kỳ người Ơ Đu nào sinh sống tại khu vực bản Đửa.
“Đưa nhầm” 231 con người của 45 hộ của bản Đửa vào danh sách hỗ trợ là một nhẽ, thực chất quá trình triển khai các hạng mục được phê duyệt tại bản Văng Môn cũng để lại muôn vàn điều tiếng. Bằng chứng, Công an Nghệ An đã vào cuộc, bước đầu xác minh 3 trường hợp có sai phạm nghiêm trọng.
Về những nội dung trên, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2020, Trưởng Ban Dân tộc Lương Thanh Hải cho biết, Đề án hỗ trợ người Ơ Đu được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế và niên giám thống kê của huyện Tương Dương:
“Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đối tượng, đúng địa bàn, tháng 2/2019 Ban Dân tộc thành lập đoàn khảo sát thực trạng nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế, phù hợp với trình độ phát triển của dân tộc Ơ Đu.
Kết quả cho thấy số liệu người dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh không còn đúng với đề án được duyệt, vì vậy Ban Dân tộc đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An rút bản Đửa ra khỏi danh sách”.
Thừa nhận có thiếu sót trong quá trình thực hiện Đề án nhưng ông Lương Thanh Hải khẳng định không có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân.
Đánh giá tổng quan, người đứng đầu Ban Dân tộc thừa nhận đơn vị có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình phê duyệt do kế thừa các số liệu và đề án được cung cấp trước đó. Trách nhiệm việc này thuộc về phòng tham mưu khi xây dựng đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015-2018.
Trên tinh thần đó, ông Hải chốt lại: “UBND tỉnh kiểm điểm ở mức độ nào thì chúng tôi xin tiếp thu”.
Trong vụ việc này trách nhiệm của UBND huyện Tương Dương, đơn vị cung cấp số liệu, thực trạng ban đầu vô cùng lớn, dù vậy chủ đầu tư không thể “đá trái bóng” tùy tiện sang phía cấp chính quyền.
Xét khía cạnh chuyên môn thuần túy, Ban Dân tộc phải đứng ra khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đặt bút thay vì vơ bèo gạt tép vô tội vạ. Xin được nhắc lại, Đề án này có kinh phí lên đến 120 tỷ đồng, lại nằm trong tổng thể chủ trương chung của Chính phủ. Đặc biệt hơn cả là liên đới đến hàng chục hộ dân với hàng trăm đồng bào dân tộc vùng cao, vì lẽ đó sự thờ ơ, vô cảm là điều không thể chấp nhận được.
Riêng với cá nhân ông Lương Thanh Hải, trước khi nhận chức Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có nhiều năm giữ chức vụ Chủ tịch UBND và Bí thư Huyện ủy Tương Dương, nơi trực tiếp được “hưởng lợi” từ Đề án chí ít phải nắm được thông tin đồng bào dân tộc Ơ Đu hiện diện ở những đâu?
Chuồng bò sang hơn nhà dân
Thuộc diện hỗ trợ của Đề án, nhiều hộ dân người Ơ Đu sống ở bản Văng Môn, xã Nga My được thụ hưởng 67 chuồng trại nuôi gia súc với kinh phí khoảng 12,6 tỷ đồng.
Trong số này có 4 chuồng loại 1 với tổng chi phí trên 2 tỷ đồng, 53 chuồng loại 3 giá hơn 7,24 tỷ đồng, 10 chuồng loại 2 giá 2,36 tỷ đồng.
Nội dung này nằm trong hạng mục “Hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài”, đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn khảo sát là Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Thiên Thành (địa chỉ tại số 89 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, Nghệ An).
Theo quan sát, phần trước và sau chuồng bò đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, dưới nền lát bê tông, phía trên lợp mái tôn; chuồng có máng để thức ăn, có máng để phân…
Chuyện sẽ không đáng bàn nếu chủ nhân của hàng loạt chuồng bò hoành tráng nói trên lại là những hộ dân vùng cao nơi đời sống thường ngày còn bộn bề gian khó, cái ăn cái mặc còn phải loay hoay, tất tả.
Sự tương phản không chỉ khiến dư luận tỏ rõ mối hoài nghi, ngay đến cả những người trong cuộc cũng lên tiếng xác nhận điều nghịch lý. Không ngần ngại, nhiều hộ nói thẳng những chuồng bò được xây mới có cở sở vật chất, điều kiện tốt hơn chính ngôi nhà họ đang ở gấp… nhiều lần.
Điển hình là trường hợp của gia đình anh Lo Văn Bạch, nhiều năm nay vợ chồng vẫn phải sống trong cảnh nhà tranh vách nứa: “Chuồng thì xây đẹp, to nhưng nhà cửa còn khó khăn quá. Cỏ được Đề án cấp nhưng trồng trên đất mới không thể phát triển được”, anh Bạch nói.
Trao đổi với PV NNVN về Đề án phát triển kinh tế - xã hội người Ơ Đu, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ khá dè dặt: “Hiện tại tỉnh đang phụ thuộc, địa phương đang làm theo đúng chức năng”.