| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/01/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 08/01/2019

Nịnh bợ cấp trên để làm gì?

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án “Văn hóa công vụ” theo đề nghị của Bộ Nội vụ. Một trong những nội dung quan trọng của đề án này là quy định cán bộ, công chức, viên chức “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” đối với cấp trên.

Trong đời thường, nịnh bợ không hiếm. Trong môi trường công vụ, nịnh bợ còn nhiều gấp bội, vì liên quan đến quyền lực và quyền lợi.

Chẳng ai dại dột đi nịnh bợ kẻ nào mà bản thân cảm thấy không thu hoạch được gì tương xứng! Thời phong kiến, dẫu biết quỷ môn quan dưới chân thiên tử, thì bên cạnh trung thần đã có… nịnh thần. Bây giờ, đời sống cởi mở, ai cũng được tự do bày tỏ thái độ nên khả năng nịnh bợ cũng biến hóa khôn lường. Nịnh bợ để được việc, nịnh bợ để được tiền, nịnh bợ để được chức, thậm chí nịnh bợ chỉ để chứng minh mình thành thạo thuật đắc nhân tâm.

Đành rằng, mỗi người đều có tình cảm riêng tư. Bộc lộ tình cảm riêng tư với đồng nghiệp hoặc đồng chí, là một điều đáng quý. Thế nhưng, cần xác định tình cảm riêng tư khác biệt với lấy lòng nịnh bợ. Cũng hành vi ấy, nếu người thụ hưởng không phải là cấp trên, thì anh có thực hiện không? Cũng lời nói ấy, nếu người được nghe không phải là cấp trên, thì chị có mở miệng không? Chỉ cần trả lời rành mạch, thì sẽ biết động cơ trong sáng, hay động cơ không trong sáng.

Chính phủ đưa yêu cầu “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” vào đề án “Văn hóa công vụ” cũng đã có nhiều đắn đo về mức độ nguy hiểm của sự nịnh bợ. Đừng nghĩ chuyện nịnh bợ chỉ mang tính xã giao và hoàn toàn vô hại. Khi nịnh bợ bùng lên vũ bão thì kẻ nịnh bợ nọ lôi kéo kẻ nịnh bợ kia, kẻ nịnh bợ trước kích hoạt kẻ nịnh bợ sau, sẽ gây ra hậu quả khó tiên liệu. Những kẻ nịnh bợ vô lối sẽ làm lệch lạc chính nhận thức và trình độ của cấp trên. Một người bình thường, nếu ai đó gọi mình là “thiên tài” thì chắc chắn không tin. Tuy nhiên, theo hiệu quả “Tăng Sâm giết người”, cái gì nói mãi cũng thành… chân lý đểu! Một nhân viên khen sếp là “thiên tài”, sếp cười thờ ơ. Mười nhân viên khen sếp là “thiên tài”, sếp bỗng dưng nghi ngờ mình là “thiên tài” chăng? Ngàn nhân viên khen sếp là “thiên tài”, sếp lập tức hết băn khoăn và mặc định mình là “thiên tài” thật sự! Và việc tiếp theo của “thiên tài” là đưa ra những quyết sách đem lại lợi ích cho những cấp dưới có con mắt xanh nhìn ra “thiên tài” tiềm ẩn bao nhiêu năm qua ở sếp!

Nịnh bợ, nói cho cùng, là sở thích và là chọn lựa của những kẻ vô tích sự. Những người có năng lực, họ sẽ tin vào chính mình và đủ tự trọng để chối từ mọi biểu hiện nịnh bợ. Nhân viên có năng lực, sẽ không nịnh bợ. Lãnh đạo có năng lực, cũng không thích được nịnh bợ.