Ngày 2/10, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết 09 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được áp dụng đại trà. Đến nay, tỉnh đã triển khai được 28 đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ trên lĩnh vực tưới tiết kiệm, kết hợp sử dụng kỹ thuật canh tác trong điều kiện khí hậu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trang bị công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa trong sơ chế, bảo quản và chế biến các loại nông sản…
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong giai đoạn 2016-2020, diện tích chuyển đổi đạt trên 7.500 ha, vượt 4,1% kế hoạch, với nhiều loại cây trồng có lợi thế, phù hợp với đặc thù theo từng vùng ở các địa phương, ước đến năm 2020 giá trị sản xuất bình quân đạt 125,5 triệu đồng/ha đất trồng trọt.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ NN-PTNT đối với tỉnh trong vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp ứng phó hạn trong thời gian qua. Đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Bộ NN-PTNT xem xét, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả đặc thù như nho, táo, dưa lưới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng sản xuất thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Cũng như nghiên cứu trồng thí điểm các loại cây trồng chịu hạn có giá trị xuất khẩu cao trên địa bàn tỉnh. Và, hỗ trợ thực hiện đề tài chọn lọc, lai tạo nhân thuần giống dê Bách Thảo để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
UBND tỉnh Ninh Thuận còn kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương thống nhất cơ chế hỗ trợ phát triển kết hợp nông nghiệp và năng lượng tái tạo để phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả đất đai trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Thuận để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức hiện nay đòi hỏi Ninh Thuận phải chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát huy hiệu quả sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Vì vậy, Thứ trưởng chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện ở khu vực phía Nam chủ động nghiên cứu, thực hiện lai tạo giống cây trồng mới, có chọn lọc, có năng suất và hiệu quả kinh tế để sớm chuyển giao cho tỉnh Ninh Thuận ứng dụng vào sản xuất, giúp tỉnh sớm trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi của cả nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên sớm đến với Ninh Thuận để đưa tiến bộ kỹ thuật về khai thác tiềm năng, lợi thế, đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm đặc thù của tỉnh như một số địa phương ở ĐBSCL để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu trong những năm tới.
Với những kiến nghị khác của tỉnh, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sớm có văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển phù hợp đặc thù của địa phương.