| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Ngừng sạ 6.438ha lúa hè thu

Thứ Ba 15/05/2018 , 09:10 (GMT+7)

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nhiều hồ đập nhỏ đã hết nước gây hạn hán cục bộ, tỉnh Ninh Thuận đã lên phương án cấp bách SX vụ hè thu.

09-06-51_dsc03384_1
Chuyển đổi đất lúa sang trồng đậu xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiết kiệm nước

Thời gian qua, nắng nóng kéo dài cùng với nước phục vụ sinh hoạt và SX đã khiến lượng nước trong các hồ chứa giảm mạnh. Ông Hoàng Văn Hùng, PGĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, Cty đang quản lý 21 hồ chứa với dung tích thiết kế 194 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại lượng nước trong các hồ chứa chỉ còn 110 triệu m3. Ưu tiên số một hiện nay là nước cho nhu cầu sinh hoạt, cho gia súc, sau đó mới tính đến SXNN. Đặc biệt đã có 10 hồ chứa nhỏ hết nước như hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7 và Ma Trai.

Trên cơ sở nguồn nước tưới từ các hồ chứa hiện có và căn cứ lưu lượng xả từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch SX vụ hè thu 2018. Theo đó trong trường hợp không có mưa tiểu mãn toàn tỉnh sẽ gieo trồng 21.213ha, trong đó diện tích lúa là 12.539ha, hoa màu 8.674ha và diện tích nuôi trồng thủy sản 413ha.

UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KHCN tăng cường chuyển giao, nhân rộng các mô hình áp dụng giống cây trồng chịu hạn có hiệu quả để đưa vào SX, khuyến cáo bà con giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích cây trồng cạn, ít sử dụng nước.

Theo ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Thuận, diện tích gieo trồng vụ hè thu của tỉnh chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi Sông Pha - Nha Trinh - Lâm Cấm được lấy nước từ hồ Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng xả qua nhà máy thủy điện Đa Nhim với diện tích 14.205ha, còn lại 11 hồ chứa còn nước của tỉnh chỉ đảm bảo tưới cho 5.968ha cây trồng.

Đặc biệt do một số hồ hết nước, tỉnh phải ngừng SX với diện tích dự kiến 6.438ha, trong đó diện tích lúa là 4.022ha. Các địa phương có diện tích ngừng SX nhiều như huyện Ninh Phước 1.585ha, Ninh Sơn 1.173ha, Bác Ái 1.213ha... Trong trrường hợp có mưa và có lũ tiểu mãn, căn cứ tình hình thực tế sẽ sự điều chỉnh diện tích gieo trồng của từng địa phương sao cho phù hợp.

Để thực hiện thắng lợi vụ hè thu, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán phải theo nguyên tắc: Nước phải ưu tiên cho sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao còn lại là nước cho SX hè thu.

Đối với các khu vực tưới thuộc các hồ chứa hết nước, chính quyền địa phương thông báo cho người dân biết để dừng gieo trồng, tập trung nước phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Bên cạnh đó các khu vực tưới bằng trạm bơm tuyệt đối không gieo lúa mà chủ yếu gieo trồng hoa màu.

Ngoài ra, đối với phần diện tích hưởng nước từ các đập thời vụ đề nghị các địa phương cho tạm ngừng gieo cấy vụ hè thu, tập trung nước phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Việc xuống giống vụ hè thu phải đồng loạt, đúng lịch thời vụ và đúng các loại giống đã được khuyến cáo.

Chuyển đổi cây trồng là nhiệm vụ cấp bách

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Thuận: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ hết sức cấp bách trong điều kiện khô hạn nhằm tiết kiệm nước. Đến nay tất cả các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vụ hè thu với diện tích 721,6ha bao gồm huyện Thuận Nam 104ha, Ninh Phước 73,7ha, Ninh Hải 33,5ha, Thuận Bắc 284ha, Ninh Sơn 66,4ha và Bác Ái 160ha.

Các đối tượng cây trồng xác định chuyển đổi là bắp, đậu xanh, kiệu, mỳ, cỏ chăn nuôi, nho, táo và một số cây ăn quả khác. Không chỉ chuyển đổi trong vụ hè thu mà trong vụ mùa 2018 tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng nhằm tiết kiệm nước tưới đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.