| Hotline: 0983.970.780

NM đường Lam Sơn “mua lén” nguyên liệu: Đằng sau chuyện "con đẻ bỏ rơi, con nuôi ôm ấp"

Chủ Nhật 07/02/2010 , 14:41 (GMT+7)

Chuyện “ông anh cả” ngành mía đường cả nước là NM đường Lam Sơn- Thanh Hoá liên tục lùng quét "mua lén" mía nguyên liệu ngoài vùng đã gây bức xúc. Người trồng mía vùng Lam Sơn cho đó là cách xử sự không công bằng, lãnh đạo địa phương xem đó là kiểu làm ăn không đàng hoàng. Còn chúng tôi cho đó là việc làm thiếu minh bạch, bởi một bên “bán chui” và bên kia “mua lén”.

Mọi việc đang diễn ra một cách hiên ngang giữa ban ngày ban mặt, hàng ngàn tấn mía từ vùng NM đường Viêt- Đài ùn ùn nối đuôi nhau kéo về NM đường Lam Sơn tiêu thụ mà ông Đặng Thế Giang- Phó TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn lại cho đó là chuyện bình thường. Ông Giang phủ nhận chuyện NM Lam Sơn đi mua mía ngoài vùng và khẳng định việc đó là không có. Để khẳng định việc này có thật, chúng tôi xin đơn cử một trường hợp: Vụ ép năm nay, Cty CP Mía đường Lam Sơn đã chính thức ký hợp đồng tiêu thụ 5.000 tấn mía, giá 750.000đ/tấn với chủ ruộng Nguyễn Thị Xuân, huyện Thạch Thành.

Đến ngày 19/1, chị Xuân có đơn đề nghị Cty tăng giá thu mua mía cho mình. Ông Giang đã đệ trình lên TGĐ Cty với nội dung: “Kính gửi TGĐ Cty. Chị Xuân ở Thạch Thành có hợp đồng bán mía tại bàn cân của Cty giá 750.000đ/tấn. Đến ngày 18/1, sản lượng mua về NM đạt 800 tấn. Do giá mía của NM đường Việt – Đài tăng, đề nghị TGĐ cho tăng giá mua mía đối với chỗ chị Xuân là 780.000đ/tấn kể từ ngày 20/1”. Ông Lê Văn Thanh- TGĐ Cty đã bút phê “đồng ý chuyển phòng nguyên liệu điều chỉnh hợp đồng kể từ ngày 20/1 đối với hộ Xuân- Thạch Thành”.

Như vậy rõ ràng có hợp đồng giấy trắng mực đen giữa Lam Sơn với một hộ trồng mía bên Thạch Thành- không thuộc vùng nguyên liệu của họ. Khi chúng tôi đưa câu chuyện cụ thể trên đây để minh chứng thì giọng ông Giang qua điện thoại có phần trầm xuống nhưng lúc này ông vẫn kiên quyết: “Chúng tôi không đi mua mà ai có mía mang đến bán thì NM sẽ tiêu thụ”.

Vấn đề này xin thưa với ông Giang rằng, quy trình mua mía của NM đường Lam Sơn thực hiện không đúng như ông nói. Về nguyên tắc không có chuyện cứ người dân mang miá đến là Lam Sơn mua. Bởi lẽ, NM đường Lam Sơn khi đi mua mía đều phải xuất ra 3 phiếu có chung một số hiệu. Một phiếu giữ tại NM, một phiếu giao cho lái xe và một phiếu người dân bán mía giữ. Khi xe của NM đến đấu nối với chủ hợp đồng để bốc mía của hộ dân đều phải xuất trình phiếu này. Khi phiếu của hộ dân và lái xe khớp nhau thì mía được bốc lên xe đưa về NM. “Mía đã lên xe rồi là chúng tôi chỉ chờ mấy ngày sau nhận thông báo của NM gửi về là xe mía đó được bao nhiêu tấn và chữ đường là bao nhiêu. Mọi quy trình khép kín sau khi mía đã lên xe là người dân đều không rõ. Bởi vì quá trình cân mía, đo độ đường ở NM, chúng tôi không được tham gia chứng kiến”- một hộ dân nói.

Có người lập luận rằng, sở dĩ NM đường Lam Sơn mua mía của dân trong vùng với giá thấp là vì họ đầu tư cho dân từ phân bón, làm đất, giống mía và thuốc BVTV…Điều này có thể nên hiểu hai hướng: Một là nó chỉ có nghĩa khi người dân không có tiền mặt để đầu tư phát triển cây mía, đành phải mua chịu phân bón, giống của NM để trồng. Sau khi thu hoạch mía xong thì trả nợ cho NM. Như vậy, NM bán sản phẩm cho dân, một hình thức kinh doanh sòng phẳng chứ đâu phải là đầu tư? Hai là: Nếu NM đã bỏ tiền ra cho dân vay đầu tư phát triển cây mía thì đến vụ ép, NM phải có trách nhiệm cao trước đồng tiền của mình, trước người dân của mình chứ không thể đi chọn mía nơi khác mua về tiêu thụ trước như thế được. Như thế đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán vùng nguyên liệu, trong khi mía của vùng mình đang được “khoanh lại”?

Ông Lê Đức Thọ- chủ hợp đồng của 60 hộ dân xã Xuân Phú huyện Thọ Xuân có 44ha mía ký tiêu thụ với NM đường Lam Sơn bức xúc nói: “Trời nắng, đường đẹp thì NM đi mua mía nơi xa (ngoài vùng), trời mưa thì về huy động lực lượng mua mía nơi gần (trong vùng nguyên liệu). Không những chưa công bằng trong giá mua mà ngay cả cách xử lý như thế cũng không đẹp. Bởi vì, đáng lẽ ra phải lo lắng cho “con đẻ” như chúng tôi trước mới là đúng vì có gần rồi mới vươn ra xa được. Thực tế là khi mưa gió, mía của chúng tôi sẽ giảm chữ đường, bán cho NM rất thiệt”.

Đến thời điểm này, các hộ dân bán mía qua ông Thọ đã thu hoạch được 850 tấn mía và NM gửi về cho 60 phiếu thông báo trọng lượng và chữ đường. Ông Thọ cho biết: “Trong số đó có 1 phiếu đạt chữ đường 11CCS, 4 phiếu đạt 10 CCS, số còn lại là 7- 8 CCS nên sau khi khấu trừ nợ cho NM thành tiền được nhận của dân cũng không còn là bao”.

Phải chăng Lam Sơn tính chuyện cứ đi mua nguyên liệu xa về ép, còn nguyên liệu "nhà mình" còn đó, mua sau cũng không mất đi đâu. Bởi trong tình hình giá đường cao, có bao nhiêu đường bán hết bấy nhiêu như hiện nay thì cứ có nguyên liệu mía chạy máy là NM đường lãi rồi. Thế nên nhiều NM đường luôn tìm cách "thuổng" thêm nguyên liệu của NM khác, dù phải mua giá mía cao hơn.

Toàn vùng mía Lam Sơn vụ này giảm cả diện tích và sản lượng. Cty TNHH Lam Sơn- Sao Vàng (đơn vị trực thuộc của NM) vụ ép này cũng giảm 40ha. Xã Xuân Phú năm 2007 có 768ha mía, năm 2008 xuống 750ha, năm 2009 còn 560ha và vụ ép này chỉ 474ha mía nguyên liệu. Người trồng mía cho biết, giá mía nguyên liệu NM mua chưa tương xứng với giá đường mà NM bán nên đã không khuyến khích, động viên được người trồng mía- theo lời ông Lê Đức Thọ.

Có nhiều vấn đề ông chủ hợp đồng 44ha mía này kiến nghị nhưng ông cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng mong NM xem xét giá đường để tăng giá mía cho dân và không nên mua mía theo chữ đường vì người dân không hài lòng tình trạng trên cùng một thửa ruộng mà xe mía trước đạt chữ đường 10 CCS, xe sau chỉ 7 CCS.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024: Biến động nhẹ sau kỳ nghỉ lễ

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024 tăng giảm trái chiều. Trong đó, giá xăng RON 95-III tăng 40 đồng, còn giá dầu biến động nhẹ từ 110 - 260 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.