Mưa lớn liên tiếp kèm theo gió lốc trong các ngày 3-4-5/4 tại huyện Sơn Dương khiến 1 người bị thương, 20ha lúa, hoa màu thiệt hại. Tiếp đến, đêm 25, ngày 26/4 tại các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương đã khiến 50 nhà dân bị ảnh hưởng, nhiều công trình công cộng hư hỏng, hoa màu bị thiệt hại. Gần đây nhất, ngày 4-5/5 mưa lớn đã khiến 1 nhà dân tại huyện Sơn Dương bị sập, nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng.
Trận mưa lớn hôm 26/4 khiến ngôi nhà của gia đình anh Thèn Văn Ly ở Thôn Yểng, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn bị bụi tre sạt vào làm sập 1 gian nhà. Anh Ly cho biết, gió lốc đã khiến nhà bị sập đổ, cũng may anh và những người thân trong gia đình không ai bị ảnh hưởng.
Dù là căn nhà bán kiên cố, nhưng với những hộ nghèo như gia đình anh Ly là tổ ấm đảm bảo cuộc sống của cả nhà. Cũng may sau gió lốc đi qua, chính quyền địa phương và bà con lối xóm kịp thời đến giúp đỡ, hỗ trợ gia đình làm lại nhà nên đến nay bước đầu đã ổn định lại cuộc sống.
So với những năm trước, 3 đợt thiệt hại này chưa phải là nặng nề nhất. Thế nhưng cũng khiến bao gia đình mất đi khối tài sản lớn, cùng nhiều cây cối hoa màu bị thiệt hại, công trình công cộng bị hư hỏng. Tuy nhiên do chủ động các phương án phòng chống từ trước nên việc khắc phục hậu quả được các địa phương triển khai kịp thời.
Còn nhớ hồi cuối tháng 7/2020, mưa lớn nước dâng bất ngờ đã khiến 10 lồng cá đặc sản của Hợp tác xã Hoàn Tùng, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn bị lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng. Đó là bài học lớn cho các hộ nuôi cá lồng trên các lòng sông.
Năm nay để phòng chống và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, các hộ dân cũng chủ động kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc. Đồng thời, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây vỡ lồng. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe cho thủy sản nuôi cần phải sẵn sàng thức ăn có độ đạm cao, tăng cường bổ sung Vitamin C và các khoáng chất vào thức ăn.
Đối phó với thiên tai, ngay từ những tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời tới người dân chủ động các biện pháp phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở để sẵn sàng phương án ứng phó, chủ động di chuyển nhân dân tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện kiểm tra rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi. Đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
Ông Bùi Chí Thanh, Chánh Văn Phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cho biết, chủ trương của tỉnh là tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các hộ dân chủ động các biện pháp phòng chống thiên tại. Không để thiên tai đến rồi mới chống, như vậy thiệt hại sẽ rất nặng nề.
Đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở vùng xung yếu, vùng có nguy cơ mất an toàn cao, dự kiến năm nay tỉnh Tuyên Quang sẽ có khoảng 48 hộ di dân khỏi vùng nguy hiểm. Thời điểm này, dù chưa có nguồn vốn phân bổ của Trung ương, nhưng tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động lên sách, ứng trước nguồn vốn dự phòng của địa phương để hỗ trợ các hộ di dân. Đến nay đã có 4 hộ dân ở huyện Lâm Bình di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.