| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 19/07/2024 , 11:17 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 11:17 - 19/07/2024

Nỗ lực khuyến sinh trước nỗi lo dân số già

Nỗ lực khuyến sinh đang được triển khai ở nhiều địa phương, nhưng những lời kêu gọi chung chung vẫn chưa đủ thuyết phục người dân hưởng ứng tích cực hơn.

Nỗ lực khuyến sinh bắt đầu từ Quyết định 588 được Chính phủ ban hành tháng 4/2020, phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Thế nhưng, sau 4 năm áp dụng, nỗ lực khuyến sinh vẫn không mấy khả quan. Không những chưa đạt được kế hoạch tỷ suất sinh là 2,1 con/ phụ nữ, mà tỷ suất sinh liên tục giảm trong hai năm gần đây. Nếu tỷ suất sinh năm 2022 là 2,01 con/ phụ nữ, thì tỷ suất sinh năm 2023 chỉ còn 1,95 con/ phụ nữ.

Dẫu biết rằng xu hướng giảm sinh mang tính toàn cầu, nhưng thực trạng giảm sinh tại Việt Nam lại rất rõ nét và diễn biến rất nhanh. Để cân bằng xã hội thì mức sinh thay thế tiêu chuẩn là 2,1 nhưng mức sinh thay thế ở đô thị nước ta đã xuống dưới 1,7. Thậm chí, mức sinh thay thế tại TP.HCM chỉ còn 1,32. Trong khi đó, mức sinh thay thế ở nông thôn cũng đã về tiệm cận 2,4.

Số liệu thống kê mới nhất, quy mô dân số Việt Nam khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, với người cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Nghĩa là, sự thay đổi từ “già hóa dân số” đến “dân số già” của Việt Nam chỉ trong vòng hai thập niên, thay vì kéo dài gần cả thế kỷ như nhiều quốc gia châu Âu.

Nỗi lo dân số già đang hiện diện, khi nền kinh tế nông nghiệp nước ta đang đẩy mạnh tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ rất cần lao động trẻ nhạy bén và sáng tạo. Đồng thời, dân số già cũng sẽ tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực để phát triển các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, nỗi lo dân số già còn kéo theo một hệ lụy đáng sợ khi mức sinh tiếp tục giảm. Nếu mức sinh thay thế không cải thiện, thì chúng ta phải đối diện với cảnh báo của Liên hiệp quốc: năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người và đến năm 2700 dân số Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.

Với Quyết định 588 đã được Chính phủ ban hành, 21 tỉnh thành thuộc vùng có mức sinh thấp là TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang có quyền khen thưởng động viên phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35. Đáng tiếc, sự chuẩn bị tài chính để thực hiện chương trình quan trọng này, vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Mức sinh thay thế của Việt Nam vẫn còn nhỉnh hơn vài quốc gia châu Á khác. Ví dụ, mức sinh thay thế của Singapore là 0,97 hoặc mức sinh thay thế của Hàn Quốc là 0,81. Tuy nhiên, các quốc gia ấy đều đồng loạt đưa ra các giải pháp an sinh, từ tiền thưởng trực tiếp cho phụ nữ mang thai và sinh nở, đến hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng con cái.

Vì vậy, đã đến lúc nỗ lực khuyến sinh của Việt Nam cần cụ thể thành chính sách khuyến sinh được xây dựng một cách hệ thống và căn cơ. Bởi lẽ, cái quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã lạc hậu trước áp lực đời sống hội nhập trong từng gia đình Việt Nam.