| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực làm 'sạch' thị trường vật tư nông nghiệp

Thứ Tư 28/11/2018 , 13:30 (GMT+7)

Nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao trong SX nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân, trong những năm qua Bình Định đã tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN). Tuy nhiên, cứ mỗi đợt kiểm tra là ngành chức năng lại phát hiện thêm vi phạm, xử lý thì gặp nhiều vướng mắc…

Tràn lan VTNN kém chất lượng

Xác định giống lúa, phân bón và thuốc BVTV là những loại vật tư quyết định cho năng suất mùa màng, vì thế trong những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại VTNN, như: Giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón.

10-34-56_1
Ngành chức năng kiểm tra thuốc BVTV lưu hành trên thị trường tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã quá hạn sử dụng

"Công tác này được duy trì hàng năm, trước mỗi vụ SX. Trong năm 2018, Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định đã tổ chức 2 đợt thanh tra, đợt 1 được tiến hành trước khi nông dân bước vào SX vụ ĐX và đợt 2 trước vụ hè thu. Đợt nào chúng tôi cũng phát hiện có sơ sở vi phạm”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.

Theo ông Hổ, ngay từ đầu tháng 2/2018, trước khi bước vào vụ ĐX 2017 - 2018, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, trong đó có 24 hộ kinh doanh cá thể và 5 tổ chức tại 11 huyện, thị. Đoàn đã tiến hành kiểm tra về điều kiện kinh doanh của các cơ sở, lấy 7 mẫu giống lúa, 3 mẫu thuốc BVTV (thuốc trừ cỏ) để gửi đi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy có 7 cơ sở vi phạm gồm 5 hộ kinh doanh cá thể và 1 tổ chức.

Trong đó, có 2 cơ sở vi phạm quy định về buôn bán thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 2 cơ sở vi phạm quy định về buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng; 3 cơ sở vi phạm quy định về bán giống lúa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, trong đó có 1 cơ sở vi phạm đồng thời 2 hành vi: Buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng và bán giống lúa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Ngoài phạt tiền theo quy định, ngành chức năng còn buộc các cơ sở vi phạm trả lại cho nhà SX hoặc nhà phân phối số VTNN kém chất lượng để tiêu hủy hoặc tái chế.

Đợt thanh tra trước vụ hè thu vào đầu tháng 7/2018 ngành chức năng Bình Định tiếp tục kiểm tra 33 cơ sở SXKD VTNN, trong đó có 16 hộ kinh doanh cá thể và 17 tổ chức tại 9 huyện, thị xã, thành phố.

Trong đợt kiểm tra này, đoàn lấy 9 mẫu phân bón, 3 mẫu thuốc BVTV gửi đi kiểm nghiệm về chất lượng, phát hiện có 4 cơ sở vi phạm (2 hộ kinh doanh cá thể và 2 tổ chức). Những cơ sở này đã kinh doanh bán phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, trong đó có 1 cơ sở vi phạm thêm hành vi buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng.
 

Lúng túng trong xử lý

Theo ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định, trước đây, phân bón vô cơ do ngành công thương quản lý, năm 2018 là năm đầu tiên mặt hàng này được chuyển giao cho ngành nông nghiệp quản lý và ngay trong những đợt kiểm tra đầu tiên, ngành chức năng đã gặp lúng túng khi xử lý.

Theo ông Thừa, trong quản lý phân bón, muốn biết chất lượng sản phẩm có đúng quy định hay không thì phải lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. Qua 2 đợt kiểm tra trong năm 2018, Thanh tra Sở NN-PTNT phát hiện 1 số mẫu phân bón kém chất lượng.

Sau đó, đơn vị này mời chủ các cơ sở vi phạm về làm việc, họ giải trình là trước giờ họ làm ăn rất uy tín, không bao giờ buôn bán phân bón kém chất lượng, rồi họ đề nghị cho đưa mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm lại. Tuy nhiên, với yêu cầu này ngành chức năng không thể đáp ứng, bởi theo quy định hiện hành thì việc kiểm nghiệm chỉ được thực hiện 1 lần.

“Trước đây, theo Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KH-CN có quy định, trong việc kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, nếu kết quả kiểm nghiệm lần đầu không được cơ sở vi phạm chấp nhận, thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ chủ cơ sở vi phạm phải có văn bản yêu cầu kiểm nghiệm lại lần 2.

Cơ quan thanh tra phải có trách nhiệm lấy mẫu lưu tại cơ sở, hoặc mẫu lưu tại cơ quan thanh tra gửi đến 1 trung tâm kiểm nghiệm độc lập để kiểm nghiệm lại, và kết quả kiểm nghiệm lần 2 là kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, năm 2017, Bộ KH-CN lại ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017, sửa đổi bổ sung 1 số điều của Thông tư số 26.

Theo đó, việc kiểm nghiệm chỉ thực hiện 1 lần và đó là kết quả cuối cùng. Nếu cơ sở vi phạm không đồng thuận, khởi kiện, thì chúng tôi bị vướng víu giữa các luật xử lý vi phạm hành chính, luật quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, rất khó xử lý”, ông Thừa cho biết.

“Trong Luật Quản lý chất lượng cho phép cơ sở vi phạm không chấp thuận kết quả kiểm nghiệm có quyền khiếu nại, nhưng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quyền khiếu nại chỉ áp dụng đối với quyết định xử phạt hành chính, chứ không nói đến khiếu nại các văn bản là căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính. Để giải quyết, chúng tôi phải thành lập tổ xác minh rồi mới tiến hành theo trình tự, rất rắc rối. Hiện nay chỉ mỗi thức ăn chăn nuôi là được Bộ NN-PTNT cho phép kiểm nghiệm lại lần 2”, ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất