| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

Thứ Năm 13/05/2021 , 09:36 (GMT+7)

'Với tâm huyết được đóng góp nhiều hơn cho cử tri, cho sự phát triển đất nước nói chung và cho ngành Nông nghiệp nói riêng, tôi thực sự mong muốn được trở thành ĐBQH'.

Theo danh sách cử tri được công bố, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ NN-PTNT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN-PTNT được Ủy ban Bầu cử quốc gia phân công về ứng cử tại tỉnh Bắc Ninh.

Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Anh khi được tín nhiệm tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XV.

Tháo gỡ điểm nghẽn kết nối trong nông nghiệp

Vì sao bà mong muốn trở thành Đại biểu Quốc hội? Và, bà suy nghĩ gì khi được tín nhiệm tham gia ứng cử?

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội cho đến nay, tôi đều công tác và trưởng thành tại Vụ Pháp chế, Bộ NN-PTNT. Trải qua hơn 23 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tôi thấy mình may mắn khi được làm công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp, đặc biệt, tôi được tham gia xây dựng và tham mưu tổ chức thực hiện cả 10 luật về nông nghiệp (gồm Luật: Phòng, chống thiên tai, Đê điều, Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên và Đê điều).

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ NN-PTNT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT).

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ NN-PTNT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT).

Với kinh nghiệm công tác, tâm huyết được đóng góp nhiều hơn cho cử tri, cho sự phát triển của đất nước nói chung và cho ngành Nông nghiệp nói riêng, tôi thực sự mong muốn được trở thành Đại biểu Quốc hội.

Tôi nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Do đó, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là một vinh dự, đồng thời cũng là một trọng trách rất to lớn đối với bản thân tôi trước cử tri, trước Nhân dân.

Những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế. Tuy vậy, vẫn còn những điểm nghẽn. Được giới thiệu ứng cử ĐBQH với vai trò là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ NN- PTNT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bà có dự định gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp?

Khi tham gia xây dựng các văn bản luật, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại và theo chuỗi, mong muốn để người dân có thể tiếp cận với hệ thống pháp luật một cách thuận lợi nhất.

Một trong những “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp, đấy là thiếu “sự kết nối”. Kết nối ở đây là làm sao để người dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, với doanh nghiệp, với thị trường... để gắn kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đúng với công sức mà họ bỏ ra.

Thời gian qua, Nhà nước và ngành Nông nghiệp đã có nhiều chính sách, quy định về vấn đề này nhưng giá trị giữa sản phẩm của người nông dân làm ra cho đến khi tới tay người tiêu dùng vẫn còn một khoảng rất xa, tốn nhiều chi phí ở khâu trung gian, bởi thiếu sự kết nối. Chúng tôi mong muốn bên cạnh các quy định pháp luật đã có, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, tổ chức thực thi văn bản để đảm bảo hiệu quả, thu nhập của nông dân được tăng lên.

Thứ hai, là vấn đề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... chúng ta đã có quy định nhưng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở một số nơi, một số chỗ vẫn chưa được ưu tiên.

Với tư cách là ĐBQH, tôi sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp có tâm, có năng lực để giúp các địa phương, đặc biệt là nơi tôi ứng cử để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi, phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn du lịch sinh thái với nông nghiệp để từ đó người dân nâng cao được hiệu quả kinh doanh, mà vẫn giữ được bản sắc, cảnh quan, môi trường.

Nếu trở thành ĐBQH, thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, bà ưu tiên vấn đề gì? Theo bà, cần làm gì để người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn có thể dễ tiếp cận với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật?

Tôi là người tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và nhận thấy việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình, ban hành đã là công việc rất khó khăn, để làm sao có thể thể chế hóa được những văn bản đó phù hợp với Hiến pháp, các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp thực tiễn trong nước cũng như các quy định quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh  (thứ tư từ phải) thăm điểm trình diễn mô hình liên kết nuôi thỏ New Zealand. Ảnh: TL.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh  (thứ tư từ phải) thăm điểm trình diễn mô hình liên kết nuôi thỏ New Zealand. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đó, để luật thực sự đi vào cuộc sống còn khó khăn gấp nhiều lần. Do đó, hoạt động giám sát tổ chức thực hiện các văn bản luật là một trong những vấn đề mà tôi thực sự quan tâm, để kiểm chứng, đánh giá lại qua quá trình xây dựng, ban hành văn bản luật thì khi đưa vào thực tiễn, đi vào cuộc sống như thế nào, có phù hợp không, có được tuân thủ không. Đó là trách nhiệm của ĐBQH mà tôi ưu tiên, đặc biệt là các văn bản luật liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ví dụ như các luật về nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, đất đai, tài nguyên...

Cùng với các ĐBQH khác, tôi sẽ đề xuất kế hoạch giám sát, để lắng nghe ý kiến của cử tri trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá quá trình thực thi và nếu cần thiết thì trong khả năng của mình sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa các văn bản đó để làm sao luật thực sự đi vào đời sống, trở thành xương sống, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đối với ngành nông nghiệp, có rất nhiều văn bản, trong đó có 10 luật và kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành, chưa kể đến các văn bản liên quan đến ngành nông nghiệp. Do đó, để người dân, cơ quan quản lý hiểu và thực thi pháp luật đúng thì đó cũng là nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, của ngành Nông nghiệp, đồng thời cũng là trách nhiệm của người ĐBQH.

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Bộ tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức phong phú.

Với đặc thù là các nông dân nên chúng tôi đã xây dựng các chuyên đề, các bài viết, các sách hỏi đáp, các hội thảo hay thông qua các khuyến nông viên để truyền tải thông tin đến từng đối tượng như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai…

Chúng tôi cũng tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa bằng cách phối hợp với công đoàn, các đơn vị quản lý của Bộ. Ngoài ra còn truyền thông thông quá báo chí, truyền thanh, truyền hình để từ đó, người dân được tiếp cận với quy định của pháp luật, giúp họ hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Công việc này phải được thực hiện thường xuyên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có ý thức cập nhật, nghiên cứu để hiểu được văn bản pháp luật, từ đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực thi pháp luật.

Quan tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở Bắc Ninh

Đối với tỉnh nhà Bắc Ninh, bà có những dự định, kế hoạch gì để góp phần xây dựng Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại đến năm 2025?

Thực sự tôi rất phấn khởi và tự hào khi được về ứng cử tại Bắc Ninh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích Vương Triều Lý; có truyền thống hiếu học, nơi có trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam - Thái sư Lê Văn Thịnh, miền quê với nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của nền văn hiến và truyền thống cách mạng, nơi người dân trọng nghĩa, trọng tình, cần cù, thông minh, sáng tạo.

Tôi thực sự ấn tượng với sự phát triển, đổi thay của tỉnh nhà. Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (khoảng 822 km2), không giàu về tài nguyên khoáng sản và cũng ít tài nguyên rừng, không giáp biển, nhưng vô cùng phong phú về tài nguyên nhân văn, cùng với tiềm năng, thế mạnh, Bắc Ninh đã có sự phát triển năng động, toàn diện trên các lĩnh vực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 10 (tăng 11 bậc so với năm 2019); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng thứ 4 (tăng 47 bậc so với năm 2019); quy mô nền kinh tế đứng thứ 8; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,9 triệu đồng, đứng thứ 5 toàn quốc; là tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (tính đến thời điểm hiện nay, cả nước mới chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có tỉnh Bắc Ninh)...

Bắc Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Bắc Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù tỷ trọng phát triển nông nghiệp của Bắc Ninh chỉ chiếm 2,8% nhưng vẫn là nội dung được chính quyền và nhân dân hết sức quan tâm.

Đặc biệt tại 3 huyện mà tôi ứng cử đó là Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài là các địa phương chuyên về nông nghiệp. Trong đó, chỉ có Thuận Thành là đang hướng tới đô thị gắn với nông nghiệp, 2 huyện còn lại là thuần nông.

Tôi thấy được trách nhiệm của mình khi được cử tri tín nhiệm bầu, đó là nỗ lực là “cầu nối” để các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, vận động thu hút doanh nghiệp tâm huyết, có tiềm năng đầu tư phát triển ngành nông nghiệp Bắc Ninh, đặc biệt là 3 huyện tôi ứng cử để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch; xây dựng khu du lịch tâm linh gắn với nông nghiệp sinh thái, duy trì nông thôn mới bền vững, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị, hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn... nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân ở vùng nông thôn.

Là ứng cử viên nữ, bà dành sự quan tâm như thế nào đối với vấn đề liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, nhất là những người sống ở vùng nông thôn?

Là nữ ứng cử viên ĐBQH, tôi sẽ dành nhiều sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ phụ nữ và trẻ em, nhất là những người sống ở vùng nông thôn. Theo tôi, ở nông thôn hiện nay, họ đã được quan tâm nhưng so sánh với đô thị thì vẫn có những thiệt thòi nhất định.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh thăm gia đình chính sách tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: TL.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh thăm gia đình chính sách tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: TL.

Ở đây, tôi quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới; vấn đề lao động; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập; trẻ em được đến trường, được yêu thương, được hạnh phúc. Với trách nhiệm của mình, cùng với các đại biểu khác, tôi sẽ luôn hướng tới việc lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương, đem lại lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường thời lượng các buổi tuyên truyền, tập huấn về pháp luật, về kiến thức sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm cho đối tượng là phụ nữ ở nông thôn, để họ có thêm kiến thức vì có thể, do đặc thù công việc mà họ ít được tiếp cận thông tin hơn nam giới, giúp họ hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này cũng giúp phụ nữ nâng cao được ý thức trách nhiệm của bản thân đối với cá nhân và cộng đồng.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.