| Hotline: 0983.970.780

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Chủ Nhật 09/02/2025 , 14:10 (GMT+7)

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Chẳng ngờ lần này ngược Trà Sơn, tôi được gặp lại vợ chồng Trần Văn Thanh và Trần Thị Hiền, chủ trang trại trồng cam giòn nổi tiếng ở Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Nguyên nhân, sau đám giỗ tại một gia đình người quen, anh Mai Xuân Minh nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộc dẫn đi thăm trang trại. Tôi ngỡ là trang trại của anh.

Khi bước xuống xe ô tô, giữa bạt ngàn cam, tôi ngờ ngợ đã từng đến đây. Thời gian mới đó đã 5 năm. Khi vợ chồng Trần Văn Thanh bước ra từ một luống cam đón khách thì tôi nhận ra ngay. Đây là xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc. Trang trại mang tên Thanh Hiền – ghép từ tên của vợ chồng.

Thanh và Hiền đều thế hệ 7X, “đời đầu”. Họ từng xung phong lên vùng chân núi Trà Sơn này để phát triển kinh tế vườn đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa do hoàn cảnh, vừa như cơ duyên.

Vợ chồng anh vốn là công nhân của Công ty Cao su Hà Tĩnh, thu nhập từ đồng lương, thời quá khó khăn. Đang loay hoay về bài toán kinh tế thì năm 1993, nhà anh cùng 8 hộ dân khác được chính quyền địa phương khuyến khích lên vùng núi Trà Sơn làm kinh tế. Thế là lên.

Đó là một quyết định “dũng cảm”. Họ vượt qua rào cản tâm lý truyền thống, không hề nhẹ nhàng. Vượt qua mình, bao giờ cũng khó. Thanh và Hiền sau khi bàn bạc, quyết định nghỉ việc ở doanh nghiệp nhà nước. Những tưởng mọi việc thuận lợi....

Khi đặt chân lên đây, tôi ứa nước mắt khi tứ bề đều là đồi núi, đất đai cằn cỗi không có gì ngoài cây cỏ dại. Nhiều lần vợ chồng tôi định bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của gia đình hai bên, đánh liều phát quang rừng rậm trồng các loại cây hoa màu như khoai, sắn, đậu….Để sống trước hết phải có cái ăn”, Thanh nhớ lại, khuôn mặt biểu cảm, nhiều cảm xúc.

Cơ hội thực sự xuất hiện vào năm 1992. Khi đó, Chính phủ có Quyết định 327/CT về chương trình quốc gia về tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, gọi tắt là “Chương trình 327”. Vợ chồng Thanh, Hiền cùng các hộ khác ở vùng Trà Sơn được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống như cam, chanh, bưởi…

Những năm đầu không mấy hiệu quả vì cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, chưa có kinh nghiệm. Một số hộ dân chán nản, từ bỏ về xuôi, riêng Thanh và Hiền kiên trì bám trụ. 5 năm thử nghiệm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, trầy trật. Cuối cùng anh chị nhận ra cam, chanh phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Tất cả các cây trái khác được phá bỏ. Cam, chanh trở thành cây chủ lực. 

Chân dung 'ông chủ' Trần Văn Thanh. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Chân dung “ông chủ” Trần Văn Thanh. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Từ một gốc đến hai, ba...Đất không phụ người. “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, ca dao xưa có giá trị như thành ngữ đúng với vợ chồng Thanh, Hiền. Diện tích cam chanh ngày càng được mở rộng. Cuối năm 2005 vườn gia đình anh chị đã có 200 cây cam. Chanh; cuối năm 2015, trồng được 1.200 cây cam, chanh; trong đó 600 cây cho thu nhập, cây nhiều nhất khoảng 200 kg/vụ. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm vợ chồng Thanh Hiền thu hoạch từ 26 - 30 tấn cam trở lên, doanh thu từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, họ có lãi từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, Trang trại đạt sản lượng trên 40 tấn/năm.

- Trang trại của em có 2 loại cam, cam chanh và cam giòn, nhưng cam giòn là chủ yếu. Trần Văn Thanh cho biết. Năm nay, sản lượng của em cũng hơn 40 tấn, với giá thành như hiện nay, ước đạt hơn 40 tỷ. Anh chia sẻ thêm.

- Thị trường của em ở đâu? Tôi hỏi.

- Chủ yếu vào phía Nam anh à. Đối tác của Thanh Hiền là Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Họ mua tại vườn 60.000 đ/kg, bán ra 90.000 đ/kg đấy anh. Giá bán lẻ tại vườn thì 70.000đ/kg, nhưng thương lái đến tận vườn thu mua hết.

Khi Trần Văn Thanh kể chuyện, trong đầu óc tôi nghĩ đến các loại cam giá 20.000đ/kg, 30.000đ/kg...vẫn bày bán la liệt ở Hà Nội. Cam giòn Thanh Hiền đúng là “đắt xắt ra miếng”, không năm nào không được bao tiêu.

Ông Trần Văn Thanh giới thiệu với tác giả về đặc điểm của cam giòn. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Ông Trần Văn Thanh giới thiệu với tác giả về đặc điểm của cam giòn. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Vì sao gọi là cam giòn? Thật dễ hiểu bởi cam có độ giòn khi ăn. Cam giòn quả không to nhưng có vị ngọt thanh, ngọt, hương thơm tự nhiên đặc trưng, mang đến cảm giác mới mẻ và dễ chịu cho người thưởng thức. Đặc điểm khác của cam giòn Thượng Lộc là rất ít hạt, các tép cam đều và nước cam có màu vàng đậm, tinh khiết. Đây là yếu tố giúp cam giòn Thượng Lộc chiếm được cảm tình của thị trường, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết, khi nhu cầu về các loại trái cây chất lượng cao tăng cao.

Cam giòn Thượng Lộc gần như là loài hoa quả đặc hữu của Thượng Lộc. Trần Văn Thanh kể rằng, bắt đầu từ những năm 1996, với sự sáng tạo của người dân trong việc lựa chọn và nhân giống giống cam phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Cam giòn ra đời. Cam giòn không chỉ chịu được cái nắng nóng, khô hạn, mà còn thích nghi với điều kiện đất đai tại vùng Trà Sơn, một trong những khu vực có đất đỏ bazan, màu mỡ, thích hợp cho các loại cây ăn quả.

Cam giòn Thượng Lộc từ đó đã trở thành một trong những giống cây ăn quả chủ lực của vùng, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương và trở thành thương hiệu cây ăn quả tự hào của Can Lộc nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

Vợ chồng Trần Văn Thanh giống nhau không chỉ ở sự thân thiện, cởi mở và còn hoài bão. Họ được gọi là “ông chủ”, “bà chủ” từ năm 2014. Đó là năm Trần Thị Hiền lập ra Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền. Hợp tác xã có 7 hộ thành viên, diện tích trồng cam đạt gần 14 ha với hơn 4.500 cây cam. Từ khi Hợp tác xã ra đời, không những thu nhập gia đình tăng trưởng mà gia đình chị mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy diện tích của mình chỉ có 2,7 ha, nhưng vợ chồng Thanh Hiền trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm nên người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng.

Sản phẩm cam giòn của vợ chồng Thanh, Hiền từng đạt 2 giải Nhất tại hội chợ về hoa quả do Hà Tĩnh tổ chức. Trần Thị Hiền đã được vinh danh, cao nhất là năm 2017, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc, giai đoạn 2012 - 2017. Năm 2019, chị được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Trang trại của Thanh Hiền từ lâu đã ươm cây giống, hỗ trợ những người muốn làm giàu từ cây cam. Đặc biệt chị đã hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cho nhiều hộ nghèo không lấy tiền vốn. Theo nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộc, Mai Xuân Minh, toàn xã hiện có gần 500 hộ trồng cam, riêng thôn Anh Hùng nơi có Trang trại Thanh Hiền có 120 hộ/143 hộ trồng cam. Trong quá trình mở rộng, nhiều hộ được vợ chồng Trần Văn Thanh trợ giúp.

Bà Trần Thị Hiền gần một cây cam giòn gần thu hoạch. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Bà Trần Thị Hiền gần một cây cam giòn gần thu hoạch. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Ở Thượng Lộc ngoài Trang trại Thanh Hiền, còn có các trang trại như Thanh Hà, Thanh Đồng, trồng cam trong nhà lưới ...Đấy là chưa nói đến phong trào xây dựng “vườn mẫu” trong dân. Thượng Lộc đã góp phần trong thành tích huyện thứ hai ở Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thông mới, từ năm 2019.

 “Buôn có bạn, bán có phường”, thành ngữ luôn đúng. Bây giờ là thời buổi của chuyển giao và liên kết chuỗi giá trị. Trần Văn Thanh và Trần Thị Hiền thực sự là những “nông dân trí thức”. Họ đã và đang từng bước tiếp cận “kinh tế số”, là những nông dân Hà Tĩnh đi đầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản trị trang trại.

Đến vùng đất Trà Sơn, ai cũng biết đến ca khúc “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Hà Tĩnh từng tổ chức nghi lễ vinh danh ông, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh. Không có hôm qua, không có hôm nay và ngày mai.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc, Bùi Huy Cường nói tôi, những người nông dân Can Lộc hôm nay đang viết tiếp “Bài ca Xô viết anh hùng” của cha anh trên mặt trận kinh tế. “Tinh thần Xô Viết” mãi là cảm hứng, động lực trong hành trình phát triển quê hương. Toàn huyện đang nỗ lực xây dựng huyện nhà đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nhiều xã phấn đấu nông thôn mới kiểu mẫu, nông thông mới thông minh.

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Bất giác, tôi nhớ câu thơ “một phía Trà Sơn cam vàng, tay em cầm nhật thực”. Nhật thực, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và lộng lẫy đã xuất hiện phía mặt trời đang lên ở Can Lộc, Hà Tĩnh.

Chia tay ông bà chủ Trang trại Thanh Hiền trong buổi trưa lắc rắc mưa. Xung quanh tôi những cây cam trĩu quả, vàng óng. Xuân đã về, Tết sắp đến mang đến những thông điệp hạnh phúc ở kỷ nguyên vươn mình.

Xem thêm
Thủ tướng dâng hương tri ân các liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng

Sáng 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Nam và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Khi Supe Lâm Thao không chỉ bán sản phẩm mà còn gói kỹ thuật kèm theo

'Vào vườn thực nghiệm của Supe Lâm Thao check in đi' là câu nói của nhiều người rủ nhau dịp đầu xuân này, hướng tới Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

9 nạn nhân trong vụ lật xe khách không nguy kịch

Bình Định Trong 20 nạn nhân trong vụ lật xe khách ở Phú Yên, có 11 ca được Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho về nhà điều trị, 9 ca đang điều trị nội trú…

Bình luận mới nhất