Làng nghề 400 năm tuổi
“Thế hệ tôi thì không, nhưng thế hệ bố tôi thì vẫn duy trì”, ông Nguyễn Văn Đệ, ngoài 50 tuổi, người xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên nhớ lại tục lệ không cho con gái lấy chồng ngoài làng của Lưu Thượng. Theo lời ông, cỏ tế Phú Túc từ lâu đã là một thương hiệu nức tiếng. Suốt 400 năm có lẻ, các hộ dân trong xã đều sống dựa vào nghề này và lưu truyền cho con cháu.
Sống bền vững qua biết bao thăng trầm lịch sử như vậy là do việc thu hoạch và sơ chế cỏ tế rất cầu kỳ. Vốn là một loại cây thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều tại các khu rừng ở miền núi phía Bắc, cỏ tế (còn gọi là “guột”) được chia làm 2 loại chính, là cỏ tế dại - thường cao khoảng 1-1,5m, chủ yếu được sử dụng để cạp rổ rá, nong nia; và cỏ tế khôn - cao đến 2,5m, mọc sâu trong các cánh rừng. Lõi của cây cỏ tế, sau khi được tuốt và chế biến cẩn thận, sẽ được dùng để đan các mặt hàng cao cấp như bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa… thậm chí xuất khẩu.
Không trồng được cỏ tế nhưng Phú Túc từ xa xưa đã phát triển và gìn giữ được nghề truyền thống, đến nay đã trở thành địa điểm cung cấp lớn nhất và gần như duy nhất trên cả nước. Ông Đệ cho biết, trước đây khi số hộ trong làng Lưu Thượng theo nghề còn tương đối ít, ông cùng nhiều cơ sở sản xuất có thể lên Hòa Bình, Sơn La là đã tìm được nguồn nguyên liệu. Nhưng nay, vì số lượng chế biến nhiều, nhiều đợt ông phải lên tận mạn Điện Biên, Lai Châu mới có thể tìm đủ lượng cỏ tế.
Sợi cỏ tế (khôn) bây giờ khi chuyển về tới nơi sản xuất chỉ còn phần lõi. Phần vỏ bên ngoài đã được người thu hoạch tước bỏ. Những người thợ sẽ phơi nắng phần lõi ít nhất 3 nắng to liên tục, đến khi đạt đủ độ khô sẽ tiến hành chẻ nhỏ.
Chị Trần Thị Phú, người dành đến 10 tiếng mỗi ngày để làm công việc này cho biết, cỏ tế sau khi phơi sẽ được chẻ làm 4. Phần có màu sáng và dai nhất được xem là hàng loại 1, chuyên dùng để đan các phần chịu lực của vật dụng. Các phần có màu đậm hơn là hàng loại 2, 3 và 4, dùng để đan các phần còn lại, hoặc giặm lại những chỗ bị gãy, hỏng trong quá trình gia công.
Không có nhiều công nghệ cầu kỳ trong suốt quá trình chế biến, mà phần nhiều dựa vào kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo, chẳng thế mà từ đời tổ nghề - cụ Nguyễn Thảo Lâm (năm 1683) - sau quá trình mày mò nghiên cứu các đặc tính của loại cây, đã răn dạy là chỉ truyền nghề cho người trong làng. Những người con gái ở Lưu Thượng, suốt mấy trăm năm, không được phép lấy chồng làng ngoài vì lo ngại nghề này bị mai một. Ngoài cách thức chế biến, cụ còn để lại những hướng dẫn trong việc lựa chọn nguyên liệu, thời điểm thu hoạch tốt nhất trong năm để các đồ thủ công bền, đẹp hơn.
Ông Nguyễn Văn Viễn, trưởng thôn Lưu Thượng thừa nhận điều này và nhấn mạnh rằng, đến tận những năm đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân trong làng vẫn giữ bí quyết nghề gần như tuyệt đối. Về sau, do yêu cầu kinh tế thị trường, sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, các mô hình cá thể được chuyển dần sang tập thể mà “tục lệ” xưa dần bị xóa. Từ giai đoạn cuối bao cấp, đầu Đổi mới, con gái Lưu Thượng đã được tự do tìm hiểu trai làng khác, để từ đó nghề làm cỏ tế được nhân rộng ra toàn xã Phú Túc.
Dù nghề đan cỏ tế được phủ rộng hơn, công việc chẻ cây đến giờ vẫn là bí quyết của riêng làng Lưu Thượng. Chị Trần Thị Phú nhớ rằng, từ thuở tiểu học, chị đã cùng được mẹ hướng dẫn. Ba mươi mấy năm kinh nghiệm mới đủ để “người thợ” đủ độ thông thạo và tinh nhanh để chẻ được gần 10kg sợi mỗi ngày. Cùng một công việc như vậy, nhưng nếu không được “cầm tay chỉ việc” và rèn giũa qua năm tháng, chất lượng sợi thành phẩm sẽ không thể sánh bằng.
Chuyển dịch theo hướng thị trường
Bên chén trà nóng, trưởng thôn Nguyễn Văn Viễn nhẩm tính lại, rằng nghề cỏ tế chỉ thực sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng từ thập niên 1990. Quãng năm 1998, cây cỏ tế bắt đầu “vươn mình” ra biển lớn, được nhiều công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, Quảng Ninh tìm mua. Đến giai đoạn bước sang năm 2000, làng nghề cỏ tế thực sự đổi đời. Không chỉ các địa phương trong nước, cỏ tế Phú Túc đã hiện diện ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và các quốc gia Đông Âu.
Chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế những năm 2010, Phú Túc mất đến hơn 5 năm để khôi phục sản xuất. Đến giờ, sau gần 400 năm phát triển, cả xã có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo, hoặc phối kèm với mây, cói để cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Cả làng Lưu Thượng chỉ có một vài hộ đứng ra làm đầu mối nhận việc, sau đó chia cho hàng xóm và người dân lân cận. Từ chỗ chưa thạo nghề, chưa đáp ứng được về số lượng cho các đơn đặt hàng, các cụ cao niên đã mở nhiều lớp học nghề đan cỏ tế cho cả học viên từ các xã khác, kể cả người dân đến từ các nơi xa như Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa. Trung bình một ngày, một người làm chăm chỉ có thể thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Nằm trong nhóm những nghệ nhân trẻ của làng, anh Nguyễn Văn Thịnh tâm sự, 2 khâu khó nhất là chế biến cỏ tế (bao gồm phơi khô, chẻ nhỏ) và thiết kế mẫu mã. So với thời kỳ trước đây, thị trường giờ yêu cầu cao hơn, đa dạng hơn rất nhiều, cả về chất lượng, độ thẩm mỹ cũng như tính ứng dụng trong thực tế. “Tôi từng nhận một đơn hàng lớn, đặt làm xe đẩy hàng từ cỏ tế. Người Việt mình ít dùng loại này nhưng châu Âu lại rất ưa chuộng”, anh kể.
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất khi thiết kế mẫu mã với người đàn ông này là vào năm 1998. Khi ấy, anh cũng mới vào nghề được vài năm và được đối tác đề nghị thiết kế mẫu dạng bát tô cỡ lớn. Mày mò nhiều ngày, anh Thịnh chuyển lại và được đối tác đặt hàng ngay gần 10 container, với tổng số lượng ngót nghét 1 triệu chiếc. Dù đơn hàng lớn, anh vẫn kiên trì giữ đúng nguyên tắc tổ truyền, đó là sau khi tạo hình xong, sản phẩm sẽ được hun diêm sinh, nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi hơn, trước khi phơi hoặc sấy khô sản phẩm.
Những người như anh Thịnh tại Phú Túc ngày một nhiều. Ngoài việc xuất khẩu những sản phẩm cao cấp, người dân còn biết chế tác những sản phẩm phổ thông, phục vụ tiêu dùng trong nước, chẳng hạn như giỏ quà ngày Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Vương đánh giá, nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại diện mạo mới cho quê hương, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn. Mức sống của người dân cũng được cải thiện, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa gần như toàn bộ.
Năm 2022, khi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cỏ tế Phú Túc đã được TP Hà Nội công nhận 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. “Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động liên quan đến cỏ tế, điều này giúp chúng tôi lưu giữ và bảo tồn được nghề truyền thống”, ông Vương nhấn mạnh.