Những thuật ngữ lạ
Mỗi “hóc” là một xóm nhà, dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng mênh mông. Cứ 200 - 300 mét cánh đồng “thọc” (tức ăn sâu vào hóc núi) gọi là “hóc”.
Thôn “9 hóc”, trải dài qua 5 cây số, chia ra 3 vùng: Thạnh Thương, Thạnh Trung và Thạnh Hạ, được bao bộc bởi 2 con sông: sông Cái và sông Con. Cánh đồng trước xóm nhà có rạch bàu chảy xuyên qua, bên kia rạch bàu có hòn Núi Một. Một miền quê thanh bình, cảnh vật hiếm có, cuộc sống người dân ở đây thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Xóm nhà 9 hóc chạy dài dưới chân núi, phía sau xóm nhà là vùng gò đồi. Trước thôn có đồng Thành, đòng Núi Một, đồng Trường và đồng Lẫm rộng 100ha. Thôn có 500 hộ dân, sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Dụng cụ lao động là cuốc, rựa.
Ở thôn “9 hóc” có thuật ngữ lạ thường nói mỗi khi đến lò rèn làm ra dụng cụ lao động, đó là khi làm ra sản phẩm mới gọi là “cháy”, như cháy cái rựa, cái dao. Còn cái rựa cùn làm thành rựa bén gọi là “o” lại cái rựa, hay như cái cuốc cùn dày lưỡi, thợ rèn đập ra cho mỏng mép gọi là “me” lại cái cuốc.
Bà Phan Thị Tám, một người dân ở Hóc Ké, kể: Thập niên 80 của thế kỷ trước, người dân trong hóc đến thợ rèn cháy cái rựa bén rồi vô rừng chặt cây về làm nhà lợp rạ, vách nhà trét bằng đất ruộng. Thời gian vách nhà nứt ra, chuột moi hang, ba tôi lấy giấy báo khổ lớn dán che lại. Đi học về, thấy vách tường nhà dán kín báo, tôi đọc “báo tường”.
Tờ báo dán gần cửa cái hình đẹp, đang đọc ngon lành mấy dòng, báo hướng dẫn đọc tiếp theo trang 8. Tôi nhìn xung quanh nhiều dòng chữ tiếp theo trang…Rà một hồi phát hiện ra chỗ trang 8 tiếp theo nằm dưới trang… ông Táo. Định đọc dòng chữ tiếp theo trang 8 nằm dưới trang… ông Táo, thì ba sai tôi vô bụi dúi ông Tướng (gốc bụi dúi có hòn đá to dựng đứng, người trong xóm gọi là đá Tướng) hái lá giang về nấu chua. “Giờ trong thôn vùng miền núi có nhà lầu, vách nhà sơn màu sắc bắt mắt. Internet chui về tận hóc, tha hồ đọc báo mạng” bà Tám nói.
Ông Nguyễn Bình, một người dân ở Hóc Mằng Gà nhớ lại: Hồi cánh đồng trước xóm nhà hứng nước trời một năm gieo một vụ lúa, giống lúa dài ngày, 6 tháng mới chín đỏ đuôi. Cắt lúa xong cánh đồng bỏ hoang, người trong xóm thả bò ăn qua ăn lại ngày này qua tháng khác.
Nhà không có bò, tôi thích đi chận (chăn) bò, má hỏi người trong xóm chận rẽ (quy ước chận rẽ, lùa con bò cái về chận, khi con bò đẻ ra ghé con thì của người chận, đến khi đẻ ghé con thứ hai của của người chủ, lúc đó lùa cả mẹ con bò trả cho chủ). Rồi Nhà nước đầu tư trạm bơm thủy lợi hút nước từ sông Cái, cánh đồng có công trình thủy lợi bơm tưới sản xuất 2 vụ, hè thu rồi đông xuân, thời gian hè thu gối đầu qua đông xuân ruộng bỏ hoang, bò trong xóm lùa ra thả ăn.
Mấy đứa nhỏ ham chơi, để bò lội xuống bàu ăn muống gặm trụi lủi. Chiều đó tôi đến thợ rèn me lại cái cuốc ra cuốc bờ rau muống, từ xa thấy bò lội xuống bàu rau muống, tôi chạy đến, phát hiện ra con ghé “cùng mẹ khác cha” với con nghé tôi chận rẽ. Con nghé chận rẽ nuôi thành bò đực phát kéo cộ, tôi làm nghề “ôm vô lăng dây”. Nhiều người giống hoàn cảnh chận rẽ bò, “ôm vô lăng dây” như tôi hồi đó giờ có người sắm ô tô chạy sáng đường. Hồi trước ruộng còn cày bò, trước khi gieo sạ lúa me cái cuốc bỏ ra cả ngày cuốc bờ góc, giờ máy cày “ôm” sát bờ sát góc…
Đường hoa trước nhà
Thôn phát động phong trào “ruộng lúa bờ hoa”, người dân trong thôn hưởng ứng. Bà Trần Thị Nhung, nhà ở xóm Hóc Ống trồng mười giờ. Hoa mười giờ gần trưa “rủ” nhau nở, loại này mau tàn nên bà trồng thêm hoa bươm bướm, mào gà, bông phụng để bờ hoa đẹp về chiều tối và sáng sớm.
Phía dưới nhà bà Nhung, nhiều người mang ra cây “quất xác” (quất chưng Tết trái rụng, còn thân) đem trồng bờ ruộng cạnh đường, thêm bông gấm, đinh lăng. “Trước ở vùng nông thôn, nhà cạnh mặt đường, tránh xa cửa ngõ là chỗ đổ rác, chiều quét rác, lá cây đổ đống ra đó rồi đốt “thui” trụ hàng rào bê-tông. Từ khi có phong trào trồng hoa thì bây giờ “hoa ngồi trên đống rác” đẹp lung linh, che lấp trụ hàng rào đen thui”, bà Nhung nói.
Dọc đường qua cánh đồng Thạnh Hạ các loại hoa tường vi, đinh lăng, lạc tiên, chiều tím, trồng đan xen các loại rau thực phẩm tía tô, diếp cá, càng cua, ớt thù lù. Bờ mương nước trước nhà bà Trần Thị Được xe gầu múc đất làm mương “gặm” đất nhăm nhở, bèo đội rác nhô lên nay rau càng cua, tía tô, ớt sừng chiếm chỗ. Hỏi về phong trào trồng hoa, bà Được phân trần: Mỗi nhà nhơn ra buổi trồng hoa. Nhà tôi ngửa mặt ra cánh đồng, chiều mặt trời sắp lặn, tôi ra phía trước ngắm đường hoa “đi dạo” trước nhà.
Còn trên cánh đồng Hóc Kè, lúa đông xuân thu hoạch sớm. Cánh đồng được mùa, hồi sáng giờ, hàng trăm đống lúa “lên xe” về nhà. Trên cánh đồng chỉ còn bờ ruộng nở hoa ở lại.
Từ cánh đồng Hóc Kè, chúng tôi đi theo con rạch bàu chảy vắt qua cánh đồng xuống xóm Hóc Tre ghé qua chỗ bụi tre, lùm cây. Cây lộc vừng “đứng không vững” cạnh bờ bàu (một nửa dưới nước một nửa trên bờ) nhưng không bao giờ ngã tạo dáng nên thơ. Có điều lạ là con rạch bàu bắt nguồn từ Hóc Kè, khu vực Thạnh Thượng chảy qua Thạnh Trung, Thạnh Hạ rồi đổ ra sông Con. Giữa dòng chảy rạch bàu người dân trong thôn trồng môn, rau muống.
Chiều, anh Nguyễn Văn Vinh, ở xóm Hóc Tre cầm tấm lưới ra rạch bàu thả cá. Trong khi chờ cá dính lưới, anh Vinh lót dép ngồi trên bờ ruộng, nhìn ra hòn Núi Một ở giữa cánh đồng, tâm sự: Người dân trong thôn sống rất là “tình thương mến thương”. Hôm rồi tôi đi lên Gia Lai gánh dưa mướn, vợ ở nhà có con nhỏ, tôi nhờ người anh ở gần nhà đi thăm ruộng thấy lúa đòi ăn phân thì vãi giùm thúng phân. Khi tôi về chiều đi ra con đường hoa trước nhà thăm lúa, anh bận việc thì nhờ tôi đắp giùm trổ ruộng. Cuộc sống người dân ở đây thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Ông Võ Xuân Lộc, Trưởng thôn Thạnh Đức cho hay: Thôn “9 hóc” gồm Hóc Kè, Hóc Son, Hóc Tre, Hóc Ké, Hóc Bà Nổ, Hóc Ông Ngõ, Hóc Mằng Gà, Hóc Bướm và Hóc Ống. Thời gian qua, Ban thôn vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, giữ vững thôn văn hóa, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, trồng hoa đường làng, ngõ xóm.