Là tỉnh sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước nhưng đời sống của bà con vùng cao Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Nguyên nhân này một phần bắt nguồn từ việc thiếu đất sản xuất trầm trọng, trong khi công tác thu hút đầu tư, qua đó giải quyết nhu cầu việc làm hạn chế muôn phần.
Giữa muôn vàn lực cản thì những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực chính là lực đẩy để khỏa lấp phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bên cạnh các Chương trình mục tiêu quốc gia hay dịch vụ chi trả môi trường rừng, giờ đây bà con còn được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (gọi tắt là ERPA).
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ERPA là chính sách mới, chưa từng có tiền lệ. Vì vậy để triển khai hiệu quả, xuyên suốt đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải tập trung toàn lực để đẩy nhanh tiến độ. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác tham mưu, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT trong quá trình thực hiện chính sách lớn.
Qua nắm bắt được biết, tổng kinh phí của chương trình ERPA mà Nghệ An được điều phối từ Quỹ Trung ương giai đoạn 2023 - 2025 đạt trên 352 tỷ đồng (Quyết định 3326/QĐ-BNN-TC ngày 02/10/2024 của Bộ NN-PTNT). Đến hết năm 2024, hơn 170 tỷ đồng đã được giải ngân đến với các đối tượng hưởng lợi, điều đó như thể một cơn mưa rào mát mẻ đổ xuống giữa trời hanh khô.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt khẳng định, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế thì vai trò của ERPA là hết sức quan trọng. Nguồn này sẽ góp phần giảm tải áp lực cho ngân sách nhà nước, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống cho người tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao như huyện biên giới Quế Phong, qua đó góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, tăng độ che phủ rừng.
“Khu BTTN Pù Hoạt xác định việc thực hiện chương trình ERPA là nhiệm vụ quan trọng nên chủ động nhập cuộc sớm, ngay từ tháng 1/2024 đơn vị đã lựa chọn nhân sự để thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết nội dung để tổ chức triển khai trên diện rộng”.
Triển khai xây dựng các công trình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng các thôn bản là một trong những nội dung chi trả của ERPA, để hoàn thành không phải là việc dễ khi kinh phí hỗ trợ khá hạn hẹp (50 triệu đồng/công trình). Xác định muốn đi đến đích phải có sự ủng hộ, chung tay của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân. Phải xác định khi đồng bào được hưởng lợi sẽ tạo ra cộng hưởng tích cực, qua đó giảm tải áp lực cho các bên liên quan.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Khu BTTN Pù Hoạt đã tạo nên hiệu ứng tích cực, thể hiện qua 44 công trình cộng đồng tại 44 thôn bản của 9 xã của huyện Quế Phong đã hoàn thành trong tổng số 457 công trình sinh kế của cộng đồng được hỗ trợ từ ERPA trên địa bàn toàn tỉnh.
Tín hiệu khả quan cũng “lan” nhanh đến các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương,…, hiện các bên liên quan, bao gồm các chủ rừng là tổ chức đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, không khí ngày hội đang phủ khắp vùng cao Nghệ An.