| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau vô sinh

Thứ Ba 15/03/2016 , 07:10 (GMT+7)

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, hiện nay, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là từ 10 - 12%. Không chỉ ở TP, tại các vùng quê, vô sinh đang là căn nguyên khiến nhiều gia đình tan vỡ.

Căn nguyên của đổ vỡ

Những ngày này, cả thôn C.Đ, xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) xôn xao chuyện đôi vợ chồng trẻ là anh Kha (*) và chị Hà (27 tuổi) làm đơn ly hôn sau 6 năm chung sống. Lý do cũng bởi hai người không thể sinh con. Anh Kha chán chường, bỏ đi làm ăn xa, chị Hà bỏ về nhà mẹ đẻ. Sau khi nghe tin anh Kha có bồ ở chỗ làm, chị Hà đã dứt khoát gửi đơn xin được ly hôn.

Kha và Hà cưới nhau năm 2010, là người cùng thôn, lại là bạn học với nhau từ thuở nhỏ. Ngày cưới, họ hàng chòm xóm hai bên đều đến chúc mừng đôi uyên ương xứng đôi vừa lứa.

Cưới nhau được 3 năm, gia đình hai bên đều thấy sốt ruột vì không có cháu bế. Kha và Hà lẳng lặng dẫn nhau đi khám bệnh khắp nơi, Đông Tây y kết hợp, đủ cả. Ai mách chỗ nào cũng đi, miễn là có hy vọng. Cuộc sống ngột ngạt, Kha dẫn Hà vào Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới. Nhưng chỉ hơn một năm sau, Hà bỏ về quê, thu dọn đồ sang nhà bố mẹ đẻ ở.

Hà đau khổ vì trong thời gian ở Lâm Đồng, Kha có quan hệ với người khác. Kha đi biền biệt, chỉ Tết mới về quê vài ngày rồi lại đi. Hai người đã ly thân được gần 2 năm. Gần đây, Hà xin vào làm công nhân một nhà máy ở Hà Nội, lương tháng hơn 3 triệu đồng. Trước Tết vừa rồi, Hà đã viết đơn gửi lên UBND xã trình bày lý do và xin được ly hôn.

Chị gái của Hà là Thảo lấy chồng 10 năm cũng chưa có con. Anh Sinh, chồng chị Thảo cho biết, hai người cũng đã chạy chữa khắp nơi nhưng chưa có tiến triển gì. Giờ thì hai vợ chồng cứ túc tắc làm ăn, ông trời thương biết đâu cho một mụn con.

Ông Mạnh, trưởng thôn C.Đ cho biết, ngoài vợ chồng anh chị Kha, Hà, trong thôn cũng còn vài trường hợp tương tự. Ví như nhà ông Đông (SN 1967), bà Lụa cưới nhau 27 năm nhưng “chẳng thấy gì”. Chạy chữa không được, năm 1998, ông Đông và vợ làm thủ tục xin nhận con nuôi của một người phụ nữ ngay trong làng. Đứa trẻ ông Đông nhận nuôi nay đã học lớp 12, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Dù không phải con đẻ, vợ chồng ông Đông vẫn chăm sóc, nuôi dạy đứa trẻ như chính con ruột của mình.

“Có gì chưa?”

Không chỉ ở TP, nhiều đám cưới ở làng quê, anh em họ hàng đến chúc mừng, ghé tai cô dâu, chú rể mà hỏi “Có gì chưa?”. Nhiều người không hiểu vì sao mặt cô dâu đỏ lên như người uống rượu.

Ở quê, nếu như trước đây, gia đình nào mà con dâu chửa trước cưới, ấy là cái tội, chịu điều tiếng nặng nề. Còn bây giờ, nhiều gia đình chỉ “gả” con trai khi cô dâu bụng đã lùm lùm 2 - 3 tháng. Cũng từ đây, nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Bà Lành, vợ ông Mạnh kể, nói đâu xa, ngay thôn C.Đ đầu tháng rồi cả làng đi ăn cỗ cưới hụt. Nhà trai đi gửi thiệp mời cho toàn bộ anh em, làng xóm mời mùng 6 đến dự bữa cơm thân mật cùng gia đình.

“Ngay tại địa phương, chính tôi là người xác nhận giấy tờ cho một cặp vợ chồng để hoàn thiện thủ tục sinh con bằng phương pháp mang thai hộ. Hiện nay, đứa trẻ đã được sinh ra và hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là một phương pháp mới, đem lại tia hy vọng cho các cặp vợ chồng bị chứng bệnh vô sinh, hiếm muộn”, một cán bộ UBND xã Hoàn Long chia sẻ.

Đùng một cái, ngày 28 Tết, cô dâu trở dạ đi đẻ. Hai bên họ hàng nháo nhào đưa lên bệnh viện đa khoa huyện. Một bé trai chào đời. Thế là toàn bộ cỗ bàn, phông bạt, thiệp mời đã chuẩn bị đành phải hủy. Nhà trai gói gọn làm vài mâm cơm mời anh em ruột thịt, một coi như báo hỷ, hai là “cúng cữ” cho cháu nội.

Cháu trai gọi bà Lành bằng bác cũng vừa mới cưới vợ dịp trước Tết. Cô dâu đi siêu âm được 2 tháng, hai gia đình liền thống nhất cưới ngay và luôn.

Hôm rồi, tôi có dịp gặp lại cô bạn, nay làm bác sĩ tại một bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng tại tỉnh Hưng Yên. Cô bạn kể “chuyện thật như bịa” mới xảy ra cách đây mấy tháng. Đang ngồi trực thì thấy có xe taxi đi rất nhanh vào khu vực cấp cứu. Cửa xe mở ra, một thanh niên đóng nguyên bộ comple, tất tưởi bế… một cô dâu, vẫn khoác trên mình bộ váy cưới trắng tinh. Vào phòng đẻ một lúc thì cô dâu cho ra đời một cháu bé bụ bẫm. Cả bệnh viện ai nấy đều mắt tròn, mắt dẹt nhìn về phía đôi trẻ.

Thôn nào cũng có cặp vô sinh

Một cán bộ UBND xã Hoàn Long cho biết, xã có 3 thôn, 8 xóm thì hầu như thôn nào cũng có 2 - 3 cặp vợ chồng mắc chứng vô sinh. Ông có hai cô cháu gái, lấy chồng xã bên, 8 năm nay cũng chưa có con. Chính ông cũng phải thừa nhận, không hiểu vì sao tình trạng vô sinh những năm trở lại đây xuất hiện nhiều như vậy.

Nhiều người đồn đoán, có thể là do nguồn nước ô nhiễm người dân ăn phải hằng ngày. Xã Hoàn Long là vùng chuyên canh rau màu, người dân sử dụng tương đối nhiều thuốc BVTV, hóa chất độc hại. Vị cán bộ này cho biết, hiện nay, đang có tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ, sâu bệnh trong SXNN. Trong khi 100% các hộ trong xã vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Thôn N.H, trên thôn C.Đ cũng mới ồn ào chuyện đôi vợ chồng trẻ lấy nhau 6 năm đưa nhau ra tòa ly hôn. Ông Mạnh bảo, chẳng hiểu sao, càng gần đây, tỷ lệ các cặp vợ chồng ở trong vùng bị chứng vô sinh ngày càng nhiều. Như thời bố mẹ ông, cho tới đời ông, ăn khoai, sắn độn cơm vẫn đẻ sòn sòn, hãm… không kịp. Bây giờ thì mong mỏi mắt mới có được đứa con.

(*) Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.