| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo mùa giáp hạt

Thứ Ba 02/10/2018 , 14:05 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của hai trận lũ vừa qua, vùng bãi trồng ngô ven sông Lam đứng trước nguy cơ chậm mùa vụ, do lượng phù sa bồi đắp quá lớn, đến nay chỉ một số ít diện tích bãi cao còn lại nông dân vẫn chưa thể tiến hành sản xuất cây ngô vụ đông.

Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ khan hiếm nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc trong thời kỳ giáp hạt sẽ xảy ra. Đặc biệt là các trang trại chăn nuôi như TH TrueMilk, Vinamilk… trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Chương, một đầu mối chuyên thu mua ngô sinh khối tại Nghệ An cho biết: “Các trang trại đều khan hiếm nguồn thức ăn, trong khi đó các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn khoảng cuối tháng 10 mới gieo được. Hiện chỉ có nguồn cung sớm duy nhất tại Diễn Châu, nhưng lượng sẽ không đủ. Chúng tôi đang dự tính phải ra Bắc tìm nguồn nguyên liệu”.

Vụ sản xuất ngô chính của Nghệ An là vụ thu đông, vụ đông và tại Hà Tĩnh là vụ đông muộn - xuân sớm. Tuy nhiên đến nay Nghệ An chỉ mới gieo trồng chủ yếu ngô thu đông tại huyện Diễn Châu, với hơn 2.000ha.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Trước khi triển khai đề án sản xuất, UBND huyện cũng đã phối hợp với đơn vị thu mua, kết nối đầu ra cho nông dân. Ưu tiên giống ngô cho sinh khối lớn, chất lượng cao như NK7328, NK4300… TH True Milk cam kết sẽ thu mua toàn bộ ngô cây gieo trồng trước 15/8”.

Tại Anh Sơn, vùng ngô nguyên liệu chính của Nghệ An, diện tích mỗi vụ hơn 2.300ha. Nông dân sản xuất liên tục, bán cây xong lại quay vòng, có thể sản xuất trên 3 vụ ngô trong đó 2 vụ chính là vụ xuân và vụ đông. Tuy nhiên vụ đông năm nay sẽ không thể kịp tiến độ.

19-58-03_nh_1
Nông dân xã Tường Sơn, Anh Sơn, đẩy mạnh gieo trồng sớm trên đất hai lúa

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, Anh Sơn chia sẻ: “Năm nay do ảnh hưởng của hai đợt xả lũ, nên lượng phù sa bồi đắp rất lớn, có nơi phù sa bồi lấp từ 0,5 - 1m, sục lầy, nên vùng đất bãi vẫn chưa thể tiến hành làm đất gieo trồng. Vụ đông xuống giống sau các đợt mưa lũ tự nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm là sau ngày “hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”, tức 21 và 22/8 âm lịch (từ sau 1/10 dương lịch). Nhưng với phù sa dày và lầy sục này, nếu diễn ra mưa lũ tiếp thì thời vụ có thể kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc sang tháng 11”.

Cũng theo bà Thủy, mùa giáp hạt năm nay nguy cơ khan hiếm nguồn thức ăn cho gia súc rất cao. Trước tình hình đó, UBND xã đã chủ trương đẩy mạnh sản xuất ngô đông trên đất 2 lúa. Vụ đông năm 2017 xã gieo trồng 150ha trên đất hai lúa bằng giống ngô NK7328, NK6410… mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi sào (500m2) nông dân thu về từ 1,4 - 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ đủ cung cấp cho các nông hộ chăn nuôi, không đủ để cung cấp cho các trang trại. Năm nay chúng tôi động viên nhân dân cố gắng gieo hết 100% diện tích đất hai lúa bằng các giống ngô này.

19-58-03_nh_2
Một buổi tham quan học tập kỹ thuật trồng ngô NK7328 theo hướng sinh khối

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc HTXNN Cẩm Sơn, Anh Sơn chia sẻ thêm: “Chủ trương của UBND huyện kết thúc thời vụ vào 30/10, nhưng tình hình hiện nay phù sa bồi đắp lớn, không thể xác định chính xác thời điểm đất khô để sản xuất. Về bán ngô cây, nông dân đang thiệt thòi, vì cân khó. Chỉ một số xã quanh đây Tam Sơn, Đỉnh Sơn… cũng bán theo cân (kg), còn lại bán ngang theo sào".

Với tình hình trên các mùa giáp hạt năm nay, nghề chăn nuôi đứng trước nguy cơ khan hiếm nguồn thức ăn. Tuy khó khăn nhưng lại mở ra cơ hội cho nông dân, đó là dễ tiêu thụ và lợi thế về giá bán. Vì vậy nông dân cần tranh thủ đẩy nhanh mùa vụ tại các vùng không bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ vừa qua, các chân đất hai lúa và thực hiện tốt các công tác sau:

Bố trí mùa vụ thích hợp để né tránh thiên tai; các vùng không bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ vừa qua, nếu đất đã khô ráo khẩn trương gieo trỉa sớm; đẩy mạnh gieo trồng trên đất hai lúa ít bị úng ngập, tận dụng diện tích đang bỏ trống.

Ngoài các kỹ thuật gieo trồng, cần chú ý lên luống cao (vồng, hàng), tạo rãnh thoát nước tốt cho ruộng; lựa chọn các giống ngô chống đổ, chịu úng tốt, sinh khối lớn như NK7328, NK4300, NK6253, PAC339… để gieo trồng.

19-58-03_nh_4
Nông dân thích trồng ngô NK7328 được cả bắp lẫn sinh khối
"Chúng tôi chủ yếu trồng NK4300, NK7328 vì cây sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, ít hao hụt khi vận chuyển. Ưu điểm bán cây là bán ngay từ khi vào hạt, nên tiết kiệm được dinh dưỡng cho đất. Chứ cây ngô giai đoạn chín sáp trở đi nó hút nhiều dinh dưỡng lắm”, ông Lê Văn Cường.

 

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.