| Hotline: 0983.970.780

Nơi thắp lửa nghề báo trong tôi

Chủ Nhật 20/06/2021 , 15:26 (GMT+7)

Bằng những cơ duyên khác nhau, các cộng tác viên đã gắn bó, trở thành những cây viết đắc lực của chuyên mục khuyến nông trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Tôi bén duyên cộng tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam đến nay hơn 3 năm. Cái duyên ấy tôi hay gọi vui là mối duyên kỳ ngộ.

Sự gặp gỡ tâm đầu ý hợp.

Trước đó, tôi đã từng rất nhiều lần tưởng tượng về nghề nghiệp của mình trong tương lai, nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ viết báo.

Hồi học lớp 12, tôi chọn thi khối A vào đại học, nhưng điểm Văn của tôi lại thường cao nhất lớp. Tôi học chuyên ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn (Đại học Nông lâm, Đại học Huế), nhưng lại cực kỳ yêu thích môn văn.

Cộng tác viên Phan Việt Toàn trong một lần đi tác nghiệp ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: Tác giả cung cấp.

Cộng tác viên Phan Việt Toàn trong một lần đi tác nghiệp ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: Tác giả cung cấp.

Hiện tôi đang công tác ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị. Cơ quan tôi đặt Báo Nông nghiệp Việt Nam dài kỳ. Những lúc rãnh, tôi thường tìm đọc và tôi thấy trong Báo Nông nghiệp Việt Nam có mục Khuyến nông.

Tôi thầm nghĩ, mình là một cán bộ khuyến nông, tại sao không thử viết về những hoạt động khuyến nông Quảng Trị triển khai, những mô hình nông nghiệp hay, những gương người tốt việc tốt để cho bạn đọc cả nước biết đến tỉnh Quảng Trị và có thể tham khảo học hỏi cách làm ăn hay ở Quảng Trị để phát triển kinh tế?

Tôi mạnh dạn mày mò lên tìm địa chỉ email của Báo Nông nghiệp Việt Nam, rồi gửi bài xem như một bước thử sức với bản thân. Sau đó, số báo nào tôi cũng tìm đọc xem bài mình có được đăng không.

Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên bài viết của tôi được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đó là vào năm 2018. Lần đầu tiên nắm trên tay số báo có bài viết của mình, tôi mừng quá đã hét lên, ôm lấy đứa bạn làm cùng phòng đang đứng bên cạnh, nhấc hẳn người nó lên khỏi mặt đất quay vòng vòng.

Giờ nghĩ lại tôi bật cười, không biết lúc đó tại sao tôi lại có sức mạnh đến thế, bởi bạn tôi nặng hơn tôi gần cả chục ký. Khi bài báo được đăng, suốt ngày hôm đó tôi không thể làm được bất cứ việc gì. Người tôi cứ lâng lâng một cảm xúc lạ kỳ. Ngoài chuyện kè kè tờ báo trên tay, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng mà vẫn không thấy chán, rồi gặp ai cũng khoe, không biết ngại, như thể con nít được mặc áo mới vậy.

Anh Toàn trong một lần đi tác nghiệp ở huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh:Tác giả cung cấp.

Anh Toàn trong một lần đi tác nghiệp ở huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh:Tác giả cung cấp.

Tôi mang số báo đó về nhà, đến tối sau khi vội vàng xong mọi công việc gia đình, tôi nâng niu mê mẩn tờ báo trên tay, lật từng trang, đến bài báo có tên mình lòng tôi chộn rộn như lần đầu tiên nhận được bức thư tỏ tình từ người mình mong đợi.

Kể từ đó, nó như một điểm nhấn, một đòn bẩy lớn đánh bật niềm đam mê viết báo trong tôi trổi dậy. Lần đầu tiên, một người không được học chuyên ngành báo chí, một người ở tỉnh lẻ như tôi đã có tên trên một trang báo lớn, chính thống hẳn hoi.

Tôi tự hỏi mình, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã xem mình là cộng tác viên rồi ư! Và kể từ đó, tôi có một tình yêu và đam mê mãnh liệt với nghề báo. Có lẽ cũng chính vì lẽ đó mà ngoài công việc chuyên môn ở cơ quan ra, tôi thích tìm tòi, đi đây đó để viết.

Làm báo cũng nhiều niềm vui lắm! Niềm vui của tôi là được tìm tòi học hỏi, được thử sức mình, được sống với niềm đam mê của mình. Hiểu được sự vất vả, trách nhiệm của người làm báo như thế nào?

Nhà báo chuyên nghiệp đã khó, làm cộng tác viên càng khó

Tôi được góp danh trong Báo Nông nghiệp Việt Nam là một duyên may mà bản thân vô cùng trân trọng. Tôi thực sự cảm ơn Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chắp thêm niềm tin cho tôi vào con đường viết lách.

Là nhà báo chuyên nghiệp đã khó khăn vất vả, những cộng tác viên như anh Toàn càng khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Là nhà báo chuyên nghiệp đã khó khăn vất vả, những cộng tác viên như anh Toàn càng khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Từ khi bén duyên với Báo, tôi luôn nhận được những lời góp ý chân tình, lời động viên khích lệ từ Ban biên tập. Đây là món quà may mắn quý giá của tôi. Đó thực sự là nguồn động lực lớn giúp tôi vững tin vào bản thân hơn khi đặt tay viết bài.

Tôi mang nặng trong mình cái tên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi không được công tác ở đó, nhưng tôi coi đó là cái nôi sinh ra nghề báo cho mình. Một người công tác trong ngành nông nghiệp viết báo nông nghiệp được người đọc biết đến và đón nhận. Tôi rất hạnh phúc mỗi khi có ai đó nói tôi là Cộng tác viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Làm báo đối với một nhà báo chuyên nghiệp tôi biết đã khó, với những cộng tác viên như tôi thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Tôi không làm chính quy ở báo nên không có thẻ nhà báo. Muốn phỏng vấn ai, phải phải làm thế nào mà người ta có thiện cảm và tin mình thì họ mới nhận trả lời phỏng vấn.

Những ngày đầu khi mới chập chững viết với vốn kiến thức ít ỏi nên tôi phải tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm. Sau khi bài được đăng, phải coi lại bản gốc mình gửi, để biết biên tập đã sửa cho mình chỗ nào, lần sau còn rút kinh nghiệm.

Cộng tác viên Phan Việt Toàn trong một lần đi viết bài ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Tác giả cung cấp.

Cộng tác viên Phan Việt Toàn trong một lần đi viết bài ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Tác giả cung cấp.

Thời gian không có nhiều, thường tôi chỉ có thể đi viết bài ngoài giờ hoặc những ngày nghỉ, nhưng được cái là không bị áp lực bài vở như những phóng viên chuyên nghiệp nên tôi vẫn có thể làm được nghề mình yêu thích.

Tất cả những điều ấy đủ để tôi nhận ra rằng, nghề báo với tôi là một mối duyên lành. Sau khi có duyên với nghề, tôi trân trọng chữ “duyên" và nặng lòng với chữ “nợ”, nên luôn tự nhắc nhở bản thân rằng mỗi ngày phải không ngừng trau dồi, rèn luyện.

Dẫu biết con đường phía trước đầy gian truân, nhưng tôi tự nhủ lòng luôn cố gắng, phát huy hết năng lực, sống hết mình với công việc mình yêu thích để có được các bài viết chất lượng phục vụ bạn đọc. Để sao cho mỗi khi đọc lại những bài viết của mình có thể tự mỉm cười, làm động lực sẵn sàng cho những hành trình tiếp theo. 

Hơn ba năm làm cộng tác viên, tôi học hỏi rất nhiều điều, từ cuộc sống cho tới nghề nghiệp. Tôi nhận thấy Báo Nông nghiệp Việt Nam là một tờ báo chuyên nghiệp. Với bề dày 76 năm, không biết bao nhiêu trang báo đã đến tay bạn đọc, quả là một cuộc hành trình dài để khẳng định sức sống và sự trưởng thành của Báo Nông nghiệp Việt Nam hôm nay.

Tôi thấy vui vì Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình, và rất mong Báo ngày càng lớn mạnh hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng, có nhiều cái hay, nhiều điều bổ ích để chúng tôi đón chờ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.