| Hotline: 0983.970.780

Sóng gió gia đình từ phía cộng tác viên

Thứ Bảy 14/11/2020 , 08:10 (GMT+7)

Những câu chuyện được tôi giới thiệu và trình bày phần lớn là từ những chuyện có thật mà tôi đã từng chứng kiến hoặc từng trải qua.

Như tên gọi “Sóng gió gia đình” của chuyên mục, những câu chuyện được trình bày ở đây đều là những khía cạnh bất ổn muôn mặt trong cuộc sống của những lứa đôi, đa phần là những xáo trộn trong cuộc sống tình cảm của các đôi vợ chồng, thỉnh thoảng xen vào là những tình huống của những đôi lứa yêu nhau.

Sở dĩ cũng được tôi xếp chung vào vì nói cho cùng, kết cục thực sự hạnh phúc của tình yêu cũng chính là đời sống hôn nhân. Ái tình chính là thời kỳ “tiền hôn nhân”, kể ra cũng đáng được nhắc đến.

Những câu chuyện được tôi giới thiệu và trình bày phần lớn là từ những chuyện có thật mà tôi đã từng chứng kiến hoặc từng trải qua. Cũng có những câu chuyện ly kỳ hoặc độc đáo tôi được nghe kể lại, cảm thấy sự thôi thúc phải trình bày với độc giả.

Thực tế không phải câu chuyện sóng gió nào do tôi kể cũng có kết thúc đúng như nguyên trạng của nó. Tôi vốn không thích những chuyện có kết thúc không có hậu hoặc có hướng giải quyết tiêu cực hay thậm chí bạo lực.

Vì thế tôi thường đưa ra những hướng giải quyết nếu không phải là tốt đẹp hoàn hảo mười phân vẹn mười thì chí ít cũng phải có một lối thoát cho nhân vật chính, hoặc thậm chí cho cả hai nhân vật chủ chốt lại càng tốt.

Đề ra một hướng giải quyết khả dĩ thực thi được cho các bế tắc của cuộc sống không phải là việc dễ dàng. Huống hồ cuộc sống vốn thường không có các phép màu như trong truyện thần tiên.

Thứ phép màu mà tôi đề xuất cho các nhân vật của mình, chính là tình nhân ái và biết quan tâm đến người khác.

Cái gọi là phép màu đó thường bàng bạc trong các câu chuyện tôi kể lại, như một mong mỏi cho các nhân vật lẫn độc giả có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi theo dõi những biến động bất hạnh mà các nhân vật phải trải qua.

Ngoài ra, những câu chuyện mà chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc sống, không phải chuyện nào cũng có hồi kết. Có những tình huống nó cứ dang dở mãi, khiến cho những nhân vật trong đời thực dường như cứ phải chịu đựng lẫn nhau cho đến suốt đời suốt kiếp.

Chẳng hạn như chúng ta theo dõi qua báo chí hay phương tiện truyền thông chứng kiến những hoàn cảnh gia đình tưởng chừng đến độ tột cùng bi đát, bà mẹ già hơn 80 tuổi phải nuôi ba đứa con bị bệnh tâm thần, hoặc một bà ngoại phải nuôi cháu vì ba mẹ đứa trẻ đều không may đã thiệt mạng trong tai nạn giao thông.

Bà thì thân vốn vẫn mang trọng bệnh, lại già yếu, có lẽ bà đã thường đi bán vé số hoặc đi lượm ve chai về nuôi cháu nhỏ độ nhật...

Những câu chuyện đại loại như thế không hề thiếu trong xã hội của chúng ta. Và các nhà báo đã sưu tầm những thông tin trên để đăng tải, kêu gọi “phép màu” đến với họ từ những người có lòng hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ tài chánh cho những số phận bất hạnh.

Riêng nói về số phận của những mảnh đời gia đình bất hạnh đó, tôi cố gắng đưa ra những hướng giải quyết khả thi và lạc quan. Điều này không hề dễ dàng, miễn cưỡng không được, phi thực cũng không được.

Nhưng ở một chừng mực nào đó, tôi đã mang đến cho những nhân vật một đôi cánh để họ tự cứu mình thoát khỏi những hoàn cảnh sóng gió, hoặc tương đối có thể làm lại cuộc đời và có thể tìm thấy ánh sáng hạnh phúc ở cuối đường.

Tôi vẫn thường phải đi tìm những câu chuyện mới với những tình tiết hấp dẫn, nói gì thì nói, dù gì thì yếu tố tình tiết hấp dẫn, gây cấn vẫn đóng vai trò thu hút then chốt rất quan trọng để lôi kéo bạn đọc.

Cũng may là trong cuộc sống thường không thiếu những câu chuyện, những nhân vật độc đáo như vậy, và hơn nữa còn vô cùng đa dạng. Chẳng hạn như khi chúng ta nói về một cô nàng có số đào hoa, ưa chơi trò mèo vờn chuột với những chàng trai.

Bản thân tôi đã từng chứng kiến một số những cô gái có bản lãnh như thế. Tôi rất khâm phục họ. Trong số họ, tùy theo khí chất và cá tính mà mỗi người có những chiêu trò thu hút nam nhân khác nhau, về phương diện này mỗi cô có một sở trường khác nhau. Cô gái đào hoa thuộc giới bình dân có cách chiêu dụ khác, cô gái đào hoa có học thức lại có những biện pháp khác nữa, nó thanh nhã hơn nhưng cũng có thể mưu mô hơn.

Những con người được tôi đưa lên mặt báo thường không giống 100% như nhân vật có thật ngoài đời, vì một số lý do.

Thứ nhất, tôi phải tôn trọng con người thực ngoài đời, nếu tôi tả chân họ sống sượng quá thì đó là một sự xúc phạm đến nhân phẩm của họ. Do đó tôi chỉ vay mượn ở họ một số cá tính nổi bật cần thiết để nêu lên những vấn đề cần đề cập đến trong bài viết.

Thứ hai, thậm chí nhiều lúc tôi còn gán ghép cho các nhân vật “phản diện” của tôi một số đức tính tốt đẹp mà thật ra trên đời thực họ không hề có được.

Thứ ba, điều này nhờ vậy ở phần kết cục của câu chuyện, tôi sẽ có thể “giơ cao đánh khẽ”, nương tay phần nào với các nhân vật xấu và dẫn họ đến một kết cục khả dĩ còn có hậu hoặc không đến nỗi quá tệ, tất cả chỉ vì tôi vốn quan niệm ở người xấu chưa hẳn đã xấu hoàn toàn, ít nhiều họ cũng có một số đức tính nào đó rất đáng khen.

Đồng thời những nhân vật “chính diện”, cũng chưa hẳn là những người tốt hoàn toàn, họ cũng có tính xấu đó, nhưng tính tốt nhiều hơn.

Nói tóm lại, con người không ai hoàn hảo cả. Nhưng nếu cái thiện, lòng từ tâm, biết động lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của người khác, biết quan tâm đến mọi người, đặc biệt là người phối ngẫu, chính những điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?