| Hotline: 0983.970.780

Nơi tỷ lệ nghèo giảm 2 - 3% mỗi năm

Thứ Tư 06/12/2023 , 15:16 (GMT+7)

Lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, hộ nghèo ở Sóc Trăng có điều kiện phát triển sinh kế, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Phát triển sinh kế đi đôi với đầu tư hạ tầng nông thôn

Những ngày gần đây, bà con nông dân xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tất bật vào vụ thu hoạch vú sữa tím tứ quý, với giá bán cao từ 30.000 – 80.000 đồng/kg. Đây là loại trái cây đặc sản của tỉnh chinh phục được thị trường Mỹ, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nhà vườn địa phương.

Tỉnh Sóc Trăng hiện đã triển khai 101 mô hình với trên 1.800 bà con là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhận được hỗ trợ, hướng đến tạo việc làm, sinh kế bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Sóc Trăng hiện đã triển khai 101 mô hình với trên 1.800 bà con là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhận được hỗ trợ, hướng đến tạo việc làm, sinh kế bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Anh Nhân - người tiên phong phát triển và nhân rộng mô hình trồng vú sữa tím tứ quý trên địa bàn xã. Năm 2020, ông thành lập HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước, cung cấp cây giống cho xã viên với diện tích hơn 30ha, trong đó hơn 11,3ha đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Từ đây nhiều bà con có thêm loại cây trồng giá trị cao để canh tác, phát triển, vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh vườn gia đình. Với đặc tính cho trái quanh năm, ít hạt, thịt dai, vị ngọt, vú sữa tím tứ quý đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn trái/năm.

Xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách là một trong 2 xã bãi ngang, ven biển, hải đảo được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài tạo sinh kế ổn định cho người dân, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn xã cũng được đầu tư và đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương của nông dân trong vùng.

Từ năm 2022, với sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được hỗ trợ 15 tỷ đồng thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn.

Trồng vú sữa tím tứ quý ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách là mô hình giảm nghèo bền vững cho nhiều nông dân, khi loại trái cây này đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Kim Anh.

Trồng vú sữa tím tứ quý ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách là mô hình giảm nghèo bền vững cho nhiều nông dân, khi loại trái cây này đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Kim Anh.

Tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, bà con nông dân vô cùng phấn khởi khi được đầu tư mới 5 tuyến đường giao thông nông thôn gần 5km nối liền nhiều ấp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, học tập của con em trong xã thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Lưu Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa bộc bạch, địa bàn xã tương đối rộng, trên 3.800ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, sông ngòi dày đặc, nhiều tuyến giao thông chưa đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt và giao thương của người dân. Nếu như trước đây đường sá đi lại khó khăn, trái cây của nông dân trong xã khi thu hoạch vận chuyển tiêu thụ rất khó, phụ thuộc chủ yếu vào đường sông, lợi nhuận vì thế sụt giảm. Giờ đây, đời sống của khoảng 600 hộ sinh sống dọc trên các tuyến giao thông này được cải thiện.

Đến nay, toàn xã Xuân Hòa có trên 400 hộ nghèo, mục tiêu đến năm 2025, địa phương này phấn đấu giảm khoảng 50% số hộ nghèo. Giải pháp lâu dài được địa phương ưu tiên thực hiện là hỗ trợ người dân địa phương chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất bị nhiễm mặn; xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn, cải thiện thu nhập, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đối với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã triển khai 101 mô hình, với trên 1.800 bà con là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhận được hỗ trợ, hướng đến tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con.

Thông qua triển khai công tác giảm nghèo, nhiều mô hình tiêu biểu, sáng kiến hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương. Nổi bật là hoạt động cấp đổi sổ đỏ cho người dân để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hay phong trào hỗ trợ cây, con giống, tạo việc làm tại chỗ cho hội viên nông dân ở huyện Cù Lao Dung; huyện Trần Đề đã thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm, nuôi heo đất…

Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm sâu

Sóc Trăng là một trong những địa phương trên cả nước và khu vực ĐBSCL có tỷ lệ hộ nghèo khá cao với trên 15.800 hộ, trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 48%.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, bà con đồng bào Khmer sống chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc sản xuất hoặc hạ tầng thiết yếu còn kém phát triển, dẫn đến việc đi lại, mua bán, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer cao, công tác giảm nghèo ở địa phương này gặp nhiều khó khăn. Nhất là tình trạng hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo diễn ra thường xuyên.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 – 3% mỗi năm, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer kéo giảm đáng kể. Ảnh: Kim Anh.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 – 3% mỗi năm, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer kéo giảm đáng kể. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, việc đề ra giải pháp giảm nghèo lâu dài và tích cực trong nhân dân nói chung và hộ đồng bào dân tộc Khmer nói riêng rất cần thiết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai song song 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa.

Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương như: Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng; mô hình liên kết tôm - lúa; chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo... Sự kết hợp này đã giúp công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Sóc Trăng đạt kết quả tốt.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, qua mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giảm từ 2 - 3%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer được kéo giảm với tỷ lệ cao hơn.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng giảm được 7.270 hộ nghèo và hơn 3.500 hộ cận nghèo, trong đó có trên 4.300 hộ đồng bào dân tộc Khmer.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng đạt nhiều kết quả nổi bật. Điểm nhấn là công tác giải quyết việc làm hàng năm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tạo việc làm mới cho gần 27.000 lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 70%.

Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh đánh giá, công tác giảm nghèo muốn phát huy hiệu quả đòi hỏi tỉnh phải thực hiện nhiều chính sách tốt để bà con vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

“Địa phương đang tận dụng, kết hợp, lồng ghép chính sách của các chương trình để mang lại hiệu quả tốt nhất công tác xóa đói giảm nghèo. Hướng đến nâng chất cơ sở hạ tầng tại các địa phương khó khăn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ nghèo”, ông Quang nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giúp bà con nông dân đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được ngân sách Trung ương và tỉnh Sóc Trăng bố trí thực hiện trên 136 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các đơn vị và địa phương trong tỉnh đã kịp thời triển khai 7 dự án. Góp phần nâng chất hạ tầng giao thông nông thôn và hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng trên địa bàn toàn tỉnh.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.