| Hotline: 0983.970.780

Những góc nhìn mới từ thực tiễn về HTX ở ĐBSCL:

[Bài 4] HTX Evergrowth 'phép thử' làm ăn liên kết nghề nuôi bò sữa nông hộ

Chủ Nhật 07/11/2021 , 07:22 (GMT+7)

Sóc Trăng Hợp tác xã Evergrowth một trong những cánh chim đầu đàn liên kết nuôi bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây có đàn bò sữa trên 5.000 con của hơn 1.900 hộ thành viên.

Vượt trở ngại bất lợi

Sóc Trăng, từ tháng 7/2021 đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên nhiều địa phương trong tỉnh. Các biện pháp giãn cách xã hội đề phòng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất (SX) kinh doanh của nhiều ngành nghề, nhất là trong SX nông nghiệp.

Có một chuyện xảy ra không vui, vào tuần cuối tháng 7 có 39 hộ nông dân nuôi bò sữa thuộc HTX nông nghiệp Evergrowth ở hai xã Tham Đôn và Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch xong chở sữa tươi ra điểm tập kết, nhưng không thể vận chuyển bán được sữa tươi về nhà máy. Bà con nông dân cũng không có biện pháp bảo quản lâu hơn nên đành phải đổ bỏ.

Số là do trong khu vực bộc phát một ổ dịch Covid-19 đang bị phong tỏa. Trên tuyến đường xe tải không ra vào điểm thu mua, vận chuyển sữa, vì có chốt kiểm soát dịch bệnh. Sự việc trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau 3 ngày tất cả các điểm thu mua sữa vận chuyển sữa về nhà máy. Các hoạt động của HTX trở lại bình thường. Lượng sữa tươi đổ bỏ tuy không nhiều nhưng qua đó thấy rằng tình hình dịch bệnh đang tác động mạnh đến khâu tiêu thụ sữa trên thị trường. Bởi vào thời điểm đó, còn có một công ty nuôi bò sữa tại Nông trường Sông Hậu, TP Cần Thơ “cầu cứu” Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT hỗ trợ thông “luồng xanh” vận chuyển và giúp mở thêm kênh bán sữa.

Đến nay khi nhiều tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL kiểm soát được dịch bệnh, một số hoạt động lưu thông phân phối bắt nhịp SX kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại người chăn nuôi đang bán sữa tươi với mức giá thấp 12.000 đ/kg, thấp hơn 1.000 đ/kg so với trong 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội vừa qua.

Một thành viên trong HTX Evergowth thừa nhận: Bắt nhịp khôi phục SX nhưng người chăn nuôi đối mặt khó khăn, vì giá sữa thấp trong khi giá thức ăn gia súc tăng. Đối với các hộ duy trì đàn bò 5-6 con/hộ còn có lãi. Một số hộ nuôi 1-2 con/hộ lượng sữa ít, lãi không bao nhiêu. Song, nếu hộ nuôi bò sữa đứng riêng lẻ  càng khó khăn hơn.

Từ năm 2016 HTX Evergowth đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc với công suất 40-50 tấn/ngày, chủ yếu nhằm cung cấp cho các hộ thành viên nuôi bò sữa trong HTX với giá rẻ hơn so với mua thức ăn chăn nuôi bên ngoài từ 10-20%. Dù vậy, hiện thời mức giá thức ăn gia súc gần 10.000 đ/kg, chiếm khoảng 50% giá thành sữa tươi nguyên liệu. Tính theo định mức thức ăn chăn nuôi 400 gram cho 1 kg sữa, cộng thêm chi phí vật tư khác giá thành sữa đã trên 10.000 đ/kg. Tuy nhiên, mặt được là phần đông bà con hộ thành viên trong HTX vẫn cố gắng duy trì đàn bò. Đầu ra tiêu thụ sữa nguyên liệu đưa về nhà máy chế biến ổn định.

Dấu ấn tiến lên

Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh cư quen nghề chăn nuôi bò từ lâu đời. Trước đây nông dân vùng nông thôn chủ yếu nuôi bò cho việc đồng áng và lấy  thịt. Từ khi các tỉnh trong vùng ĐBSCL triển khai các chương trình phát triển chăn nuôi, trong đó Dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng do Tổ chức CIDA (Canada) tài trợ đánh dấu năm 2004 HTX Nông nghiệp Evergrowth ra đời. Ban đầu HTX có trên 470 con bò sữa với hơn 170 thành viên.

Nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Chăn nuôi bò sữa trong nông hộ khác với chăn nuôi đàn gia súc của trại chăn nuôi qui mô lớn. Mỗi hộ nuôi bò phải tự lực nhiều mặt. Các hộ thành viên tham gia HTX buổi đầu còn nhớ, bỡ ngỡ vì nuôi bò sữa dạng gia đình khác với nuôi bò thịt theo tập quán cũ. Nhưng từ khi vào HTX bà con được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, lấy sữa. Từ chọn con giống, cách xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, phòng trị bệnh, sinh sản của bò. Hộ nuôi bò được hỗ trợ vay vốn và lo nâng cao chất lượng sữa. Về phần HTX lo đầu ra, đảm bảo tiêu thụ sữa ổn định và thu nhập của các hộ thành viên.

Hoạt động đúng hướng, qui mô sản xuất HTX lớn mạnh dần với sự tham gia đông đảo của hàng ngàn hộ thành viên. Số hộ nuôi bò sữa có lúc đỉnh điểm tăng lên trên 2.600 hộ thành viên, nâng tổng đàn bò lên 7.000 con. Dù vậy, thị trường sữa bò nguyên liệu có những lúc thăng trầm. Có thời điểm giá sữa xuống thấp, người chăn nuôi bán sữa không có lãi. Một số hộ thành viên chán nản muốn bán bò, bỏ nghề hoặc xin tách ra lập nhóm riêng tự tìm đầu mối khác tiêu thụ sữa. Dù vậy, dựa trên nền tảng vững chắc đa số thành viên vẫn kiên trì trụ lại dưới mái nhà chung HTX và cùng vạch ra kế hoạch vượt khó, mở hướng đi tới.

Từ khi có nhà máy chế biến sữa, HTX EverGrowth đã hoàn thiện chuỗi SX khép kín từ khâu chăn nuôi bò, cung cấp thức ăn và tiêu thụ, chế biến sữa bán ra thị trường, tạo giá trị gia tăng không chỉ cho HTX mà cho cả hàng ngàn hộ nông dân thành viên.

Tiếp sau khi xây dựng nhà máy thức ăn gia súc, đánh dấu bước tiến mới 15 năm hoạt động, các thành viên HTX Evergrowth tham gia góp vốn cổ phần cùng với các cổ đông chiến lược làm chủ đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa mang tên Evergrowth tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng). Nhà máy sữa được lắp đặt dây chuyền thiết bị tiên tiến từ châu Âu, công suất chế biến 80 tấn sữa tươi/ngày, tổng vốn đầu tư 12 triệu USD.

HTX có xe chở sữa chuyên dụng thu mua chở về nhà máy. Mỗi ngày nhà máy tiếp nhận sữa bò nguyên liệu từ các hộ thành viên tại 5 điểm tập kết ở các địa phương. Thu mua sữa ổn định với mức giá cao hơn bên ngoài thị trường từ 5 - 10%. Mỗi hộ nuôi bò sữa bán về nhà máy được cấp mã số, quét qua máy đọc ghi nhận các chỉ số về địa chỉ hộ chăn nuôi, số lượng sữa bán. Bộ phận thu mua sữa lấy mẫu sữa kiểm tra và lưu trữ. Sau 15 ngày, HTX chuyển tiền qua thẻ tài khoản ngân hàng cho các hộ chăn nuôi.

Nông dân thành viên bán bò sữa cho HTX Evergrowth. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân thành viên bán bò sữa cho HTX Evergrowth. Ảnh: Hữu Đức.

Đường mở ra phía trước

Hơn 20 năm trước, các tỉnh vùng ĐBSCL định hướng mở rộng phát triển chăn nuôi, tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp mở rộng qui mô đàn gia súc, gia cầm. Trong chăn nuôi trâu bò, một số tỉnh không chỉ khuyến nông nuôi bò thịt mà còn đưa về thử nghiệm nhiều giống bò sữa mới cho các trang trại và nông hộ.

Thế nhưng sau một vài năm phong trào nuôi bò sữa lắng dần. Qua phân tích nguyên do có yếu tố giống bò sữa nhập nội chưa thích nghi, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật. Hơn nữa, điều kiện tiên quyết là lúc bấy giờ ở các tỉnh trong vùng chưa có nhà máy chế biến sữa bò.

Trong khi đó cho đến nay ở Sóc Trăng là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL duy trì đàn bò sữa lớn nhất vùng và không ngừng phát triển ổn định cho đến nay. Nghề nuôi bò sữa là một trong những phương cách giúp nông dân hiện thực hóa giấc mơ xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Nuôi bò sữa đã trở thành chương trình ưu tiên hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng.

Nuôi bò sữa qui mô nông hộ ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Nuôi bò sữa qui mô nông hộ ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Ngay từ ngày đầu tổ chức SX, liên kết nông dân, HTX nông nghiệp muốn phát triển lớn mạnh nhất định phải đổi mới cách làm, liên kết mở rộng thị trường. HTX Bò sữa Evergrowth từ số vốn ban đầu vỏn vẹn hơn 170 triệu đồng, đến nay nguồn lực trong tay trên chục tỷ đồng. Sau khi kết thúc năm tài chính, HTX chia sẻ lợi nhuận 60% cho các thành viên, 40% HTX dành cho quỹ phúc lợi, quỹ khuyến học và một phần quỹ tái đầu tư.

Theo ban giám đốc HTX, trước thị trường sữa bò dự báo đầy tính cạnh tranh, HTX nhận định phải không ngừng cải tiến nâng cao năng lực, kỹ thuật SX cho các hộ thành viên. Chú trọng tìm giống bò sữa tốt, cải thiện dinh dưỡng để nâng cao sản lượng và chất lượng sữa bò. Tùy theo tình hình thị trường, HTX tiếp cận cơ hội thuận lợi, phát triển thêm thành viên, tăng tổng đàn bò để hạ giá thành SX, nâng cao lợi nhuận cho các hộ thành viên là mục tiêu hướng tới.

Anh Huỳnh Giang Lam, Phó Giám đốc HTX Evergrowth cho rằng: Đợt dịch Covid-19 là thách thức và tác động mạnh đến nghề nuôi bò sữa, song đó chỉ là khó khăn nhất thời. May mắn hơn là trong những tháng cao điểm mùa dịch vừa qua sản phẩm sữa tươi nguyên liệu của tất cả các hộ thành viên HTX vẫn tiêu thụ ổn định. Rõ ràng nghề nuôi bò sữa qui mô nông hộ không thể làm ăn riêng lẻ.

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.