Nghề khâu nón giải quyết lao động nông nhàn. |
Theo ông Phạm Như Lâm, Phó Bí thư Chi bộ Mão Cầu: Thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất nón lá từ năm 2003. Hiện tại mỗi ngày cơ sở này có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường được 2.000 chiếc nón các loại, tương ứng thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ngày. Vào những tháng nông nhàn, lượng nón làm ra ở đây có thể tăng lên gấp đôi. Nhờ có nghề khâu nón mà bộ mặt thôn quê Mão Cầu đang khởi sắc từng ngày.
Chị Phạm Thị Dung (thôn Mão Cầu) cho biết: 1 ngày 1 lao động chỉ khâu được 2 chiếc nón, trừ chi phí mua nguyên vật liệu, công lao động chỉ được 50.000 đồng/ngày, quá ít so với làm các ngành nghề truyền thống khác, nhưng kiến tha lâu sẽ đầy tổ, vì công việc rất nhẹ nhàng, kỹ thuật sản xuất đơn giản, ai cũng có thể khâu được nón, lại làm việc tại nhà không phải dãi nắng dầm mưa, không phải lo tiêu thụ sản phẩm và có thể ứng trước vật tư sản xuất, đặc biệt còn kết hợp chăm lo quán xuyến gia đình, quản lý con cái, để chồng yên tâm đi làm các dịch vụ lao động có thu nhập cao.
Nét mới trong nghề khâu nón ở Mão Cầu hiện nay là: Đã hình thành các dịch vụ chuyên cho từng công đoạn sản xuất, như dịch vụ chuyên là lá nón, chuyên chẻ vót nẹp, chuyên hoàn thiện sản phẩm, chuyên mua gom đưa đi tiêu thụ...
Theo đó người làm nghề chỉ chuyên ngồi khâu, mọi nhu cầu cho sản xuất nón đều có dịch vụ cung ứng tại nhà. Nhờ vậy số lượng nón làm ra từ Mão Cầu ngày càng nhiều hơn, đẹp hơn và bền hơn.
Bên cạnh loại nón khâu dày dặn đáp ứng cho nhu cầu của tầng lớp bình dân, còn có nón khâu theo đặt hàng của những người có thu nhập cao. Loại nón này thường phải chọn nguyên liệu sản xuất rất cầu kỳ, lá nón phải non hơn trắng hơn, đường kim mũi chỉ cũng sắc nét hơn, bên trong nón còn được bố trí thêm nhiều họa tiết, hoa văn sinh động, nói chung là rất bắt mắt, khi đội sẽ tôn thêm nét đẹp của người phụ nữ.
Ông Phạm Như Nhất – Phó thôn Mão Cầu cho hay: Nghề khâu nón được du nhập về Mão Cầu từ tỉnh Hà Đông (cũ) vào đầu thế kỷ 20. Thời kỳ sản xuất bao cấp, làng Mão Cầu đã khâu nón cho thương nghiệp lấy điểm qui đổi ra thóc ăn. Khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, nghề khâu nón được thương mại hóa, tuy giá trị thu nhập không cao, nhưng đã giúp các gia đình có thêm tiền tiêu vặt, để có thể “bỏ ống” các nguồn dư từ lợn gà, lúa gạo.
Mặt khác, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn mũ vải, mũ cối hay mũ nan, để chắn nắng che mưa, nhưng vẫn không thay thế hoàn toàn được nón lá. Vì nón lá có nhiều lợi thế như tiện dụng, rẻ tiền, thân thiện môi trường, gần gũi với nhà nông, ra mưa không ẩm mốc, thấm ướt như mũ vải và thoáng mát hơn nhiều loại mũ khác, khi cần có thể thay thế cho quạt nan, quạt mo, nón còn được coi là vật dụng không thể thiếu của các mẹ các chị.
Khâu nón là việc làm rất phù hợp cho người già yếu, người hết tuổi lao động và một số người khuyết tật khác. Có thể nói, đội nón lá là bản sắc văn hóa riêng của người Việt, là nét duyên của thiếu nữ. Một số chính khách nữ ở nước ngoài khi tới thăm Việt Nam cũng từng thử đội nón lá. Tới đây đời sống xã hội được nâng cao hơn nữa, giá trị của của nghề khâu nón cũng sẽ được tăng cao. Qua đó, nghề sản xuất nón lá sẽ không chỉ trường tồn ở Mão Cầu, mà cả ở những làng nghề khâu nón khác trong cả nước.
Đi thăm khắp làng nghề Mão Cầu chúng tôi thấy, hầu như gia đình nào cũng có người ngồi khâu nón. Không chỉ phụ nữ, bà già, em nhỏ, mà có cả một số cụ ông cũng tham gia khâu nón. Khâu nón tại mọi lúc mọi nơi có thể (trong nhà, sân đình, dưới bóng mát tán cây và trên đồng kết hợp với chăn thả trâu bò. Đó đây đang vút lên câu hò tiếng hát của những người khâu nón. Thôn quê thật thanh bình và đáng sống. |