| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Bình Minh chuyển từ bán gạo kiểu hàng xén sang có thương hiệu

Thứ Bảy 10/12/2022 , 19:25 (GMT+7)

Đó là nhận xét của ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tại lễ công bố nhãn hiệu tập thể 'Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai'.

Theo ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội trước đây nông dân quen bán gạo kiểu hàng xén, đóng vào những bao tải trắng nên không tạo được nhiều giá trị gia tăng. Nay với nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” là đã có tên, rồi theo đó tuổi sẽ được lớn lên cùng năm tháng, tích lũy được những giá trị vô hình mà trước đó bà con nhiều khi cũng không ngờ được.

Phải có quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể đó, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, có liên kết vùng, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, làm bao bì nhãn mác sao cho thật đẹp. Cuối cùng là nông nghiệp nên tích hợp đa giá trị, kết hợp với du lịch trải nghiệm mà điểm nhấn ở Bình Minh đó chính là cây trôi 2.000 năm tuổi mọc giữa cánh đồng, là những không gian xanh, sạch để cho người dân thành phố tìm đến, thư giãn.

Ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể 'Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai' cho HTX Nông nghiệp Bình Minh. Ảnh: Ánh Ngọc.

Ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” cho HTX Nông nghiệp Bình Minh. Ảnh: Ánh Ngọc.

Chứng kiến những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của những người dân Bình Minh tôi cũng thấy vui lây. Không vui sao được khi những hạt gạo trắng trong, căng tròn đặc trưng của giống lúa Japonica J02 đựng trong những bao bì khá bắt mắt với biểu tượng cây trôi 2.000 năm tuổi giữa cánh đồng vàng, trưng bày ngoài sảnh được các đại biểu rất chú ý, ngợi khen. Không vui sao được khi sản phẩm đó chứa đựng bao mồ hôi, công sức của nông dân trong cái rét tê tái của vụ lúa xuân, trong cái nóng nung người của vụ lúa hè được bán với cái giá mà họ cũng không dám mơ tới 25.000đ/kg.

Tiết mục tự biên tự diễn của Bình Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiết mục tự biên tự diễn của Bình Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Câu chuyện bắt đầu từ 2 năm trước, khi Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cùng các xã, HTX tổ chức 31 lớp tập huấn kỹ thuật cho 1.344 nông dân; tổ chức cho 32 cán bộ HTX và nông dân tham gia các lớp đào tạo về quy trình thâm canh lúa chất lượng theo VietGAP, hữu cơ; phơi sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản cũng như xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi liên kết.

Kết quả là Trung tâm đã xây dựng được 6 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa an toàn, VietGAP, hữu cơ tại 6 xã, HTX với quy mô 850 ha, với tổng số 2.482 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất. Để chứng nhận sản xuất lúa theo an toàn, VietGAP, ngay từ đầu vụ Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO và Công ty Cổ phần khoa học và công nghệ NATEK hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện quy trình: Tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm để phân tích đánh giá chất lượng đất, nước, sản phẩm trong vùng sản xuất.

Bó lúa đặc trưng của J02. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bó lúa đặc trưng của J02. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm tại các điểm sản xuất các chỉ tiêu về hàm lượng các kim loại nặng trong đất (Asen, Cadimi, chì, đồng, kẽm, Crom) trong nước (Asen, Cadimi, chì, thuỷ ngân) đều nằm trong ngưỡng cho phép, sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV. 100% diện tích sản xuất đều đảm bảo an toàn chất lượng, đã cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa theo VietGAP cho 220 ha. Năng suất lúa nếp cái hoa vàng đạt 4,5 tấn/ha; năng suất lúa chất lượng bình quân đạt 5,8 – 6,3 tấn/ha/vụ. Giá trị sản phẩm lúa đạt 55,67 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đạt 24 tỷ đồng/855 ha.

Để cho các sản phẩm lúa, gạo của các HTX khi lưu thông trên thị trường không bị nhái, giả, tăng tính cạnh tranh trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ, các đơn vị tư vấn và phòng Kinh tế huyện Thanh oai đã xác lập được 3 quyền nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” xã Tam Hưng, “Gạo Bồ nâu” xã Thanh Văn và “Gạo chất lượng cao Bình Minh”. Xây dựng được 1 chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mang nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối khê” cho HTX NN xã Tam Hưng – Thanh Oai.

Sản phẩm cuối cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm cuối cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến nay sản phẩm “Gạo thơm Bối khê” của đơn vị với chủ lực là các loại gạo Bắc thơm số 7, nếp cái hoa vàng đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm tiêu thụ ngày một tăng. Mỗi năm HTX tiêu thụ được 250 - 300 tấn gạo. Kết nối với 5 doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là Công ty cổ phần giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH lương thực Long Vũ, Công ty Đông Sơn, Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Khang Long, Công ty Mỹ Loan, để tiêu thụ được hơn 50% sản lương thóc tươi cho các  HTX, số còn lại nông dân để dùng cho gia đình.

Các HTX đã dần sử dụng các giống lúa chất lượng cao như J02, Đài thơm 8, HD11… thay thế cho giống lúa Bắc thơm số 7, góp phần hạn chế đáng kể tình hình dịch hại trên đồng ruộng, đặc biệt là bệnh bạc lá. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 1 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn thành phố đạt trên 80%, qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.