| Hotline: 0983.970.780

Cây lúa Nhật trên đất ngàn năm văn vật

Thứ Tư 07/12/2022 , 10:19 (GMT+7)

Tỷ lệ lúa chất lượng cao nói chung và lúa Nhật nói riêng của Hà Nội mấy năm gần đây hơn hẳn nhiều tỉnh khác một phần là sự mạnh dạn trong chính sách

Đơn vị đầu tàu

Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội làm đầu mối để thực hiện chương trình sản xuất lúa Nhật (Japonica) và lúa chất lượng cao. Năm 2022 đơn vị này đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức lớp đào tạo nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho 35 cán bộ HTX và nông dân tham gia kế hoạch. Qua  đào tạo học viên đã nắm vững được quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản lúa gạo chất lượng cao theo VietGAP, hữu cơ; Kỹ năng xây dựng chuỗi liên kết và các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi; Hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và cách duy trì chuỗi liên kết để đảm bảo sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được bền vững; Xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu lúa gạo…

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Công ty CP sông Đà Kinh Bắc và các xã, HTX tổ chức 50 lớp tập huấn cho hơn 1.500 nông dân tại tham gia kế hoạch. Từ đó Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa và 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa - cá tại 19 xã thuộc 8 huyện với tổng diện tích 1.117 ha. Cụ thể gồm 60 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, 5 ha lúa thảo dược, 12 ha lúa – cá, 300 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 740 ha sản xuất lúa an toàn.

Về cơ cấu giống lúa: HD11 (40,7%), Đài thơm 8 (29,0%), lúa J02 (17,2%), RVT (6,3%), HDT10 (6,3%), Bách hợp (0,5%). Về năng suất, lúa an toàn, VietGAP bình quân vụ xuân đạt 6,0 – 6,7 tấn/ha, vụ mùa đạt 6,0 – 6,4 tấn/ha; Năng suất lúa hữu cơ đạt 5,6 – 5,8 tấn/ha; Năng suất lúa thảo dược vụ xuân đạt 4,7 – 4,8 tấn/ha; Tổng sản lượng lúa Japonica và lúa chất lượng đạt 6.800 tấn.

Empty

Mô hình lúa hữu cơ ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tư liệu.

Hiệu quả kinh tế của lúa Japonica đứng đỉnh bảng, đạt bình quân 27,3 triệu đồng/ha/vụ; lúa Đài thơm 8, DH11, HDT10 đạt bình quân 23,4 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với lúa Khang dân 18 từ 10 - 15 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả về xã hội, về môi trường còn lớn hơn thế nhiều bởi tạo ra sản phẩm an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế; Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về giảm sử dụng phân bón hóa học, hoá chất nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái.

Về công tác quản lý, truy xuất, cấp giấy chứng nhận sản phẩm, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, phân tích mẫu, chứng nhận VietGAP, hữu cơ và các HTX quản lý vùng trồng. Phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm để phân tích đánh giá chất lượng đất, nước, sản phẩm trong vùng sản xuất.

Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm tại điểm sản xuất các chỉ tiêu về hàm lượng các kim loại nặng trong đất (Asen, Cadimi, chì, đồng, kẽm, Crom) trong nước (Asen, Cadimi, chì, thuỷ ngân) đều nằm trong ngưỡng cho phép, sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV. 100% diện tích sản xuất đều đảm bảo an toàn chất lượng.

Hà Nội đã phối hợp với Công ty Cổ phần khoa học và công nghệ NATEK giám sát quy trình sản xuất; Tư vấn, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm…Kết quả năm 2022, 100% diện tích đăng ký sản xuất VietGAP, hữu cơ đều được cấp giấy chứng nhận.

Để khắc phục tình hình bất cập trong quản lý chất lượng nông sản hiện nay, nhằm minh bạch hóa sản phẩm, chống gian lận, Trung tâm tiếp tục phối hợp cùng Liên hiệp hợp tác xã kinh tế số Việt Nam đưa công nghệ 4.0 vào quản lý vùng sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến trên quy mô 20 ha. Ở đó, quản lý, giám sát vùng trồng bằng camera tự động, cập nhật quy trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử. Chứng minh khả năng quản lý, giám sát chuỗi sản xuất theo thời gian thực tới tận hộ, lô sản xuất, từ các khâu vật tư, giống đầu vào, quá trình canh tác cho tới khi thu hoạch có sự giám sát, xác thực của bên thứ ba, của cơ quan quản lý nhà nước; Áp dụng tem QRcode, công nghệ phòng trừ dịch hại bằng máy bay không người lái…

Empty

Các mẫu lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Trung tâm đã triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” cho HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Hỗ trợ 20.000 túi đựng gạo, 20.000 tem nhãn, chỉ đạo HTX đầu tư lắp đặt hệ thống máy xay xát, đóng gói, tiêu thụ được hơn 100 tấn thóc J02 hữu cơ và 20 tấn thóc thảo dược Bách Hợp. Hỗ trợ 3 cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao tại các quận nội thành Hà Nội để quảng bá, xúc tiến thương mại.

Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất được bền vững, nên ngay từ đầu vụ Trung tâm đã kết nối các doanh nghiệp vào ký kết bao tiêu sản phẩm và triển khai chỉ đạo các HTX xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã có 5 doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư và phát triển nghiệp Bắc Hải, Công ty Long Vũ, Công ty Khang Long, Công ty Mỹ Loan với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn lúa tươi, số còn lại nông dân để dùng cho gia đình.

Tuy nhiên thực tế mà nói công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân vẫn còn chưa đảm bảo với nhu cầu của sản xuất. Sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là bởi lãnh đạo một số HTX còn ngại khó khăn, chưa làm tốt công tác quản lý mô hình, tuyên truyền vận động, thuyết phục nông dân; Tư tưởng chủ quan nhận thức về ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa đầy đủ của một vài cơ sở cán bộ xã, HTX gây khó khăn, trở ngại cho việc quản lý, chỉ đạo, phối hợp của Trung tâm; Các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, người dân không tuân thủ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ảnh hưởng lớn đến liên kết chuỗi…

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đào tạo nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho 35 nông dân tham gia thực hiện kế hoạch; Tập huấn được 3.000 nông dân, giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao an toàn, hiệu quả; Xây dựng được 15 - 20 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để đông đảo người dân trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao của Hà Nội.

Ấn tượng của một chủ doanh nghiệp giống

Chị Nguyễn Thị Tâm-Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam-đơn vị cung ứng giống lúa Nhật (Japonica) J02 nhận định Hà Nội đang đứng số một cả nước về sự quan tâm đến lúa gạo chất lượng, là địa phương đầu tiên áp dụng đại trà lúa Nhật với những dự án, hỗ trợ bài bản: “Lúc đầu chúng tôi đưa giống vào huyện Ứng Hòa khá dễ dàng, một phần do dân trí cao, một phần là lãnh đạo địa phương rất mạnh dạn. Sau vụ thử nghiệm, vụ tiếp Ứng Hòa đã mở rộng ra 2.000 ha. Từ việc phải hỗ trợ giống để ”mồi”, chính thức vụ xuân 2019 huyện đã ngưng hỗ trợ, thế nhưng diện tích cấy giống J02 đã không những giảm mà còn tăng, đạt khoảng 3.000 ha.

Empty

Chị Nguyễn Thị Tâm-Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam (bên phải) đang kiểm tra lúa J02. Ảnh: NNVN.

Từ Ứng Hòa lúa Nhật lan tỏa ra nhiều huyện lân cận, bộ giống lúc đầu khá đa dạng, sau đó chọn lọc dần loại thích hợp nhất. Những năm đầu J02 còn cần hỗ trợ tới 200 tấn giống/năm, về sau kể cả khi Nhà nước cắt bớt kinh phí đi dân vẫn tự mua rất nhiều. Hướng đi đúng, cộng có kinh phí lên Hà Nội “đánh” mạnh, ào ạt giúp cho chương trình lúa chất lượng cao nói chung và lúa Nhật nói riêng lan tỏa nhanh, có nhiều nơi đã xây dựng được sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.

Như HTX Đoàn Kết lúc đầu chỉ làm lúa với một số xã ở huyện Ứng Hòa giờ còn tỏa ra thuê cả đất ở tỉnh Vĩnh Phúc để hợp tác, liên kết trồng cả hai vụ xuân và mùa. Như huyện Ba Vì lúa Nhật cũng rất phát triển, dù không có hỗ trợ nhưng các đại lý vẫn nhận giống về để đáp ứng nhu cầu của dân. Nhiều tỉnh, thành lại về Hà Nội để mua lúa gạo chất lượng cao, mà cụ thể là Phú Thọ-cái nôi của J02 nhưng diện tích trồng không nhiều, nhu cầu tiêu dùng lớn nên rất thiếu, hàng vụ vẫn phải đặt thêm hàng”.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...