“Tuổi nghỉ hưu sẽ không được bàn trong Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) nữa” - TS Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho biết tại hội nghị đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH, được Ủy ban Các vấn đề xã hội tổ chức ở Hà Nội ngày 1-8.
Như vậy, câu chuyện liên quan đến đề nghị kéo dài tuổi hưu tạm thời được gác lại, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tập trung điều chỉnh các chính sách cho đối tượng tham gia, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Theo các phương án được trình bày, nông dân hoàn toàn có thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
“Qua thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc cần có biện pháp thúc đẩy mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc Nhà nước hỗ trợ một phần tiền. Theo ý kiến của một số chuyên gia tính toán, dự kiến mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo bình quân của khu vực nông thôn và thành thị theo từng thời kỳ, mức đóng cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở” - ông Lợi cho hay.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân - nguyên vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - đề xuất quy định rõ đối tượng được hỗ trợ “là những người lao động cư trú ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp, sống chủ yếu bằng ruộng vườn”.
Bình luận về đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói: “Nông dân cũng có người giàu người nghèo, người có điều kiện sẽ chọn mức đóng cao hơn để về già nhận lương hưu cao hơn. Tôi đề nghị quy định nhiều mức đóng BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ nhóm người lựa chọn mức đóng thấp nhất”.
Theo bà Mai, nếu lựa chọn mức chuẩn nghèo là mức thấp nhất để đóng BHXH thì lương hưu của nông dân tuy thấp nhưng vẫn còn cao hơn mức trợ cấp xã hội (hiện nay mức trợ cấp xã hội cho người từ 80 tuổi trở lên không có thu nhập là 180.000 đồng/tháng).
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết qua thực tế nông dân tham gia BHXH tự nguyện ở Nghệ An thì mức hưởng hiện nay là 640.000 đồng/tháng. “Mức này còn ít nhưng các cụ rất phấn khởi” - ông Lợi nói.
Ông Lợi còn đề nghị “bổ sung vào Bộ luật hình sự hai tội danh: một là trốn đóng BHXH, hai là chiếm dụng quỹ BHXH”.
Ông Mai Đức Chính - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - ủng hộ quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. “Quy định này nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH và tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật ký nhiều hợp đồng lao động dưới 3 tháng để trốn đóng BHXH” - ông Chính giải thích. Theo ông, hiện nay số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có khoảng 16 triệu người nhưng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,6 triệu người. Như vậy còn khoảng 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, bảo hiểm y tế khoảng 56.000 tỉ đồng/năm, đây là thất thoát lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội TRƯƠNG THỊ MAI: Hàng triệu người lao động sẽ không có lương hưu Năm 2013, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước có khoảng 53,69 triệu người. Kết quả thực hiện chính sách BHXH cho thấy đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Nhìn chung, tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, tức là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người khi về già. |