| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đổi đời nhờ gắn sản xuất với du lịch trải nghiệm

Thứ Hai 14/10/2024 , 06:36 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã mang đến những đổi thay tích cực tại Hải Phòng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Ruộng, vườn thành điểm du lịch

Năm biệt lập, xung quanh bốn bề là biển, với diện tích 6.817ha xã Việt Hải như một bức tranh sơn thủy hữu tình với thung lũng rộng 141ha, có núi rừng hùng vĩ, đất đai màu mỡ và suối chảy róc rách quanh năm. Nhờ vào lợi thế hiếm có này, những năm gần đây, xã đảo này đang trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm khu vực nông thôn kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Khách du lịch trở lại Việt Hải ngay sau khi bão số 3 vừa qua, bất chấp mọi thời tiết. Ảnh: Đinh Mười.

Khách du lịch trở lại Việt Hải ngay sau khi bão số 3 vừa qua, bất chấp mọi thời tiết. Ảnh: Đinh Mười.

Khác với những điểm du lịch ồn ào, chật chội, Việt Hải vẫn giữ trọn vẹn nét hoang sơ, môi trường trong lành, xanh mát. Sự hiếu khách, thật thà chất phác của người dân địa phương mang đến cho du khách cảm giác ấm áp, thân thiện mỗi khi đặt chân đến đây.

Theo thống kê, gần đây, trung bình mỗi năm, Việt Hải đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng, quá đó đưa du lịch thành nguồn thu chính cho người dân.

Trước đây, xã Việt Hải từng chìm trong khó khăn do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng ngập lụt thường xuyên. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch gắn với các hoạt động sản xuất đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Anh Trần Văn Vịnh, quản lý cơ sở du lịch Làng sinh thái Việt Hải, chia sẻ, do đặc thù là vùng di sản, nên việc phát triển du lịch được đơn vị hướng đến là các sản phẩm gắn với sinh thái, thiên nhiên, là các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gần gũi.

Mô hình mà cơ sở đang triển khai gồm chăn nuôi, xay thóc, giã gạo, trồng mía, cấy lúa, chăn nuôi,... là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đã thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Anh Trần Văn Vịnh đang nuôi đàn lợn rừng để phục vụ du lịch trải nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Trần Văn Vịnh đang nuôi đàn lợn rừng để phục vụ du lịch trải nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

“Đây là vùng di sản nên muốn phát triển các mô hình du lịch hiện đại rất khó. Do đó chúng tôi nghĩ ra các mô hình du lịch trải nghiệm về du lịch nông nghiệp, nông thôn vừa phù hợp với thực tế, chủ trương, lại được khách du lịch quốc tế thích thú. Tạo nguồn thu cho cơ sở chúng tôi rất tốt”, anh Vịnh cho hay.

Bà Vũ Thị Hồng Gấm - Tổ trưởng một tổ hợp tác trồng rau hữu cơ chia sẻ, nhóm trồng rau này được thành lập sau khi Câu lạc bộ nông dân làm du lịch ra đời, có 6 thành viên, đều đã đứng tuổi, canh tác tại khu đất rộng khoảng 1 ha.

Quá trình hoạt động, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng người dân bằng cách tạo điều kiện thuận lợi, trong khi đó các công ty lữ hành hỗ trợ thiết bị, dụng cụ và phân bón phục vụ sản xuất. Những vườn rau này không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch cho du khách mà còn cung cấp nguồn rau sạch cho các du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ với giá trị cao.

"Chúng tôi hoạt động đã hơn 1 năm, nhờ có sự ủng hộ của chính quyền và hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp lữ hành nên mọi thứ đang rất tốt, hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần như trước kia", bà Gấm chia sẻ.

Những vườn rau phục vụ du lịch ở Việt Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Những vườn rau phục vụ du lịch ở Việt Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Năm 2023, xã đảo Việt Hải đã đón hơn 64.000 lượt khách và năm 2024, dù mới qua 9 tháng nhưng đã có tới hơn 83.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Dự kiến năm 2024, xã đảo Việt Hải đón 100.000 lượt khách, thu nhập bình quân đầu người vượt 90 triệu đồng/năm.

Nông dân trở thành hướng dẫn viên

Ngoài những thành công bước đầu, khách quan nhìn nhận các mô hình du lịch trải nghiệm tại đây vẫn còn hạn chế, cách hoạt động chưa đồng bộ, chủ yếu tự phát, thiếu bài bản và chưa phát huy hết tiềm năng.

Để khắc phục những hạn chế này, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và lựa chọn những hộ gia đình có mô hình du lịch dịch vụ hiệu quả, quy mô. Đồng thời, tập hợp những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu về du lịch để thành lập Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch” vào năm 2023.

Với 22 thành viên, Câu lạc bộ đã hoạt động sôi nổi với các buổi sinh hoạt thường xuyên, các thành viên được trang bị kỹ năng phục vụ du khách, thống nhất mức giá dịch vụ minh bạch, cùng nhau xây dựng một dịch vụ du lịch văn minh.

Những vườn rau không chỉ phục vụ nhu cầu trải nghiệm mà còn là nguồn cung ứng cho các du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ. Ảnh: Đinh Mười.

Những vườn rau không chỉ phục vụ nhu cầu trải nghiệm mà còn là nguồn cung ứng cho các du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ. Ảnh: Đinh Mười.

Kết quả của những nỗ lực này là một hệ thống dịch vụ du lịch được kết nối, phát triển mạnh mẽ và nguồn thu ổn định cho người dân, trung bình hàng tháng, mỗi thành viên đều có thu nhập giao động từ 20-30 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho biết, Việt Hải có sức hút đặc biệt với đầy đủ các loại hình du lịch, khung cảnh non nước hữu tình, có núi đá vôi, biển, rừng và cả hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Ngoài diện tích trên đảo, toàn bộ khu vực vịnh Lan Hạ cũng thuộc địa bàn của xã nên dư địa để phát triển các hoạt động du lịch rất lớn.

Riêng với sản xuất nông nghiệp, thách thức lớn nhất của sản xuất nông nghiệp ở xã Việt Hải chính là những đợt ngập lụt hàng năm, khiến 2/3 diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào tháng 5, tháng 6. Điều này khiến người dân e ngại đầu tư vào nông nghiệp và nguồn cung thực phẩm chủ yếu vẫn phải dựa vào bên ngoài.

Du khách nước ngoài thích thú với dịch vụ cá massage chân. Ảnh: Đinh Mười.

Du khách nước ngoài thích thú với dịch vụ cá massage chân. Ảnh: Đinh Mười.

Để phát huy lợi thế sẵn có, xã Việt Hải đã định phát triển du lịch trải nghiệm, kết hợp với thế mạnh nông nghiệp như giã gạo, xay gạo, đánh bắt cá, cày cấy, chăn nuôi, hái quả,... để người sản xuất nông nghiệp có nguồn thu từ các dịch vụ du lịch. "Chúng tôi hướng đến thu hút các nhà đầu tư du lịch, xây dựng mô hình phù hợp với thế mạnh của địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái và nông nghiệp", ông Nguyễn Phi Hùng chia sẻ thêm.

Rời xã đảo Việt Hải, chúng tôi có nhiều thứ tiếc nuối, nhiều thứ ấn tượng nhưng thú vị nhất có lẽ là sự thay đổi của những người nông dân, từ những người chất phác, với bàn tay chai sần, giờ đây lại thêm một vai trò mới, là người dẫn lối cho du khách đến với vùng đất thanh bình, thơ mộng.

Mỗi sớm mai, họ cùng nhau dọn dẹp, tô điểm cho cảnh quan quê hương, mang đến cho du khách những trải nghiệm thanh bình, yên ả trên những con đường làng rợp bóng cây xanh, những ngôi nhà cổ kính trầm mặc. Tiếng cười rộn rã của du khách là động lực, là niềm tự hào của người dân xã Việt Hải.

“Hoạt động của Câu lạc bộ nông dân làm du lịch ở Việt Hải rất bài bản, hiệu quả, hoàn toàn có thể nhân rộng. Người dân được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên nghiệp. Huyện Cát Hải đang đẩy mạnh mô hình này, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP về du lịch nông nghiệp nông thôn”, ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải đánh giá.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của địa phương, cùng với đó nâng cấp các sản phẩm đã được chứng nhận.

Bình luận mới nhất