Hội thi Khu vực III bao gồm 16 đội, chia thành 2 bảng đấu diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/8 tại Gia Lai. Cụ thể, bảng E gồm các đội Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; bảng F gồm các đội Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Sau 1 ngày tranh tài sôi nổi, Hội thi Nhà nông đua tài lần thứ V năm 2022 - Khu vực III đã kết thúc tốt đẹp.
Kết quả, các đội Quảng Nam (bảng E), Lâm Đồng (bảng F) đoạt giải Nhất; đội Bình Định và Gia Lai đoạt giải Nhì; đội Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu đạt giải Ba, các đội còn lại đạt giải khuyến khích.
Ban tổ chức còn trao giải thưởng xuất sắc nhất cho phần thi "Lời chào nông dân" cho đội Bình Định và Đồng Nai; phần thi "Nghe nông dân nói" thuộc về đội Quảng Nam và Kon Tum; phần thi "So tài nhà nông" thuộc về đội Bình Thuận và Đắk Lắk
Như vậy, 4 đội: Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Định và Gia Lai sẽ chuẩn bị bước vào vòng thi bán kết và chung kết, sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến 02/10 tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Về nơi có cái nắng, có cái gió…
Phố núi Pleiku, tỉnh Gia lai những ngày giữa tháng 8 bừng bừng không khí lễ hội. Những con đường chính dẫn vào Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố - nơi diễn ra Hội thi rực rỡ cờ phướn, băng rôn cổ động cho hội thi. Nói như ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai thì: Đăng cai Hội thi là một vinh dự, một dịp tốt cho nông dân Gia Lai được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi nông dân từ các tỉnh bạn trong khu vực. Mặt khác, quan trọng hơn là để bạn bè có thêm hiểu biết về tỉnh Gia Lai, một tỉnh miền núi ở ngã ba Đông Dương của Tây Nguyên hùng vĩ, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đang từng bước xây dựng, vươn lên trên con đường phát triển bền vững, giàu bản sắc.
Giới thiệu về địa phương mình, đội Ninh Thuận đã mang lên sân khấu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đang giúp nông dân tỉnh nhà thoát nghèo, làm giàu, như: Dưa lưới, bưởi da xanh, măng tây, nho, nha đam… mà chỉ có cái nắng, cái gió, cộng với sự cần cù của nông dân mới làm ra được, mới làm cho “xương rồng nở hoa” - như một tiểu phẩm của đội Ninh Thuận thể hiện.
Nhiều đội thi mang cả núi rừng lên sân khấu, như nhà rông, cồng chiêng, cây nêu, rượu cần, sắc phục, vũ điệu… với lời ăn, tiếng nói của “cái đồng bào giữa đại ngàn Tây Nguyên mình”.
Anh A Việt, 35 tuổi, ở thôn PhơK Klong, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho biết: Anh chỉ là hội viên nông dân thường, nhưng có biết hát, hò, được mời đi thi Nhà nông đua tài từ xã, lên huyện. Đội thi của huyện anh đoạt giải nhất nên tỉnh chọn đi thi toàn quốc luôn.
“Được về thi hôm nay, tui mừng lắm. Trong mình vỡ ra bao nhiêu là chuyện, hiểu biết thêm được bao nhiêu điều hay. Trở lại quê mình, một xã vùng sâu, giáp biên giới, tôi có nhiều chuyện kể với bà con nông dân trong thôn, xã để cùng bắt tay nhau áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, quyết tâm tạo dựng sản phẩm OCOP tại địa phương”, anh A Việt hồ hởi nói.
Ấn tượng, chuẩn bị công phu
Phát biểu bế mạc Hội thi, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi "Nhà nông đua tài toàn quốc" khu vực 3 khẳng định, Hội thi diễn ra tại tỉnh Gia Lai đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung đề ra.
"Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức Hội thi cũng như sự chuẩn bị công phu về mặt nội dung và tính nghệ thuật của các đội tuyển, chúng ta đã được chứng kiến các đội thi thể hiện sự hiểu biết về kiến thức khoa học kỹ thuật; về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phần thi diễn ra hết sức sôi nổi, hấp dẫn và bổ ích.
Thông qua hội thi này, có thể thấy rằng, nông dân các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên không chỉ cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn sáng tạo trên lĩnh vực nghệ thuật, đậm nét văn hóa vùng miền", ông Đính nói.
"Hội thi cũng đã tiếp tục khẳng định là kênh tuyên truyền sinh động và hiệu quả trong truyền tải những chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội; những kiến thức khoa học kỹ thuật, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến với đông đảo cán bộ và hội viên, nông dân.
Qua đó, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những kiến thức khoa học kỹ thuật sớm đi vào cuộc sống, được phổ biến và áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống của bà con, hội viên nông dân", ông Đính nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là nhà tài trợ chính và đồng hành cùng Hội thi từ lần thứ nhất đến nay.
Tại Hội thi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu – Bạn đồng hành của nhà nông” cũng khẳng định tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trên bước đường tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, phù hợp với xu hướng chung của hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0 bằng các hoạt động thiết thực.
Ngoài tài trợ chính cho Hội thi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã cùng các công ty thành viên như Bình Điền MeKông, Bình Điền Lâm Đồng, Bình Điền Quảng Trị mang đến cho Hội thi các hoạt động bên lề rất có ý nghĩa, phù hợp với chủ đề Hội thi như: Hỗ trợ bà con nông dân làm quen với hoạt động tương tác trực tiếp trên điện thoại thông minh smartphone bằng trò chơi quét mã QR để tham gia minigame tại Hội thi; hướng dẫn bà con cài đặt app "Canh tác thông minh" để Bình Điền có thể chăm sóc bà con một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp trong xu hướng số hóa nông nghiệp như hiện nay.