| Hotline: 0983.970.780

Nông dân nói nông sản ách tắc, cán bộ nói không

Chủ Nhật 08/08/2021 , 09:33 (GMT+7)

GIA LAI Nông dân thì nói rằng nông sản đang bế tắc đầu ra nhưng theo cán bộ Công thương thì không có chuyện tồn đọng về nông sản.

Không tiêu thụ được, gia đình ông Hùng để bơ rụng đầy vườn. Ảnh Tuấn Anh.

Không tiêu thụ được, gia đình ông Hùng để bơ rụng đầy vườn. Ảnh Tuấn Anh.

Bỏ cả vườn cây vì khó tiêu thụ

Tại tỉnh Gia Lai, người dân đang bước vào thu hoạch chôm chôm, na (mãng cầu) bơ, sầu riêng, mít Thái... Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Gia đình nhà ông Lê Công Hùng (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) có diện tích 1,5 ha trồng hơn 100 cây sầu riêng, 80 cây bơ, 200 cây đu đủ... Đến nay, chỉ có cây bơ đã cho thu hoạch nhưng do tình hình dịch bệnh nên không bán được. Không có người đến thu mua nên gia đình cũng bỏ mặc để cho bơ rụng đầy vườn.

“Năm ngoái, chỉ với 30 cây bơ bói, gia đình cũng thu về hơn 30 triệu đồng. Trong khi năm nay, sản lượng bơ tăng gấp đôi nhưng lại không có nguồn thu. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh nên các xe vận tải không thể lưu thông dẫn đến hàng hóa bị ách tắc, không thể tiêu thụ”, ông Hùng nói và cho biết, nguồn thu chính của gia đình đều trông cả vào vườn cây, giờ không bán được lấy gì mà sống, trong khi lãi vay ngân hàng vẫn phải trả.

Nhiều hộ gia đình trồng sầu riêng cũng đang lo không không tiêu thụ được. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều hộ gia đình trồng sầu riêng cũng đang lo không không tiêu thụ được. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Hùng cho biết, sau khi thất bại với cây hồ tiêu, gia đình dồn toàn lực để đầu tư cho vườn cây ăn trái với hy vọng từng bước vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, sầu riêng thì chưa đến vụ thu hoạch, trong khi bơ cho năng suất cao thì giá quá thấp khoảng 3.000-4.000 đồng/kg và cũng không bán được. Giờ đây, gia đình chỉ biết trông chờ vào cây đu đủ để sống qua ngày.

Chua chát nhìn vườn bơ booth không tiêu thụ được, ông Hoàng Thanh Nghĩa (thôn 6C, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết, năm nay gia đình trồng 5ha bơ cho sản lượng khoảng 15 tấn nhưng gần như không bán được kg nào cả. Giá bơ thời điểm hiện tại giảm chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg cũng không có thương lái đến thu mua.

Theo ông Nghĩa, bơ chủ yếu tiêu thụ ở khu vực phía nam, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp, thương lái không thể đến thu mua và vận chuyển đi được. Chính vì không bán được, anh Nghĩa đã quyết định phá bỏ hết gần 1 nửa diện tích để chuyển sang trồng khoai lang.

“Hiện nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận đều có chung cảnh ngộ khi không thể tiêu thụ trái cây. Một mùa vụ xem như mất trắng, giờ chúng tôi không biết lấy tiền đâu để trả lãi cho ngân hàng”, anh Nghĩa cho biết.

Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa) chia sẻ: “Mới đây, chúng tôi đi khảo sát thực tế trên 10 thành viên của HTX trồng các loại cây bơ, na, mít thái, sầu riêng... tất cả đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Thậm chí, có gia đình trồng hơn 200 cây na đang cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn nhưng không có người mua. Chỉ cần vài ngày nữa không bán được, cả vườn na của gia đình xem như mất trắng”.

Vườn dưa leo của ông Việt đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa biết được gia bán. Ảnh Tuấn Anh.

Vườn dưa leo của ông Việt đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa biết được gia bán. Ảnh Tuấn Anh.

Tương tự như trái cây, mặt hàng rau, củ cũng đang lao đao vì tiêu thụ không được hoặc được rất ít. Ghi nhận tại xã An Phú (TP. Pleiku) nơi có vựa rau, củ lớn nhất của tỉnh Gia Lai nhưng sức tiêu thụ thời điểm hiện tại chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Việt (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết, tình hình dịch bệnh khiến rau, củ trồng không tiêu thụ được, người dân buộc phải nhổ bỏ hết. Mới đây, gia đình tôi đã phải nhổ bỏ mấy tấn rau cải do không có người mua.

“Hiện tại với vườn dưa leo hơn 1 xào đang thu hoạch, chúng tôi vẫn chưa biết thương lái xuống thu mua với giá bao nhiêu. Thông thường như trước đây, khi thu hoạch chúng tôi biết giá ngay tại vườn, nhưng giờ thương lái đem hàng đi chúng tôi mới biết giá”, ông Việt nói và cho biết, gia đình đã đầu tư vào vườn dưa leo, đậu cô ve, rau cải hết gần 100 triệu đồng nhưng thu về chưa được bao nhiêu.

Dạo quanh khu vực xã An Phú, nơi tập trung rất nhiều thương lái thu mua, chúng tôi ghi nhận thị trường tiêu thụ cũng khá ảm đạm.

Ông Nguyễn Quốc Toản (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết, các mặt hàng rau, củ chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh Miền trung. Nay tình hình dịch bệnh, sức mua của người dân ở các chợ giảm dẫn đến việc thương lái cũng dè dặt khi đem hàng xuống tiêu thụ.

“Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi thu mua hàng chục tấn rau, củ đem đi tiêu thụ, nhưng nay chỉ được khoảng 2 tấn”, ông Toản chia sẻ.

Khó tháo gỡ

Ông Phạm Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) cho biết, từ trước đến này, người dân trong vùng khi thu hoạch vườn cây đều có các thương lái về thu mua tại vườn.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh như hiện nay, địa phương cũng phải quản lý chặt chẽ người ra vào địa bàn, dẫn đến việc giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm cũng đang là rào cản dẫn đến việc tiêu thụ nông sản gặp ách tắc. Những năm trước, trung bình 1 kg ổi người dân bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, còn hiện nay giá thị trường chỉ 5.000 đồng nhưng cũng không ai mua.

Lý do, số lượng sản xuất ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu của thị trường lại rất ít, dẫn đến việc mua bán cũng hạn chế.

Hiện nay trên toàn xã có khoảng 70 ha trồng cây ăn trái, tập trung chủ yếu vào cây sầu riêng, bơ, ổi... với việc khó khăn trong tiêu thụ đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

“Thực tế, chúng tôi cũng đang rất loay hoay tìm ra giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân. Xã cũng đã chủ động xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó có thể cạnh tranh tốt trên thị trường”, ông Nam chia sẻ.

Nhiều hộ dân bỏ mặc bơ chín thối dưới gốc cây. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân bỏ mặc bơ chín thối dưới gốc cây. Ảnh: Tuấn Anh.

Đề cập đến vấn đề đầu ra cho nông sản, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cây ăn trái đúng là có gặp đôi chút khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nhưng hơn hết, chất lượng sản phẩm vẫn là nguyên nhân chính khiến sức tiêu thụ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, các sản phẩm không đảm bảo chắc chắn sẽ khó tiêu thụ.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ sản lượng từng loại cây ăn trái cũng như tình hình tiêu thụ sản phẩm của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho người dân thông qua việc kết nối với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân”, ông Thắm cho biết.

Cũng theo ông Thắm, trong thời gian tới, huyện sẽ điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất bằng hình thức liên kết theo chuỗi giá trị bền vững.

Hiện tại, huyện đã liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để sản xuất và tiêu thụ chanh dây cho người dân.

Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với các ngành trên địa phương để tuyên truyền để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân phân phối hàng nông sản trên địa bàn.

Không thiêu thụ được, hộ gia đình ông Nghĩa đã phá bỏ vườn bơ để trồng khoai lang. Ảnh Tuấn Anh.

Không thiêu thụ được, hộ gia đình ông Nghĩa đã phá bỏ vườn bơ để trồng khoai lang. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Văn Mão, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Gia Lai cho biết, theo báo cáo của 17 huyện, thị xã gửi đến Sở Công Thương hàng ngày thì đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có chuyện tồn đọng về nông sản.

“Nếu đúng có tình trạng nông sản khó tiêu thụ, chúng tôi sẽ có các chương trình hỗ trợ cho người dân. Cụ thể, chúng tôi sẽ kết nối với các tỉnh Miền trung và Tây Nguyên để tiêu thụ kịp thời. Nếu số lượng nông sản tồn đọng lớn, chúng tôi sẵn sàng kết nối tất cả các tỉnh trong cả nước để tiêu thụ cho người dân”, ông Mão khẳng định.

Trước tình hình thực tế người dân không tiêu thụ được nông sản, ông Mão cho biết, sau đây Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT để kiểm tra thực tế về số lượng nông sản, diện tích vườn cây để từ đó tìm hướng tiêu thụ cho người dân.

Hiện tại Sở Công Thương Gia Lai đã xây dựng đề án “Đổi mới phương thức liên kết tiêu thụ nông sản” đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi đề án này được thông qua, sản xuất nông sản sẽ hình thành các chuỗi liên kết theo hướng bền vững, khi đó người dân không còn lo ngại đến chất lượng sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.