Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 29/5, ông Lê Quang Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Rau VietGap tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, do tác động của dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi sản xuất. Vậy nên, ông mong Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất.
"Đề nghị Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản để đảm bảo, phù hợp với quy định hiện hành? Và các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân cũng được có chính sách vay vốn ưu đãi như nông dân", ông Thắng đặt câu hỏi đối thoại với Thủ tướng.
Đồng thời, ông Thắng cũng cho biết từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp.
Liên quan đến câu hỏi của ông Thắng về chính sách khoanh nợ, giãn nợ,... tại buổi đối thoại, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn và vốn cho nông nghiệp, nông dân luôn là chính sách không bao giờ ngừng nghỉ của Trung ương, Chính phủ. Nhiều chính sách bản chất cũng đều xuất phát từ nông dân.
Theo ông Tú, ngành ngân hàng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã triển khai rất nhiều chính sách về vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
"Ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư, tạo khuôn khổ pháp lý để các Tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Cùng với đó, hai lần sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành gói 350 nghìn tỷ đồng, trong đó 40 nghìn tỷ hỗ trợ 2% lãi suất. Chính sách này đã được triển khai từ 20/5. Cộng với các chính sách khác đã triển khai như giãn hoãn, kéo dài thời gian cơ cấu nợ,... sẽ là nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp, bà con nông dân", ông Tú cho hay.
Còn về việc Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có quy định về vay không cần tài sản thế chấp, theo ông Tú, Ngân hàng nhà nước trao quyền tự quyết cho các Ngân hàng thương mại cho vay hoặc là thế chấp hoặc là tín chấp.
"Việc vay vốn có cần tài sản đảm bảo hay vay tín chấp thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng, và các tổ chức tín dụng phải làm sao cung ứng vốn thuận lợi nhất cho các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên", ông Tú nói.
Sau khi ông Lê Quang Thắng có ý kiến, Này 1/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ngay lập tức ban hành công văn số 3646/NHNN-TD gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh yêu cầu xử lý khó khăn, vướng mắc của nông dân Lê Quang Thắng tại Hội nghị Thủ tướng với nông dân.
Cụ thể, trong công văn này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Quang Thắng để nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc của ông trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Từ đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ông Thắng phù hợp với quy định của pháp luật.
Báo cáo Ngân hàng Nhà nước (thông qua Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế) kết quả thực hiện trước ngày 10/6/2022.