| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Ninh tất bật xuống đồng

Thứ Năm 15/02/2024 , 19:05 (GMT+7)

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hối hả xuống đồng sản xuất, sẵn sàng cho mùa vụ sản xuất nông nghiệp mới.

Nông dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) chăm sóc rau màu. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nông dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) chăm sóc rau màu. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tại TX Quảng Yên - "vựa rau" lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, ngay từ những ngày đầu năm mới, người nông dân đã tiến hành canh tác trên các thửa ruộng. Theo bà con TX Quảng Yên, ra Xuân, nhu cầu dùng các loại rau an toàn, tươi, mới của người dân tăng cao nên từ ngày mùng 3 Tết, một số hộ dân đã ra đồng thu hái một số loại rau, như xà lách, bắp cải, su hào, hành, rau mùi, cà chua... phục vụ người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Đô (xã Tiền An, TX Quảng Yên) chia sẻ: Năm nay, tình hình tiêu thụ và giá bán rau khá ổn định nên gia đình tôi đã sớm xuống đồng chăm sóc diện tích rau vụ đông để kịp cung cấp ra thị trường.

Đối với diện tích gieo cấy lúa chiêm Xuân, TX Quảng Yên có khung gieo cấy muộn hơn so với TX Đông Triều. Năm nay do dịp Tết có đợt rét đậm, rét hại, cây mạ phát triển khá chậm do thời tiết lạnh dưới 15 độ C, nên người dân trên địa bàn đã tập trung phủ bạt ni lông để che chắn cho diện tích mạ gieo được đảm bảo. Để đảm bảo kịp thời vụ, từ trước Tết Nguyên đán 2024, phần lớn diện tích sản xuất đã được bà con đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, bừa đất, ngâm ủ đất, san mặt ruộng… sẵn sàng gieo cấy.

Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) xuống đồng thu hoạch khoai tây Atlantic. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) xuống đồng thu hoạch khoai tây Atlantic. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tại TX Đông Triều, ngay trong ngày mùng 5 và 6 Tết, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Bình Dương đã xuống đồng thu hoạch khoai tây Atlantic. Gia đình ông Bùi Văn Chanh (thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương) vui mừng khi 27 sào khoai tây của gia đình năm nay thu hoạch cho năng suất cao.

"Vụ khoai tây Atlantic năm nay, thời tiết gieo trồng khá thuận lợi kết hợp với nguồn giống đảm bảo nên cho năng suất cao, trung bình 7 tạ/sào. Cùng với đó, chất lượng củ đồng đều, mẫu mã đẹp, không bị nứt nên sản lượng thu hoạch cũng cho thu nhập cao hơn mọi năm. Gia đình tôi rất phấn khởi, với số tiền sau thu hoạch, gia đình sẽ đầu tư tái sản xuất, cùng với đó là sắm sửa vận dụng thiết yếu thêm cho gia đình, đảm bảo cuộc sống đầy đủ hơn", ông Chanh chia sẻ.

Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa vụ chiêm Xuân. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa vụ chiêm Xuân. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Cùng với gia đình ông Chanh, thời điểm này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TX Đông Triều cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch diện tích cây vụ Đông, làm đất, đổ ải chờ thời điểm thời tiết ấm áp sẽ gieo cấy đảm bảo đúng khung thời vụ.

Theo ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, năm 2024 thị xã có kế hoạch canh tác 8.375ha lúa, so với năm 2023 tăng 25ha (8.350ha). Trong đó, lúa vụ chiêm Xuân là 3.996,8ha, 95% diện tích gieo cấy là các giống lúa chất lượng cao. Cùng với khuyến khích chuyển đổi giống, thị xã tăng cường việc áp dụng cơ giới hóa, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tại khu vực miền Đông của tỉnh, do đặc thù thời tiết, thổ nhưỡng vùng núi cao nên lịch canh tác vụ chiêm Xuân muộn, dự kiến hoàn thành khâu cấy lúa vào trung tuần tháng 3. Hiện người dân các địa phương từ Ba Chẽ đến Móng Cái chủ yếu thu hoạch cây vụ Đông, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị gieo cấy.

Theo kế hoạch vụ chiêm xuân 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh gieo trồng trên 32.000ha, trong đó, trà xuân muộn chiếm hơn 96% diện tích lúa Xuân và là vụ lúa quan trọng trong năm, đến nay người nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị giống và gieo cấy. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động bố trí cơ cấu giống, thời vụ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, chế độ nước của địa phương nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung thời vụ chung của tỉnh.

Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền đến bà con thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư; đôn đốc người dân xuống đồng vệ sinh đồng ruộng, huy động phương tiện làm đất và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gieo cấy lúa xuân; phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng lúa, rau màu vụ Xuân cho bà con.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh) hiện tổng lượng nước trữ ở 40 hồ chứa nước lớn, vừa trong tỉnh là 207,5 triệu m3, đạt 64,9% tổng dung tích thiết kế.

Ngay từ trước Tết, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm tra các phai, đập, các cống lấy nước, chống rò rỉ, thẩm thấu qua công trình kênh mương; làm thủy lợi, khai thông cửa cống, nạo vét mương máng, sớm hoàn thành kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình và kiên cố hóa kênh mương, quản lý tốt và khai thác tiết kiệm nguồn nước.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và dự báo khí tượng thủy văn, đề phòng các hiện tượng thiên tai bất thường, chủ động phương tiện sẵn sàng khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ có thể xảy ra, bám sát thời vụ và nhu cầu dùng nước, đảm bảo cho vụ chiêm xuân 2024 đạt năng suất cao.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.