Trồng lúa không dấu chân cho năng suất cao
Thời điểm này, nông dân Thanh Hóa đang tất bật thu hoạch vụ lúa xuân 2024. Trên những cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất, nhiều nông dân tỏ ra phấn khởi khi sản lượng lúa đạt mức cao nhất từ trước đến nay và được doanh nghiệp bao tiêu trọn gói sản phẩm
Gia đình ông Đào Công Dũng (xã An Nông, huyện Triệu Sơn) là hộ dân tích tụ được nhiều đất đai nhất huyện Triệu Sơn với diện tích 20ha (gồm đất thuê thầu và nhận chuyển nhượng của người dân) tại cánh đồng Sà Vỹ. Hầu hết diện tích gieo trồng của gia đình ông Dũng đều liền vùng, liền thửa, được đầu tư thủy lợi, đường giao thông nội đồng hết sức đồng bộ. Qua 5 năm canh tác, ông Dũng nghiệm thấy, việc sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đem hiệu quả rõ rệt.
Ông Dũng cho biết: “Nếu canh tác lúa truyền thống, công thuê cấy sẽ mất 300 nghìn đồng/sào, nhưng nếu làm cánh đồng mẫu lớn thì tiền thuê máy cấy chỉ mất 150 nghìn đồng/sào, giảm một nửa chi phí và rút ngắn 2/3 thời gian gieo cấy so với trước đây. Bên cạnh đó, việc làm cánh đồng mẫu lớn giúp việc cơ giới hóa tập trung, đồng bộ hơn, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm công lao động, giảm thất thoát sau khi thu hoạch”.
Điều đáng mừng hơn cả là năm nay thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, tỷ lệ hạt lép rất thấp giúp gia đình ông trúng đậm vụ lúa xuân. Ông Dũng nhẩm tính, với 20ha lúa cấy bằng giống C siêu đa hệ, năng suất lúa bình quân đạt gần 4 tạ/sào. Tổng sản lượng thu hoạch dự kiến đạt khoảng hơn 100 tấn. Với giá lúa đang ở mức cao (khoảng 8 triệu đồng/tấn), vụ xuân năm nay, dự kiến ông Dũng bỏ túi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ngoài việc tích tụ đất đai, ông Dũng còn đầu tư hàng tỷ để làm sân phơi, mua sắm máy cày, bừa, máy gặt để chủ động lịch thời vụ. Nhờ đó, chi phí sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn giảm, năng suất tăng vượt trội so với canh tác lúa truyền thống.
Ông Hoàng Văn Thuyền (xã An Nông, huyện Triệu Sơn) có 5ha lúa lai đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy vào cuối vụ, lúa gặp giông lốc nhưng thiệt hại không đáng kể. Theo ông Thuyền, ưu thế của lúa lai là đẻ̉ nhánh khỏe, trỗ, chín tập trung, độ đồng đều cao, chống đổ khá. Ước tính, vụ xuân năm nay, năng suất lúa tại ruộng đạt gần 4 tạ/sào, sản lượng đạt hơn 70 tạ/ha. Ông Thuyền nhận định, đây là vụ lúa đạt năng suất, sản lượng cao nhất từ trước đến nay kể từ khi ông làm nông nghiệp.
Ông Thuyền kỳ vọng, nếu giá lúa giữ vững hoặc đạt cao hơn năm ngoái thì nông dân sẽ thắng lớn do chi phí vật tư đầu vào giảm sâu so với cùng kỳ. “Năm ngoái giá phân bón đạt đỉnh hơn 16.000 đồng/kg, nhưng năm nay giảm còn 12.000 đồng đồng/kg. Giá phân bón xuống thấp giúp người dân giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư cho sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng để nông dân yên tâm mở rộng sản xuất trong những năm tiếp theo”, ông Thuyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nông cho biết: “Vụ xuân năm 2024, xã An Nông gieo cấy 262ha với các giống lúa chủ lực như TBR225, Thiên ưu 8, Nhị ưu 986... Năng suất lúa vụ xuân năm 2024 vượt trội hơn so với các năm là cơ sở để địa phương tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn các thôn vào những mùa vụ tiếp theo. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng lúa, xã đã quy hoạch được 5ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân”.
Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại nhiều cánh đồng mẫu lớn ở Thanh Hóa, năng suất lúa bình quân đạt khoảng 75 tạ/ha, cao hơn từ 4-5 tạ/ha so với ruộng bên ngoài, có nhiều hộ năng suất đạt trên 78 tạ/ha do áp dụng các giống mới có năng suất cao như Thiên ưu 8, các giống TBR của Tập đoàn Thaibinh Seed...
Diện tích tăng nhờ hồi sinh ruộng “chết”
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa gieo trồng 14.000 ha lúa, tăng gần 2.000ha so với kế hoạch giao. Diện tích gieo cấy lúa xuân tại hầu hết các địa phương trong tỉnh đều tăng, trong đó các huyện có diện tích tăng cao đột biến gồm Triệu Sơn (tăng 240ha), thành phố Thanh Hóa (tăng gần 237ha), huyện Hoằng Hóa tăng gần (100ha).
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) cho biết: “Việc diện tích lúa Xuân tăng mạnh trong năm 2024 do giá lúa đang lên cao, người dân có xu hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng lúa. Ngoài ra, phần diện tích đất nông nghiệp trước đây bị thu hồi để hiện dự án công nghiệp, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, đã được người dân tận dụng để canh tác lúa. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, thâm canh, mở rộng diện tích giúp sản lượng lúa tăng cao trong vụ xuân 2024”. Cũng theo ông Chung, vụ Xuân năm 2024, ước tính năng suất lúa trung bình đạt khoảng 68 tạ/ha, giúp nông dân có thu nhập ổn định từ cây lúa.
Với chủ trương mở rộng diện tích gieo cấy vụ xuân, năm ngoái UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa tổ chức sản xuất lại đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Hoàng Long mở rộng (diện tích chưa thu hồi và chi trả đền bù).
Tại thành phố Thanh Hóa, cuối năm 2023, đầu năm 2024, hợp tác xã An Hưng đã đứng ra thuê thầu đất của người dân với mức giá 200 nghìn đồng/sào/vụ, đồng thời bỏ vốn, tại lập hệ thống thủy lợi, tập trung ruộng đất thành thửa lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất lúa xuân 2024. Đến nay, toàn bộ diện tích khoảng 70ha, tập trung chủ yếu tại phường Long Anh (thành phố Thanh Hóa) đã cơ bản được gieo cấy, dự kiến cho năng suất khoảng 54-60 tạ/ha.
Mặc dù vụ xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, giá lúa đang ở mức cao, tuy nhiên, mức lãi của hợp tác xã dự báo không cao vì chi phí để “hồi sinh” những thửa ruộng “chết” gấp đôi so với các chân ruộng khác và cũng bởi đất lúa mới cải tạo, cần thời gian để đạt được độ phì nhiêu và năng suất như mong muốn.
Hiện nay, có khoảng trên dưới 100ha đất thuộc khu công nghiệp Hoàng Long thuộc huyện Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa đã được "hồi sinh". Tại phường Long Anh (thành phố Thanh Hóa), xã Hoằng Đồng, Hoằng Minh (huyện Hoằng Hóa) người dân và các hợp tác xã nông nghiệp đang tích cực bỏ công sức phục hồi hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, phục hồi đất, phục vụ sản xuất trong những vụ tới.
Cũng như nhiều hộ dân khác, ông Lê Đình Thành (xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa) không nỡ nhìn “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang tại khu công nghiệp Hoàng Long nên quyết định thuê thầu đất của hơn 30 hộ dân để làm cánh đồng mẫu lớn với giá thuê 100 nghìn đồng/sào/năm. Để khôi phục lại đất hoang hóa, ông Thành đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng để cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi phục vụ canh tác.
Một vài vụ đầu tiên, ông Thành tập trung vào việc làm ải, xử lý đất để tăng độ màu. Đến vụ Xuân năm nay, chân đất cơ bản được phục hồi, ông Thành gieo đại trà giống nếp Lang Liêu trên 7 mẫu ruộng đã cải tạo. Ông Thành nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, vụ xuân năm nay, gia đình có thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng từ làm lúa.
Đối với diện tích đất bỏ hoang còn lại tại khu công nghiệp Hoàng Long, UBND huyện Hoằng Hóa đã họp với các địa phương để tổ chức phương án sản xuất. Huyện Hoằng Hóa đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê lại đất, đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao. Dự kiến, diện tích đất hoang hóa, có khả năng gieo cấy tại khu công nghiệp này sẽ được tái khởi động trồng lúa trong năm sau.
Năm 2023, tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay đạt hơn 19.000 ha tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Nga Sơn…). Việc sản xuất lúa quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu gieo mạ, chăm sóc, phòng sâu bệnh, thu hoạch, vận chuyển; sản xuất áp dụng quy trình VIETGAP, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng khoảng 10 nghìn ha. Năng suất lúa bình quân từ 55-60 tạ/ha, thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 25-27 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống.