| Hotline: 0983.970.780

'Tam nông' Thanh Hóa - 1 năm nhìn lại [Bài 2]: Nghĩ lớn, làm lớn!

Thứ Bảy 09/12/2023 , 09:18 (GMT+7)

Thanh Hóa ngày càng xuất hiện nhiều người dám nghĩ lớn, làm lớn, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nâng tầm giá trị cây lúa nhờ tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Duy Học.

Nâng tầm giá trị cây lúa nhờ tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Duy Học.

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện  “Tam nông” ở Thanh Hóa, nơi mà áp lực nhiều hơn là sự thỏa mãn với thành quả đã có. Áp lực phải nâng tầm ngành nông nghiệp; áp lực về sự thay đổi diện mạo nông thôn; áp lực để nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân trên chính thửa đất của mình…

Đây cũng là thời điểm để cùng nhìn lại thành quả của ngành nông nghiệp Thanh Hóa trong năm vừa qua với những cố gắng và nỗ lực không biết mệt mỏi của những người "đứng mũi chịu sào". Họ tạm hài lòng vì năm 2023, ngành nông nghiệp Thanh Hóa có mức tăng trưởng cao nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay (4,16%), góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong thành quả chung ấy, xuất hiện những con người dám nghĩ lớn, làm lớn, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Làm lớn

Ông Nguyễn Duy Thỏa cười khoái chí khi người dân gọi ông với biệt danh “Lão Thỏa liều”. Mà cũng đúng, chả ai như lão, tự dưng “ôm rơm nặng bụng”, bởi trong lúc có người chán ruộng thì lão lại hăng hái đi xin được thuê lại đất để cấy lúa. 

Lão bảo: “Cái gì khó, người khác không làm, tôi sẽ làm”. Bởi vậy, sau nhiều đêm suy nghĩ, lão quyết định thuê lại ruộng của bà con để làm vùng sản xuất lúa quy mô lớn. Ban đầu dân sợ giao ruộng cho lão vì lo mất đất. Lão cùng chính quyền địa phương phải giải thích mãi dân mới hiểu: “Đất của bà con, nếu nhà nước lấy thì đền bù cho gia đình, chứ tôi có được hưởng đâu”, lão nhớ lại.

Được cái, tại thôn Văn Đô (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa), lão nói được làm được, tính tình ngay thẳng nên bà con trong làng ai cũng quý lão.

Lão kể, để gom được 150 sào ruộng của người dân, lão cùng chính quyền địa phương vận động người dân mất hàng năm trời, đó là chưa kể công cải tạo mặt bằng, đắp bờ, be thửa, phục hóa, dẫn nước. Lão không nhớ đã đổ bao nhiêu tiền và công sức vào việc này, chỉ biết, sau khi cải tạo xong việc, lão gầy sọp hẳn đi…

Cánh đồng lúa nếp của ông Thỏa tại thôn Văn Đô (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Cánh đồng lúa nếp của ông Thỏa tại thôn Văn Đô (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Lão chưa bao giờ dám sơ vin áo trắng cổ cồn vì suốt ngày tất bật ngoài đồng ruộng. Tối nay, lão còn phải trực dẫn nước vào ruộng. Ruộng nhà lão thuộc loại lớn nhất xã Trường Sơn, nên mất rất nhiều công xá.

Lão làm lúa từ năm cách đây hơn chục năm, nhưng năm ngoái lão trúng vụ lúa khoảng 1.500 tấn tính cả diện tích đất lão thuê mướn và liên kết sản xuất với bà con trong và ngoài tỉnh. Năm nay lão tính mở rộng diện tích để hốt trọn vụ chiêm xuân khi lúa đang được giá.

Bài liên quan

Trước đây, một mình lão “cày” hàng chục ha lúa, nhưng nay đỡ cực hơn vì có máy móc, nhân công phụ giúp. Lão có vẻ tiếc tiền thuê, nhưng cũng tặc lưỡi cho qua: “Làm cánh đồng mẫu mà không có máy móc thì sức người sao làm nổi. Thay vì hùng hục làm cả ngày thì máy chỉ cần vài chục phút và cày xong thửa ruộng”.

Lão bảo, đã làm liên kết thì phải chia ngọt sẻ bùi, cùng chung chiến tuyến. Thấy lão làm ăn tốt, thực hiện đúng lời hứa, bà con trong xã tiếp tục giao ruộng cho lão làm rồi lấy hoa lợi. Một mình không gánh hết việc, lão nghĩ ra việc ký hợp đồng liên kết sản xuất với các hộ dân, thu mua lúa gạo của bà con trong và ngoài tỉnh. Lão đứng vai "chỉ đạo" sản xuất y như cán bộ kỹ thuật mà ai nấy đều nghe răm rắp vì lão có kinh nghiệm đồng ruộng. Bây giờ, hễ ai phá vỡ hợp đồng liên kết là lão từ mặt luôn.

“Bà con ai nấy đều có kinh nghiệm làm nông nghiệp, nhưng quan trọng phải có người đứng ra tổ chức sản xuất. Trước kia, ở xã Trường Sơn, hầu hết các hộ dân đều tự làm riêng lẻ, mạnh ai nấy sống, rồi giá cả từng thời điểm lên xuống thất thường, sức dân bỏ ra nhiều mà lời lãi chả ăn thua. Giờ làm lớn, thuê một lần trọn gói từ gieo cấy đến gặt lúa là xong, trong khi chi phí giảm so với làm lẻ tẻ".

Những cánh đồng mẫu lớn đang mang đến những mùa vàng bội thu cho nông dân xứ Thanh. Ảnh: Duy Học.

Những cánh đồng mẫu lớn đang mang đến những mùa vàng bội thu cho nông dân xứ Thanh. Ảnh: Duy Học.

Bây giờ, lão đứng ra lo đầu ra cho bà con, cộng thêm việc làm đầu mối cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào, thuê máy móc gieo sạ, gặt cho vài trăm ha trong và ngoài tỉnh, nên bà con nhàn tênh.

Lão ví dụ: “Làm cánh đồng mẫu, tất cả các khâu từ gieo cấy cho đến khi thu hoạch đều được cơ giới hóa. Ruộng đất tập trung lớn nên có thể thực hiện chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống”, thuận lợi cho canh tác, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.

Ngoài ra, sau khi tích tụ ruộng thửa thành cánh đồng mẫu, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn do không phải qua khâu trung gian; việc ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tốt hơn, góp phần làm giảm chi phí công lao động, trong khi lợi nhuận tăng lên…”.

Khoảng 2 năm nay, lão quyết định chuyển một phần diện tích sang làm lúa nếp vì hợp xu thế. Lão không quan tâm người ta làm sản lượng bao nhiêu, nhưng ruộng của lão trung bình cứ phải đạt trung bình 5,5 tấn/ha. Lúa của lão không ai chê được, nên được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ không qua khâu trung gian. Lúa giá cao, chất lượng, sản lượng đảm bảo nên không lo bị ép giá. Lão định tiết lộ số tiền lời sau khi làm cánh đồng mẫu nhưng ngẫm nghĩ một hồi rồi lại thôi: “Mình có là gì với thiên hạ đâu mà khoe".

Sau hơn chục năm làm cánh đồng mẫu, lão tự tin khoe, chưa bao giờ để người dân chịu thiệt trên thửa ruộng của mình. Lão trả tiền tươi thóc thật cho dân sau khi lúa đóng bao đặt trên bờ thửa. Nghe lão nói cũng có cơ sở, bởi hiện nay lão đứng ra liên kết với hàng trăm nông hộ trong và ngoài tỉnh với diện tích khoảng 300-400ha, đồng thời là đầu mối thu mua lúa cho dân. Lão bảo: “Đầu ra không phải nghĩ vì lúa làm ra được 4 doanh nghiệp phía Bắc bao tiêu cho dân nên giá cả khá ổn định”.

Người dân Thanh Hóa tự tin sống khỏe nhờ cây lúa. Ảnh: Duy Học.

Người dân Thanh Hóa tự tin sống khỏe nhờ cây lúa. Ảnh: Duy Học.

Đánh giá về hiệu quả của việc tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh, ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết, đây là cơ sở giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay đạt hơn 19 nghìn ha tập trung tại  các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Nga Sơn…). Việc sản xuất lúa quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu gieo mạ, chăm sóc, phòng sâu bệnh, thu hoạch, vận chuyển; sản xuất áp dụng quy trình VietGap, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng khoảng 10 nghìn ha. Năng suất lúa bình quân từ 5,5-6 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 25-27 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống.

 

Nghĩ lớn

Lúa gạo Việt Nam không thua kém gì chất lượng, thậm chí còn vượt trội so với các nước có cùng điều kiện và phương thức canh tác. Ý nghĩ ấy khiến ông Nguyễn Văn Tấn, từ một sinh viên cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội từ bỏ cơ hội phát triển nghề nghiệp, để quay về với nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo anh Tấn, nếu sản xuất lúa gạo manh mún, nhỏ lẻ thì sản phẩm chỉ dừng lại ở chỗ tự cung, tự cấp, hạn chế đầu ra và thị trường tiêu thụ không có thương hiệu.

Doanh nghiệp của anh Tấn được cấp mã số vùng trồng và hướng tới xuất khẩu các loại gạo chủ lực. Ảnh: Quốc Toản.

Doanh nghiệp của anh Tấn được cấp mã số vùng trồng và hướng tới xuất khẩu các loại gạo chủ lực. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Tấn hiện thực hóa suy nghĩ này bằng việc đầu tư nhà máy chế biến gạo năm 2018, tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga trị giá 4 tỷ đồng. “Lúa gạo không có thương hiệu, rủi ro sẽ lớn do biến động của thị trường, giá cả. Tuy nhiên, nếu sản phẩm lúa gạo khẳng định được chất lượng và thương hiệu thì biến động thị trường vừa thách thức, vừa là cơ hội, đặc biệt là đối với sản phẩm có thương hiệu, được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tốt điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, anh Tấn chia sẻ.

Ông chủ doanh nghiệp nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp và lãnh đạo địa phương bắt tay vào quy hoạch vùng trồng an toàn, chất lượng, hướng tới xây dựng mã số vùng trồng, tạo vùng nguyên liệu lớn cho nhà máy chế biến, hướng tới xuất khẩu.

“Nếu chỉ cung cấp sản phẩm thô thì không ổn, ít nhất lúa phải có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng người tiêu dùng mới yên tâm. Lúa gạo Việt Nam khi đã có thương hiệu và thị trường ổn định thì không lo chuyện được mùa mất giá”, anh Tấn chia sẻ.

Sau nhiều năm bỏ công, tốn sức, anh Tấn đã mở rộng vùng nguyên liệu tại huyện Triệu Sơn (100ha), nông Cống (70ha), Hậu Lộc 150ha, TP. Thanh Hóa (70ha). Ông chủ doanh nghiệp cũng là người đứng ra cấp phân, cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch và bao tiêu cho bà con, thông qua các hợp tác xã và các nông hộ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn.

Năm 2022, doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng cho vùng trồng lúa tập trung ST25 và gạo nếp hạt cau tại xã Thiệu Dương, Thiệu Vân (TP. Thanh Hóa) với diện tích 70ha.

Mỗi năm anh Tấn xuất bán khoảng 3.000-4.000 tấn gạo, doanh thu đạt được khoảng 40-50 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Mỗi năm anh Tấn xuất bán khoảng 3.000-4.000 tấn gạo, doanh thu đạt được khoảng 40-50 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Tấn chia sẻ: "Việc cấp mã số vùng trồng rất quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Mình đi trước người ta một bước, sau này có cơ hội xuất khẩu thì tận dụng ngay, thay vì "nước đến chân mới nhảy". Do đó, mã số vùng trồng là điều kiện quan trọng để tạo ra giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp nói chung, thương hiệu gạo nói riêng”.

Hiện nay, mỗi năm anh Tấn xuất bán khoảng 3.000-4.000 tấn gạo, doanh thu đạt được khoảng 40-50 tỷ

Để được cấp mã số vùng trồng, anh Tấn phối hợp với các địa phương, cán bộ khuyến nông công tác ghi chép nhật ký canh tác; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng; thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu.

đồng, trong đó sản lượng gạo nếp hạt cau và gạo ST25 đạt khoảng 500 tấn, chủ yếu cung cấp ở thị trường miền Bắc.

Theo thống kê toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 77 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích gần 700ha (ớt, lúa, bưởi vải). Tổng số mã số vùng trồng nội địa là 71 mã với tổng diện tích hơn 656 ha, trên các đối tượng cây lúa, cây ăn quả, rau màu. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành 63 chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo quy mô hơn 6,3 nghìn ha/năm; cây ăn quả 6 chuỗi quy mô 157ha; mía nguyên liệu 2 chuỗi, quy mô 12 nghìn ha; rau các loại 61 chuỗi quy mô hơn 2,4 nghìn ha… 

Nói về tính liên kết chuỗi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa trong thời gian qua, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa đánh giá: Việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giúp phát huy cao đối với vai trò chủ thể của nông dân trong mối quan hệ đồng bộ liên kết sáu nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối.

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông dân được trang bị bằng kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo kỹ thuật theo hướng tri thức hóa nông dân, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và giá trị cao dựa trên công nghệ mới, hiện đại về chế biến.

Khi tham gia liên kết sản xuất, người nông dân tiếp cận với thị trường một cách chủ động hơn, thay đổi cách nhìn về sản xuất, kinh doanh và liên kết hợp tác; khai thác hiệu quả hơn quỹ đất, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và các thế mạnh của mình, được nhà nước hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh; hạn chế được một số biến động thị trường và giá cả đồng thời người nông dân có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cùng tham gia hợp tác để phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị lớn ra ngoài thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

60 gian hàng OCOP tham dự tuần hàng giới thiệu nông sản Hà Nội

Tại phố đi bộ thị xã Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao.