Nông dân Thủ Đức hồ hởi khi thị trường mai Tết khởi sắc
Thứ Sáu 07/01/2022 , 11:23 (GMT+7)Thị trường mai Tết năm nay có nhiều tín hiệu khả quan trước bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhiều nhà vườn Thủ Đức đã có trên 50% lượng khách đặt mai chơi Tết.
Khách đặt mai chơi Tết tăng
Đi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Thành phố Thủ Đức, chúng tôi bắt gặp ngay những chậu mai lớn, nhỏ khác nhau, từ mai ghép, mai tứ quý, mai cổ… đã được các nhà vườn như Vườn mai Chí Công, Vườn mai Phương Bình, Vườn mai Ba Trận… trưng bày, để người dân có thể dễ dàng lựa chọn.
Anh Nguyễn Chí Công, chủ vườn mai Chí Công (đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức) cho biết, nhà vườn đang trong những ngày “nước rút” để chuẩn bị mai cho thị trường Tết Nguyên đán 2022. Với những tín hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, vườn mai Chí Công đã bắt đầu thuê nhân công nhặt lá mai từ ngày mùng 1/12 Âm lịch với số nhân công khoảng 30-40 người cho vụ Tết.
Dẫn chúng tôi thăm quan vườn mai của mình, anh Công cho biết, đã chuẩn bị khoảng gần 500 cây mai lớn, đẹp cho thị trường TP.HCM và Hà Nội. Với mỗi khách hàng, anh Công đều ghi lại tỉ mỉ từng yêu cầu của khách để lựa chọn những cây mai phù hợp với nhu cầu, cũng như “túi tiền” của khách; sau đó tùy vào ngày khách muốn nhận “hàng”, anh sẽ tính toán thời điểm cho người tuốt lá, nhặt lá để khi khách nhận mai sẽ có nhiều nụ nhất và hoa bung nở đẹp nhất dịp Tết. Mỗi cây mai có giá cho thuê dao động từ 5-150 triệu đồng.
“Mai phục vụ cho thị trường Hà Nội phải chăm sóc đặc biệt hơn bởi đang sống ở vùng khí hậu nóng ẩm, khi ra Hà Nội vào mùa lạnh sẽ bị sốc nhiệt, rất dễ teo nụ và không thể nở hoa đúng như mong muốn. Do đó, nhà vườn phải canh ngày khách đặt để thực hiện công đoạn chăm sóc, bón phân, tưới nước, nhặt lá nhằm đảm bảo cho mai nở đúng ngày khách yêu cầu”, anh Công nói.
Nghề trồng mai đòi hỏi phải tỉ mỉ, chịu khó chăm sóc đầy đủ phân, nước, nhất là giai đoạn sắp ra hoa. Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình cây mai đẹp cũng lắm công phu. Nếu không thực sự yêu nghề, khó có thể gắn bó lâu dài.
“Khách từ Hà Nội đã khá quen với mai của tôi nên họ thường chỉ gọi điện đặt hàng mà không cần xem. Cứ đúng ngày là tôi chuyển mai ra Hà Nội. Người này chơi mai lại giới thiệu người khác, nên mỗi năm lượng khách cũng có tăng lên chút đỉnh”, anh Công cho hay.
Theo anh Công, điều may mắn của nhà vườn trong năm 2021 là anh đã có tính toán, dự trù được nguồn phân, thuốc trong 1 năm dù TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. “Thời điểm TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách toàn thành phố, người làm thì bị F0 nên mọi công việc chăm sóc mai chỉ có hai vợ chồng tôi. Lúc đó, lo lắm, khó khăn đủ đường, không biết tình hình dịch đến đâu, Tết có hết dịch để mình đưa mai ra thị trường không?
Tới bây giờ, khách quen từ Hà Nội và TP.HCM cũng đã đặt hàng khoảng 2/3 lượng cây của nhà vườn, số lượng có tăng hơn so với năm ngoái”, chủ Vườn mai Chí Công chia sẻ.
Mai vàng sẵn sàng xuất sang Campuchia
Là một trong những người trồng mai lâu năm, anh Nguyễn Ngọc Phương, chủ Vườn mai Phương Bình (đường 38, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cung cấp ra thị trường Tết năm nay khoảng 2.500 cây mai lớn nhỏ khác nhau với nhiều mức giá khác nhau. Khách hàng của anh Phương chủ yếu là thị trường TP.HCM và Campuchia. “Năm ngoái Hà Nội không đặt, nhưng năm nay đã có khách đặt hàng rồi! Còn đối với thị trường Campuchia cũng có nhiều khách hẹn vài ngày nữa sẽ sang xem, chọn mai về chơi Tết. Lượng khách Campuchia của tôi cũng đã có từ mấy năm nay”, anh Phương nói.
Với những người trồng mai nói riêng và người nông dân nói chung, năm 2021 cũng là một năm nhiều khó khăn, bởi dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động đều bị ngừng trệ, việc mua bán thông thương đều bị hạn chế. “Do cấm cửa khẩu, nên việc nhập thuốc bảo vệ thực vật gặp khó khăn. Cùng với đó, do thời tiết nên khoảng 10-15% số mai của tôi nở sớm. Cũng may mắn là dịch bệnh cao điểm đã đi qua, để những tháng cuối năm nhà vườn chúng tôi còn có thời gian để chuẩn bị”, anh Phương chia sẻ.
Anh Phương cũng cho biết, hiện nhiều đơn vị, công ty, xí nghiệp đã xuống tận nhà vườn để lựa chọn từng cây mai đẹp phù hợp với túi tiền của mình để chơi Tết. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người cũng đắn đo, cân nhắc lựa chọn giá cả. Tết năm ngoái tình hình dịch vẫn còn âm ỉ, không biết khi nào mới hết, nên nhiều người e ngại không chơi mai. Nhưng năm nay, tình hình khả quan hơn, tàu xe, máy bay cũng đi lại thuận lợi hơn”, anh Phương phấn khởi chia sẻ.
Cũng theo anh Phương, điều thuận lợi hơn năm ngoái là nhà vườn có thể đóng tiền kho bãi sớm hơn mọi năm để có thời gian chuẩn bị cho việc sắp xếp mai Tết bán cho người tiêu dùng. Năm nay, anh Phương thuê ba lô đất tại quận 11, quận 7, TP Thủ Đức để bày mai bán. Điểm trưng bày lớn nhất của vườn mai Phương Bình là tại chùa Vân Sơn, đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức đã bày hơn 100 cây mai tuyển loại 1 để người dân có thể tham quan, lựa chọn.
“Những năm trước, người ta đặt thuê cây mai khoảng 50 triệu đồng, thì năm nay người ta chỉ đặt cây khoảng 30-40 triệu đồng. Nhà vườn cũng bớt khoảng 10-15%, vì năm nay dịch bệnh ảnh hưởng đến cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nên bớt để người tiêu dùng xài chơi Tết.
Nhiều khách hàng nói với tôi, qua dịch bệnh rồi, dù sao cũng phải có quỹ để chơi mai, không nhiều thì ít. Do đó, lượng người đặt nhiều hơn năm qua. Tại thời điểm này năm vừa qua thì chưa có ai đặt”, chủ vườn mai Phương Bình cho hay.
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, các nhà vườn tại làng mai Thủ Đức mong muốn dịch bệnh ổn định hơn, những cây mai khoe sắc vàng có thể đến được với nhiều người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài.
tin liên quan
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản
Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).
Cà phê là mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất niên vụ 2023 - 2024
Dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3%, kim ngạch niên vụ 2023-2024 vẫn đạt kỷ lục 5,42 tỷ USD (tăng 33%), trong đó EU nhập khẩu 2 tỷ USD.
Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra thế giới
Mặc dù chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, nhưng cá tra Việt Nam không còn đứng 'một mình một chợ' mà chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Trung Quốc,...
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn
Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.
Xuất khẩu cao su Việt Nam 10 tháng đạt trên 2,52 tỷ USD
Trong 10 tháng đầu năm 2024, có sự dịch chuyển lớn về thị trường xuất khẩu cao su.