| Hotline: 0983.970.780

Malaysia dự báo giảm 1,5% tăng trưởng GDP, 10% xuất khẩu

Thứ Năm 03/04/2025 , 12:54 (GMT+7)

Công ty cung cấp các dịch vụ tài chính MIDF đưa ra thông tin này, sau khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 24% lên các hàng hóa có xuất xứ Malaysia.

Mức suy giảm có thể tăng thêm, bởi thuế đối ứng được Hoa Kỳ áp dụng cho nhiều đối tác thương mại, nhất là các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc...

Theo MIDF, nhu cầu hàng hóa từ những nước trong khu vực cũng bị kéo suy yếu theo. Điều ấy càng khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia bị ảnh hưởng.

Cao su là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Malaysia. Ảnh: Malaymail.

Cao su là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Malaysia. Ảnh: Malaymail.

Trong nhiều năm, Hoa Kỳ nằm trong tốp 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Malaysia, chiếm tỷ trọng từ 11-15%, xếp sau Singapore và Trung Quốc (bao gồm cả lãnh thổ Đài Loan). Nền kinh tế Malaysia khá tương đồng Việt Nam, với GDP hơn 400 tỷ USD, độ mở tương đối lớn (xuất nhập khẩu chiếm khoảng 70% GDP). Tác động của sắc thuế mới, vì thế, cũng được cho là ít ảnh hưởng hơn.

Dù vậy, thuế đối ứng được MIDF dự báo là sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia giảm khoảng 1,5%, từ 4,6% xuống còn khoảng 3% trong năm 2025. 

Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ thống kê, Malaysia đứng thứ 15 trong danh sách thương mại, với mức thặng dư năm 2024 là 24,8 tỷ USD. Do đó, quốc gia này nằm trong nhóm quốc gia bị áp thuế cao nhất (24%, xếp thứ 11).

Bất chấp điều đó, Malaysia không có kế hoạch áp dụng thuế quan trả đũa, theo thông tin từ Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI)  phát đi trên BH Online.

Người phát ngôn MITI cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến mức thuế quan mới của Hoa Kỳ vì những tác động lớn đến thương mại, nhưng Malaysia kiên trì với lập trường duy trì thương mại tự do và công bằng với các quốc gia trên thế giới.

"MITI xem vấn đề này là nghiêm túc và đang tích cực hợp tác với chính quyền Hoa Kỳ để tìm ra giải pháp có thể duy trì thương mại tự do, công bằng", người phát ngôn này nói.

Vị này tin rằng, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ xuất phát một phần từ nguyên nhân nhiều công ty Hoa Kỳ đã hoạt động tại Malaysia trong nhiều thập kỷ, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái công nghiệp mạnh mẽ của Malaysia, nhất là lĩnh vực điện và điện tử.

Hiện Chính phủ Malaysia đã thành lập một ban công tác chuyên trách đánh giá tác động từ sắc thuế mới, đồng thời sẽ đưa ra một số giải pháp để giảm tác động của thuế quan đối với nền kinh tế và công nghiệp nước này. Trong đó, Thủ tướng Anwar Ibrahim làm trưởng ban, MITI là cơ quan thường trực cùng một số đại diện bộ, ngành liên quan.

"Trong khi tôn trọng quyết định này, Malaysia vẫn tin tưởng vào cách tiếp cận đàm phán mang tính xây dựng để thiết lập mối quan hệ kinh tế cùng có lợi. Chúng tôi cam kết bảo vệ lợi ích kinh tế của Malaysia và duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Hoa Kỳ", đại diện MITI nói thêm.

Nằm trong khu vực có nhiều mỏ dầu, Malaysia cũng đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên này. Ảnh: CILTM.

Nằm trong khu vực có nhiều mỏ dầu, Malaysia cũng đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên này. Ảnh: CILTM.

Cũng theo MITI, ban công tác đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là việc sử dụng Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để đạt được các lợi ích thương mại "có đi có lại" và tiếp tục  đẩy mạnh Hiệp định bảo hộ công nghệ với Hoa Kỳ, nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, hàng không vũ trụ và kinh tế số.

Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách ưu tiên các khu vực tăng trưởng nhanh và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Malaysia cũng sẽ tăng cường hợp tác mới trong ASEAN và nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng bằng cách đẩy nhanh thực hiện các chính sách quan trọng như Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) và Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR).

"Chính phủ cam kết hợp tác với các ngành bị ảnh hưởng và xây dựng các chương trình hỗ trợ để giúp doanh nghiệp thích ứng. Chúng tôi cam kết đối thoại và hợp tác cởi mở để giải quyết các tranh chấp thương mại và thúc đẩy thịnh vượng chung", người phát ngôn MITI nhấn mạnh.

Quốc gia Đông Nam Á cũng đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, xem đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đảm bải duy trì ổn định xã hội, phát triển kinh tế. 

Nằm trong nhóm quốc gia được Tổng thống Donald Trump nhắc trong bài phát biểu khi công bố sắc lệnh thuế đối ứng, Indonesia sẽ bị áp mức thuế 32%.

Ngoài vấn đề thuế, người đứng đầu Nhà Trắng còn đặt câu hỏi về các chính sách phi thuế quan của Indonesia, trong đó xoáy vào sự tham gia của các thành phần trong nước ở nhiều lĩnh vực, thủ tục cấp phép nhập khẩu khó khăn và yêu cầu chuyển toàn bộ ngoại tệ từ 250.000 USD trở lên khi giao dịch thương mại quốc tế vào tài khoản ngân hàng trong nước.

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

Petrovietnam và ACV đồng hành, hợp tác vì sự phát triển bền vững

Ngày 2/4, Petrovietnam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).

39% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM vẫn ‘khát vốn’

TP.HCM Quý I/2025, có tới 39% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và mở rộng hoạt động.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất