| Hotline: 0983.970.780

Nông dân xuất sắc cần lan tỏa tinh thần hợp tác

Thứ Hai 14/10/2024 , 16:08 (GMT+7)

Trước hơn 100 đại diện nông dân, HTX tiêu biểu cả nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ, bà con phải xác định trước sản xuất cái gì, cho ai và như thế nào.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều vấn đề về phát triển kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Khổng Chí.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều vấn đề về phát triển kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Khổng Chí.

Mỗi cán bộ hội là một khuyến nông viên

Nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX tổ chức sáng 14/10 đã nêu ra nhiều vấn đề cấp thiết đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị từ các nông dân xuất sắc và HTX tiêu biểu trên cả nước.

Một trong những nhóm vấn đề được đại biểu bàn luận sôi nổi là cách thức phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX. Anh Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đề nghị Bộ NN-PTNT và Trung ương Hội Nông dân nêu giải pháp vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. 

Ngoài ra, anh cũng nêu thực tế, rằng nhiều HTX hiện nay đang xây dựng khu chế biến trong đất thổ cư, dẫn đến không thể vay vốn đầu tư chăn nuôi và chế biến. Điều này vô hình trung khiến nhóm HTX gặp cản trở trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Chung quan điểm, anh Nguyễn Viết Tự, TX Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, một thanh niên bỏ việc thành phố để về quê trồng rau công nghệ cao, mong muốn có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn nữa đối với HTX để nhóm đối tượng như anh mở rộng sản xuất. Cùng với đó, là việc tạo điều kiện xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp. 

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Đây là nền tảng để hội nông dân các cấp dẫn dắt người nông dân phát huy hơn nữa hiệu quả từ mô hình này.

"Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người nông dân, cùng với đó là lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan chuyên môn. Chúng ta không sợ bà con không làm được mà sợ bà con không hiểu", ông Đoàn nói.

Để phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng cần tạo lập được nguồn vốn vay ưu đãi. Do đó. Trung ương Hội sẽ ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ người dân thủ tục, lãi suất vay vốn, đồng thời lồng ghép các biện pháp với 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn đồng chủ trì hội nghị sáng 14/10. Ảnh: Khổng Chí.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn đồng chủ trì hội nghị sáng 14/10. Ảnh: Khổng Chí.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bổ sung rằng, từng người dân riêng lẻ rất khó để hợp tác lâu dài với doanh nghiệp. Mô hình HTX, vì thế, trở thành kênh kết nối các bên liên quan lại với nhau.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng gợi mở ý tưởng về việc phối hợp giữa hội nội dông dân với tổ khuyến nông cộng đồng. Theo ông, người làm cán bộ hội có nhiều nhiệm vụ, vai trò như khuyến nông viên, trong đó có thúc đẩy sản xuất. 

"Ngồi ở đây hôm nay đều là những nông dân tiêu biểu, có tiếng nói trong cộng đồng. Nếu có thể tham gia khuyến nông cộng đồng, tiếng nói của các bác chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn", Bộ trưởng chia sẻ và nhắn nhủ thêm, rằng cán bộ hội có thể mặc áo khuyến nông cộng đồng khi tiếp xúc người dân, giúp "đánh động" thị trường hiệu quả hơn. 

Sản xuất cái gì, cho ai và như thế nào?

Bên cạnh phát triển kinh tế tập thể, các đại biểu cũng trăn trở về vấn đề thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường - một trong những chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT, mà trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều lần định hướng.

"Thông tin thị trường hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai có thể thay đổi 180 độ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét và liệt kê một số dạng thông tin như SPS gần như thay đổi hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Nguyên nhân vì chỉ cần 1 thành viên trong WTO thay đổi biện pháp kiểm dịch 1 lần/năm, có nghĩa Việt Nam sẽ nhận hơn 160 thông báo trong vòng 52 tuần. Đó là một con số rất lớn, khiến ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng e dè.

Là đơn vị thường xuyên tiếp xúc với thông tin thị trường xuất khẩu, HTX trái cây sinh học OCOP Hậu Giang rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng. Đại diện HTX tiết lộ, xu hướng của thị trường ngày càng có nhiều thay đổi, với những đòi hỏi rất cao, ví dụ Quy định không gây mất rừng của EU (EUDR), hoặc những quy định tuân thủ nghị định thư với Trung Quốc.

"Mỗi thị trường, mỗi quy định lại đòi hỏi nông dân, HTX phải sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm", vị này bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Mệnh (thứ 2 từ trái) - nông dân xuất sắc 2024, đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ông Nguyễn Đức Mệnh (thứ 2 từ trái) - nông dân xuất sắc 2024, đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Chương.

Thông tin thị trường mù mờ còn khiến người nông dân bị động trong kế hoạch sản xuất. Anh Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh huyện Cư Jút, Đắk Nông cho biết, tại khu vực sinh sống, nhiều nông dân phải bán ồ ạt hoặc gửi cà phê, hồ tiêu cho đại lý sau khi thu hoạch, do thiếu kho bãi đạt chuẩn để lưu trữ hàng hóa.

Nguồn cung trong thời điểm thu hoạch thường bị tăng một cách quá mức, theo anh Sơn, dẫn đến giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Cá biệt, một số gia đình con bị ép giá trong lúc thị trường biến động.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn thừa nhận, vấn đề thị trường một phần xuất phát từ việc doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, chưa có niềm tin với nhau.

Theo ông Đoàn, gần thời vụ thu hoạch, giá cả nông sản luôn biến động. Nếu nông sản lên giá, nông dân có xu hướng bán ra ngoài, thay vì chuyển đến cho doanh nghiệp như cam kết. Ngược lại, bà con có lúc, có nơi phải vay nóng, vay xã hội đen, hoặc bán lúa non để giải quyết tình trạng cấp bách lúc mất giá.

Ông Đoàn tin rằng, vùng nguyên liệu ổn định sẽ là giải pháp căn cơ, giúp doanh nghiệp và người dân đầu tư máy móc, cũng như tham gia các chính sách vốn tín dụng, bảo hiểm, ứng dụng khoa học để mở rộng sản xuất.

Đánh giá cao hợp tác này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, nhiều HTX tại Tây Nguyên đã chủ động xây dựng kho lữu trữ, bảo quản nông sản, tiến tới hợp tác dài hạn với doanh nghiệp. Thay vì trông chờ vào Nhà nước, người sản xuất lên sẵn kế hoạch sản xuất. Khi doanh nghiệp tới đặt vấn đề xây dựng hạ tầng, kho bảo quản, bà con sẽ có thứ "bán lại cho họ", thay vì xây kho chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu cá nhân.

Ngoài việc đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối thông tin, nông dân thời đại hiện nay còn cần nâng cao tinh thần hợp tác, theo Bộ trưởng. Nghị quyết 19 của Trung ương về tam nông đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng nâng cao năng lực của người nông dân, giúp phát huy nông lân là chủ thể, là trung tâm luôn là ưu tiên số một.

"63 nông dân xuất sắc ở đây cần lan tỏa tinh thần hợp tác ra ngoài cộng đồng, tăng cường liên kết các vấn đề của nông nghiệp để thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp xã hội. HTX dù gì vẫn rất mong manh. Do đó, bên cạnh giá trị sản xuất, yếu tố hợp tác cũng nên được xét đến khi bình chọn nông dân xuất sắc. Trước khi trồng cây lúa ngoài đồng, thả con cá xuống ao, bà con luôn phải tự hỏi, chúng ta sẽ sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tối 14/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Chương trình được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, quy tụ 63 nông dân và đại diện 63 HTX thuộc nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp, khép lại loạt sự kiện của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024.

Xem thêm
Chống lãng phí

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Bảo vệ tài nguyên nước góp phần quan trọng vào phát triển bền vững

Trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, chuyên gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khi thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thầy cô nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để giữ chân học sinh

Mô hình bán trú dân nuôi ở Kon Tum đã phát huy hiệu quả khi học sinh thuộc diện nghèo, ngoài diện bán trú được nhà trường giữ lại nuôi dưỡng, nấu ăn miễn phí.

Bình luận mới nhất