| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 26/02/2024 , 17:42 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:42 - 26/02/2024

Nồng độ cồn và lộ trình xây dựng nếp sống mới

Nồng độ cồn có lẽ là câu chuyện nóng bỏng nhất trong suốt dịp tết Giáp Thìn vừa qua, dù tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, vẫn hé lộ một nếp sống mới.

Nồng độ cồn bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông, thực sự được kiểm soát gắt gao trong suốt giai đoạn đầu năm 2024, khiến những cuộc chúc tụng giảm hẳn bia rượu. Khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại bia rượu, các cơ quan chức năng xác định rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Thực trạng ma men cầm lái đã gây ra khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, nhưng hiện tượng tài xế say xỉn vẫn phổ biến.

Chỉ đến lúc Bộ Công an cương quyết thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trên diện rộng, thì thói quen “nâng cốc” và “cụng ly” bắt đầu bị tác động mạnh mẽ. Cũng có nhiều ý kiến tranh luận về sự khắt khe nồng độ cồn bằng 0, nhưng việc đưa ra một tỉ lệ miễn cưỡng chấp nhận lại khó khả thi.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 20 quốc gia quy định cấm tuyệt đối hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, nghĩa là nồng độ cồn bằng 0. Việt Nam cũng tuân thủ xu hướng này, dù có ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh bia rượu, vẫn tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Bởi lẽ, hạ tầng cơ sở giao thông ở nước ta chưa phải đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe máy. Chỉ cần người cầm lái có dùng bia rượu thì bất kỳ va quệt nào cũng đưa đến hậu quả nghiêm trọng.

Xét ở góc độ khoa học, nồng độ cồn thấp nhất bị chế tài trước đây là 0,25 miligam/1 lít khí thở, có thể rất bình thường với người nọ nhưng không bình thường với người kia, do sức khỏe của mỗi người khác nhau. Cho nên, nhiều sự cố bất hạnh đã xảy ra khi tài xế chủ quan rằng mình chỉ nhấp một ly rượu nhỏ hoặc chỉ uống nửa ly bia.

Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã góp phần làm giảm số vụ tai nạn giao thông trong dịp tết Giáp Thìn vừa qua, đồng thời cũng tạo tiền đề để xây dựng nếp sống mới. Gần như đã thành tập quán, người Việt cứ hay ép nhau sử dụng bia rượu trong mọi sinh hoạt giao lưu, và không ít người thường có kiểu tự hào thể hiện bản lĩnh chén chú chén anh. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, chuyện thi nhau nốc rượu đã trở thành một kiểu thù tạc đáng kinh hãi.

Không phải lúc nào bia rượu cũng đáng chê trách, nhưng lạm dụng bia rượu đã mang lại nhiều hệ lụy cho cộng đồng, từ tốn kém tiền bạc đến nguy hiểm sinh mạng. Vì vậy, áp dụng triệt để nồng độ cồn bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một giải pháp tích cực.

Khi chấp nhận quy định nồng độ cồn bằng 0, thì tất cả tài xế có quyền từ chối thẳng thừng mọi lời mời mọc bia rượu, để mưu cầu sự an toàn cho mình và cho người xung quanh. Mặt khác, những ai hứng thú với trào lưu tối ngày ngất ngưởng trong bia rượu cũng phải cân nhắc vì mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn rất nghiêm khắc.  

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm