| Hotline: 0983.970.780

Nóng kiểm soát vận chuyển, giết mổ lậu

Thứ Hai 18/05/2015 , 09:04 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Cục Thú y và BQL Trung ương Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã tổ chức hội nghị công tác giết mổ và vận chuyển gia súc gia cầm. 

Mục tiêu nhằm đánh giá hoạt động nâng cấp cơ sở giết mổ, tăng cường kiểm soát giết mổ trên phạm vi cả nước để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thú y mỏng, điểm giết mổ quá nhiều

Theo Cục Thú y, cả nước hiện còn hơn 34.600 điểm giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ có gần 36% số điểm được kiểm soát. Còn lại hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ phát triển tự phát không đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y. Năm 2014, có 6 địa phương đã xử lý 31 trường hợp bơm nước gia súc khi giết mổ.

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Thú y cộng đồng thuộc Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Hiện có 84% tỉnh, thành phố có đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung. Một số địa phương đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung như TP.HCM, Hà Nội, Long An, Đồng Nai... với sự hỗ trợ của BQL Dự án Lifsap địa phương”.

Theo bà Bình, hầu hết các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn chưa nhận thức đúng về VSTY, ATTP cũng như trách nhiệm xã hội về nghề nghiệp của mình mà chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt. Do vậy, họ chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung và không ít chủ cơ sở còn giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ hoạt động tại các hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Điển hình như tại Hà Nội, có tới 99% cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư.

Tính đến tháng 2/2015, Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung vẫn còn 20% các tỉnh, thành chưa phê duyệt và có những chính sách khuyến khích đầu tư, quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Một số cơ sở giết mổ tập trung ở Tây Ninh, Trà Vinh, Quảng Nam được xây dựng theo nhu cầu nhưng không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, từ đó dẫn tới đầu tư không hợp lý, sử dụng, khai thác không hiệu quả.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do vị trí địa lý của các tỉnh, thành khác nhau, dẫn đến việc thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM) cũng khác nhau và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý. Điển hình như tại các tỉnh ĐBSCL, do đặc thù địa hình nhiều sông ngòi kênh rạch chằng chịt nên việc mua bán tiến hành trên xuồng, ghe, đi lại khó khăn, các điểm giết mổ phân tán với số lượng lớn nên KSGM gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng cường giải pháp kiểm soát

Đồng Nai được xem là “điểm nóng” trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC). Liên quan đến công tác quản lý giết mổ GSGC, ông Phan Minh Báu, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa hiệu quả, số lượng giết mổ còn thấp so với thực tế của địa phương.

Mặc dù theo báo cáo từ các huyện trong tỉnh, đến tháng 12/2014 trên địa bàn không còn các điểm giết mổ lậu. Tuy nhiên, trong thực tế kiểm tra, số lượng thịt gia súc không có kiểm soát của cơ quan chức năng hàng ngày vẫn được bày bán rất nhiều tại các chợ cóc, vỉa hè ở TP.Biên Hòa và một số huyện. Ước tính chỉ có gần 50% sản phẩm gia súc qua kiểm soát giết mổ.

Ông Báu cho biết: “Thậm chí đối với nhiều cơ sở giết mổ khi ngành chức năng đến kiểm tra thì đã có mật báo rất nhanh và bị “alô” liền, khiến anh em làm việc không được”.

Để tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát giết mổ GSGC, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, sẽ tiếp tục cho rà soát các văn bản pháp luật liên quan; đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ban hành chính sách xã hội hóa công tác bảo đảm ATTP nhằm phát huy nguồn lực xã hội trong các dịch vụ kỹ thuật về ATTP và chính sách hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, các địa phương phải tham gia quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý và kiểm soát giết mổ GSGC.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.