Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị thông tin về Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”, sẽ diễn ra vào ngày 5/4/2025 tại khách sạn Mường Thanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thuỷ.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo được Bộ Tư pháp cho phép tổ chức theo đúng trình tự pháp luật, dự kiến quy tụ khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Vũ Hoài Nam Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư, trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024...

TS.Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội thảo. Ảnh: Ngọc Thuỷ.
Từ những phát hiện những bất cập, hạn chế trong pháp luật thực định cũng như thực tiễn thi hành, Hội thảo đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hoàn thiện thể chế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của Đất nước, chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chủ trương của Đảng được Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Hội thảo còn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Báo Pháp luật Việt Nam (10/07/1985 - 10/07/2025). Đây là một dấu mốc đặc biệt, đánh dấu tuổi 40 của tờ báo bằng những hoạt động khoa học, nghề nghiệp có chiều sâu và ý nghĩa thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, nhấn mạnh: Hội thảo lần này có ý nghĩa thời sự đặc biệt và giá trị thúc đẩy phát triển trong bối cảnh hiện nay.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thảo. Ảnh: Ngọc Thuỷ.
Theo ông, sự thay đổi về thể chế đang diễn ra một cách toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, và những thay đổi đó tác động trực tiếp đến nội dung của pháp luật đầu tư. “Chúng ta đang hướng tới một hệ thống pháp luật có khả năng bảo đảm sự phát triển dài hạn của đất nước, và trong đó, thu hút đầu tư đóng vai trò then chốt”, ông Hạnh nói.
Đồng thời, ông cũng cho rằng để tạo lập được một môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn, cần xác lập một nguyên tắc cốt lõi trong tư duy lập pháp, đó chính là nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Ông nhấn mạnh: “Thể chế chính là cuộc chơi. Mà đã là cuộc chơi thì pháp luật phải là luật chơi rõ ràng, công bằng và nhất quán. Muốn thu hút được nhà đầu tư, chúng ta phải xây dựng được một hệ thống luật pháp có khả năng hiện thực hóa nguyên tắc này”.
Từ góc nhìn thực tiễn, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay nằm ở lĩnh vực đất đai - lĩnh vực phát sinh nhiều rủi ro pháp lý và xung đột lợi ích. Đặc biệt, đấu thầu các dự án có sử dụng đất hiện đang là một trong những khâu phức tạp nhất, rủi ro trong đó rất nhiều.
Hội thảo lần này được thiết kế như một diễn đàn đa chiều, với hơn 30 tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện doanh nghiệp. Nội dung hội thảo sẽ xoay quanh việc làm rõ nội hàm và cơ sở pháp lý của nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; đánh giá việc áp dụng nguyên tắc này trong các lĩnh vực cụ thể như đầu tư công, PPP, đất đai, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời bàn về vai trò của Nhà nước trong quản lý, kiểm soát rủi ro và giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư.